Vẫn có những “siêu nhân” giữa đời thường

Ngân Hà| 14/03/2021 08:45

Cuối tháng 2 và đầu tháng 3, giữa bộn bề lo toan công việc, lo toan đối phó với dịch Covid-19, vậy nhưng đâu đó vẫn có bao chuyện làm lay động tâm hồn con người. Một em bé như được tái sinh khi được người đàn ông xa lạ cứu sống, hình ảnh một phụ nữ chạy xe ôm công nghệ mà phía trước ngực phải địu con nhỏ...

Đầu tháng 3, cả nước xôn xao trước việc anh Nguyễn Ngọc Mạnh cứu em bé ba tuổi rơi từ ban công tầng 12 một chung cư ở Hà Nội. Nhiều người cho rằng anh Mạnh là “siêu nhân”, là “người hùng”. Nhưng anh chỉ là một người bình thường làm được chuyện phi thường. Chỉ có tính thiện mới giúp anh Mạnh - một tài xế xe tải thoăn thoắt trèo lên mái tôn và lao đến đỡ em bé đang rơi xuống từ tầng 12 của khu nhà cao ngất. Trong hoàn cảnh “ngàn cân treo sợ tóc”, anh còn biết quỳ hai chân để đỡ em bé lúc ấy trọng lượng đã tăng lên nhiều lần do rơi từ độ cao 30 mét, nếu không cả hai chú cháu sẽ bị văng ra khỏi mái tôn. 

Một “siêu nhân” khác là anh Trần Văn Tròn - người đã lao ra biển Điện Bàn, Quảng Nam cứu sống ba học sinh  đang chới với trong xoáy nước mạnh, bất chấp hiểm nguy.

Anh Nguyễn Ngọc Mạnh, anh Trần Văn Tròn đều là dân lao động, thấy người gặp nạn thì cứu, như một lẽ thường của đạo lý làm người. Lòng tốt luôn hiển hiện. Ai cũng nghĩ thế. Nhưng ít ai biết rằng, chính lý trí cho suy xét điều mình phải làm, dù là chỉ trong khoảnh khắc. Nếu không, anh Mạnh và em bé sẽ dễ mất mạng cả hai và anh Tròn với ba đứa trẻ liệu có sống cả bốn!

Lòng tốt, sự lương thiện là đôi cánh thiên thần. Nhưng lý trí, sức khỏe và tinh thần thép mới cất được đôi cánh nhiệm màu ấy.

Vì vậy, bài học từ những “siêu nhân” như anh Mạnh, anh Tròn chính là sự rèn luyện để có cơ thể khỏe mạnh, lý trí vững vàng, trái tim nhân hậu.

sieu-nhan-3075-1615437637.jpg

Nhiều người vẫn đang tìm một phụ nữ chạy xe Grab được chia sẻ trên mạng xã hội. Chị ngồi trên yên chiếc xe máy, chân phải kiễng mới chống xuống đất được để giữ thăng bằng, bàn tay phải giữ tay lái, bàn tay trái kiểm tra tin nhắn cho cuốc xe tiếp theo, hai khuỷu tay ôm đứa trẻ địu trước bụng, đang ngủ say.

Hình ảnh đó khiến cho ta động lòng trắc ẩn. Đó phải chăng là hình ảnh biểu trưng của người phụ nữ Việt Nam vừa phải chăm con vừa phải kiếm sống? Ở thế kỷ XXI, bao phụ nữ vẫn còn vất vả, thầm lặng những giọt nước mắt để đương đầu với khó khăn trong cuộc sống, nhưng chưa có ai phong họ là “siêu nhân” cả, dù họ đã sinh ra biết bao “siêu nhân”.

Biết bao phụ nữ đang đầu tắt mặt tối, làm việc ở lĩnh vực nào cũng vất vả. Một chủ doanh nghiệp bù đầu với công việc và những con số, nhưng về nhà vẫn lo bữa cơm cho chồng con. Một nhân viên văn phòng cả ngày không ngưng nghỉ nhưng tối về vẫn phải lo “ngày mai cả nhà ăn gì” với số tiền chi tiêu ít ỏi hằng ngày, rồi còn phải dọn dẹp cửa, dạy con học. Một chị công nhân ngoài 8 tiếng đồng hồ còn tăng ca 4 tiếng, 6 tiếng nữa mong đủ tiền trong tháng cho con ăn học, khuya khoắt về ngang qua chợ với mớ rau con cá cho ngày mai... Những phụ nữ ấy, ngày 8/3 may ra mới được xã hội nhắc đến. Ngẫm lại, nếu mọi ngày ai cũng nghĩ tới họ, chia sẻ với họ trong từng công việc nhà, trong lo toan kiếm sống, nuôi con thì họ sẽ hạnh phúc biết bao!

Tháng 3, “siêu nhân” của chúng ta là những người đàn ông “bay” và những người phụ nữ “chạy” như vừa kể, thật là đáng kính nể, đáng nhân rộng!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Vẫn có những “siêu nhân” giữa đời thường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO