Diễn từ văn hóa

Ngân Hà| 28/04/2009 06:26

Giải thưởng thường niên của Quỹ Văn hóa Phan Chu Trinh năm nay được trao cho các nhà nghiên cứu, dịch thuật, đó là: Giải Tinh hoa giáo dục Quốc tế thuộc về Phạm Anh Tuấn với bản dịch Dân chủ và giáo dục của John Dewey; nhóm Lê Hồng Sâm, Trần Quốc Dương với bản dịch Émile hay là về giáo dục của Jean Jacques Rousseau. Giải Việt Nam học được trao cho giáo sư người Úc David Marr và giáo sư người Nhật Yumio Sakurai. Giải Nghiên cứu thuộc về học giả Nguyễn Đình Đầu.

Diễn từ văn hóa

Giải thưởng thường niên của Quỹ Văn hóa Phan Chu Trinh năm nay được trao cho các nhà nghiên cứu, dịch thuật, đó là: Giải Tinh hoa giáo dục Quốc tế thuộc về Phạm Anh Tuấn với bản dịch Dân chủ và giáo dục của John Dewey; nhóm Lê Hồng Sâm, Trần Quốc Dương với bản dịch Émile hay là về giáo dục của Jean Jacques Rousseau. Giải Việt Nam học được trao cho giáo sư người Úc David Marr và giáo sư người Nhật Yumio Sakurai. Giải Nghiên cứu thuộc về học giả Nguyễn Đình Đầu.

Từ văn hóa yêu nước


Hà Nội tháng ba trời trong xanh. Lễ trao giải thưởng Tinh hoa giáo dục Quốc tế, Việt Nam học và Nghiên cứu năm 2008 của Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh được tổ chức sáng ngày 27/3/2009, tại Hội trường Ngụy Như Kon Tum, 19 Lê Thánh Tông, Hà Nội. Ngay giữa lòng Thủ đô, lễ vinh danh các nhà nghiên cứu và dịch thuật diễn ra nhẹ nhàng và đầy xúc động.

Giáo sư Yumio Sakurai đọc diễn từ trước khi nhận giải thưởng, ca ngợi người phụ nữ Việt Nam một cách lịch lãm thông qua hình ảnh bà Nguyễn Thị Bình. Ông nói: “Trong thời kỳ thanh xuân của tôi, từ 15 đến 30 tuổi - cũng là thời kỳ Việt Nam diễn ra cuộc chiến tranh chống Mỹ ác liệt. Trong suốt thời gian 15 năm này, tôi không thấy có ngày nào là không có tên Việt Nam trên báo chí.

Đặc biệt, tôi đã nhìn thấy bức ảnh của một chiến sĩ nữ rất xinh đẹp. Chúng tôi, những thanh niên Nhật Bản, rất khâm phục và ngưỡng mộ người chiến sĩ nữ của Việt Nam ấy, đó chính là chị Nguyễn Thị Bình”. Rồi ông hướng về người phụ nữ có cái tên giản dị ấy, vốn là cháu ngoại cụ Phan Chu Trinh, ông nói rành rọt bằng tiếng Việt: “Hôm nay tôi rất vui và may mắn được gặp bà Nguyễn Thị Bình, vẫn đẹp một cách quý phái như 40 năm trước đây”.

Khi ông vừa ngừng ở đây và nhìn về người phụ nữ đang ngồi hàng ghế đầu của khán phòng, tiếng vỗ tay trỗi dậy, kéo dài. Rất nhiều người cũng đứng lên một lúc lâu để tỏ lòng ngưỡng mộ.


Yumio Sakurai là Giáo sư - Tiến sĩ danh dự Trường Đại học Tokyo, Nhật Bản. Ông sinh năm 1945 và coi đó như một vinh dự cho mình khi được sinh cùng năm với nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ông nói: “Khi tôi 15 tuổi, các nhà lãnh đạo anh hùng trong đó có bà Nguyễn Thị Bình và nhân dân miền Nam đứng ra tổ chức Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Tổ chức này được đánh giá là một trong những tổ chức có trình độ cao nhất trong lịch sử thế giới”.

Năm 20 tuổi, ông đã bắt đầu tìm hiểu và nghiên cứu về lịch sử Việt Nam ở Trường Đại học Tokyo. Với ông, cái tên Việt Nam ngày càng trở nên thật gần gũi. Ông viết: “Khi đó, những sinh viên Nhật như tôi hàng ngày tham gia phong trào đấu tranh ủng hộ nhân dân Việt Nam. Việt Nam là biểu hiện sức sống tuổi thanh xuân của chúng tôi. Cho nên chúng tôi phải biết Việt Nam là gì? Tôi bắt đầu nghiên cứu Việt Nam từ năm 1965. Tôi luôn tự hỏi: Tại sao Việt Nam có thể thắng Mỹ được? Phải chăng đó là kết quả tình đoàn kết dân tộc, tính cộng đồng của người Việt?”.


Từ những băn khoăn này, ông bắt đầu những công trình nghiên cứu về lịch sử xã hội Việt Nam. Nổi tiếng nhất là công trình Bách Cốc được giới chuyên môn đánh giá là một dự án nghiên cứu nông thôn lớn nhất, dài nhất và tỉ mỉ nhất. Năm 2003, ông đã được Trường Đại học Quốc gia Hà Nội trao bằng Tiến sĩ khoa học danh dự.


“Ngay bây giờ tôi là một nhà Khu vực học Việt Nam, để hiểu Khu vực học là gì? Thì câu trả lời đầu tiên của tôi là: Khu vực học là sự thể hiện của lòng kính trọng khu vực”. Kết thúc diễn từ của mình bằng những lời kính trọng đất nước mà mình nghiên cứu, GS Yumio Sakurai thực sư là một hình ảnh lớn cho ta bài học về lòng nước.

GS. Yumio Sakarai . Giải VIệt Nam học


Đến tinh hoa giáo dục


Dịch giả Phạm Anh Tuấn, người đã dịch Dân chủ và giáo dục của John Dewey, chia sẻ những suy tư của ông về giáo dục bằng một diễn từ dài 4 phút 25giây. Không thể lược bỏ được những gì ông tâm huyết vì nó cũng là bức xúc của chính chúng ta. Xin được trích nguyên văn:


“Giáo dục rút cục là sự phát triển của trẻ em, điều hiển nhiên này được nói tới quá nhiều. Nhà trường cổ truyền coi phát triển là mục đích cuối cùng, là điều phải đạt tới dựa trên chuẩn mực của người lớn. Trong lúc chờ đợi, trẻ em là ứng cử viên người lớn. Chúng bị xếp vào danh sách chờ. Chúng hy sinh hiện tại để đổi lấy một tương lai do người lớn hứa hẹn.


John Dewey đã làm một cuộc cải cách giáo dục. Ông không sửa đổi, ông thay đổi triết lý giáo dục của nhà trường cổ truyền:
Giáo dục không phải là chuẩn bị cho cuộc sống;


Giáo dục là bản thân cuộc sống.


“Tăng trưởng không phải là cái được làm sẵn cho trẻ em; nó là cái do trẻ em làm ra.” (Dân chủ và giáo dục, trang 58).
Năm 1896, để thực nghiệm triết lý giáo dục của mình, Dewey thành lập Trường Dewey dưới sự bảo trợ của Đại học Chicago. Năm 1903, Đại học Chicago sáp nhập Trường Dewey với trường của Francis Parker. Dewey từ chức, chấm dứt công trình thực nghiệm. Ông bắt đầu tập trung vào viết sách và hoạt động xã hội. Một số cuốn sách quan trọng về giáo dục của ông đều được viết từ sau bước ngoặt này, trong đó có Dân chủ và giáo dục, xuất bản năm 1916.


Sự phá sản của Trường Dewey là nguyên nhân khiến tư tưởng của ông, kể từ sau đó, liên tục bị hiểu sai, thậm chí bị xuyên tạc. Chẳng hạn, người ta tưởng rằng đề cao trẻ em nghĩa là hạ bệ người thầy, đề cao hoạt động năng động tức phủ nhận sách giáo khoa! Ngay cả Nicholas Murray Butler, Hiệu trưởng Đại học Chicago thời đó, cũng tuyên bố triết lý của Tân giáo dục do Dewey khởi xướng đã góp phần tạo ra những học sinh vô kỷ luật.


Năm 1938, John Dewey, người đàn ông có giọng nói nhỏ nhẹ và không biết hùng biện, lên tiếng tại một buổi nói chuyện kéo dài nhiều giờ tại New Jersey, và sau đó bài nói chuyện này được in thành sách dưới tên gọi Kinh nghiệm và giáo dục. Ông không buộc tội một ai, ông chỉ ra rằng thực thi triết lý của Tân giáo dục là điều thực ra vô cùng khó, nó đòi hỏi sự thay đổi không chỉ sau cánh cửa lớp học mà còn trong toàn bộ môi trường nhà trường, và nhất là việc đào tạo giáo viên.

Vì thế khi không thể thực hiện triệt để triết lý này, người ta bèn đầu hàng hoặc giản lược hóa nó đi. Nghĩa là tập trung vào những cải tiến lặt vặt - những thay đổi “cải lương”. Còn gì dễ dàng cho bằng người thầy chỉ cần ra lệnh còn học trò ngoan ngoãn tuân theo!


Kiệt tác Emile hay là về giáo dục của Jean Jacques Rousseau và Dân chủ và giáo dục của John Dewey là tinh hoa của nhân loại. Cuộc sống chỉ có một điều duy nhất vĩnh viễn không thay đổi: đó chính là sự thay đổi. Mỗi thời đại đòi hỏi phải có một cách làm mới. Hôm nay chúng ta cùng nhau vui mừng được thấy hạt mầm tư tưởng của hai nhà giáo dục vĩ đại thông qua hoạt động của Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh được gieo trên mảnh đất giáo dục Việt Nam.


Ai là người có trách nhiệm giang tay đón những những hạt mầm đó để ươm trồng, để một ngày kia chúng đơm hoa kết trái?”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Diễn từ văn hóa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO