Nuôi con chữ từ chân sóng

GIA LY| 25/10/2013 06:04

Cứ như một vòng quay bất tận của cuộc sống, bao đứa trẻ ở những làng biển Đức Phổ, Quảng Ngãi này lặn lội trong cuộc mưu sinh vừa để phụ giúp cha mẹ, vừa để sắm một bộ đồ, một đôi dép, một cuốn vở mới. Với chúng, nghỉ hè không phải để chơi, những buổi không đến trường không phải để học bài hay tụ tập tắm biển...

Nuôi con chữ từ chân sóng

Cứ như một vòng quay bất tận của cuộc sống, bao đứa trẻ ở những làng biển Đức Phổ, Quảng Ngãi này lặn lội trong cuộc mưu sinh vừa để phụ giúp cha mẹ, vừa để sắm một bộ đồ, một đôi dép, một cuốn vở mới. Với chúng, nghỉ hè không phải để chơi, những buổi không đến trường không phải để học bài hay tụ tập tắm biển...

Đọc E-paper

Cậu bé Duy với nhiều công việc nặng nhọc để phụ mẹ nuôi em

1. Tôi đã đi nhiều làng biển vào nhiều mùa trong năm, ở đâu cũng thấy nỗi gian truân của con người nơi đầu sóng, nhất là những đứa trẻ trong cuộc mưu sinh quá vất vả.

Một buổi chiều bên làng biển Châu Me (Đức Phổ, Quảng Ngãi), tôi lặng nhìn các em vật lộn trong những con sóng để kéo rong biển, ngụp lặn dưới những con sóng đang ào ạt xô ghềnh đá để bắt con cua, cạy con hàu. Nghỉ hè hay ngoài giờ đến trường, các em đều phải lao động cực nhọc để theo đuổi giấc mơ con chữ...

Đã hơn một tháng nay, ngày nào Phạm Văn Tấn (lớp 7 Trường THCS Châu Me) cũng ra biển. Tuấn kể, thường ngày cha mẹ em bốc vác hải sản thuê cho các chủ ghe ở bến cá này. Ghe lớn thì thuê năm, bảy người, ghe nhỏ thì vài ba người.

Ghe nào nhiều cá, mực, ruốc thì có khi phải bốc vài tiếng đồng hồ mới xong. Mỗi ghe, chủ khoán thẳng cho thợ bốc xếp một số tiền nhất định rồi tự chia nhau.

Vì thế, Tấn thường ra đây làm cùng cha mẹ để được tính một nửa công. Nếu một ngày chăm chỉ, Tấn có thể kiếm được 50 ngàn đồng phụ giúp cha mẹ nuôi các em.

Ở làng biển này có rất nhiều bạn bè của Tấn kiếm sống như em. Đợi lúc Phan Văn Duy nghỉ tay, tôi hỏi chuyện em bên mạn chiếc ghe sơn màu xanh đỏ.

Những đứa trẻ làng biển mưu sinh nơi ghềnh đá

Duy cho biết, cha mất trong một lần đi biển cách đây hai năm, bỏ lại ba mẹ con em trong thiếu thốn với bộn bề lo toan, nên hằng ngày, mẹ em ra bến cá sơ chế cá cho các chủ ghe để kiếm tiền nuôi hai anh em ăn học.

Thấy mẹ vất vả, ngoài giờ học, Duy ra đây phụ giúp mẹ. Duy nhỏ con nên không chủ ghe, chủ vựa cá nào nhận làm công nhân, nên em quanh quẩn nhặt cá rơi vãi làm thức ăn, hay đôi lúc khiêng cá từ dưới ghe lên bến cho người lớn, kiếm chút tiền.

Với những bé trai như Tấn hay Duy thì có thể bốc vác và làm những việc tương đối nặng nhọc, còn với những bé gái như Trần Thị Dung (học lớp 9) thì chỉ theo mẹ vá lưới hay nhận sơ chế cá. Ngồi chuyện trò với Dung, Dung bảo cầm bút quen rồi nên vá lưới lóng ngóng lắm, nhiều lần ghim đan đâm vào tay, chảy máu đầm đìa vẫn phải giấu mẹ để làm việc vì sợ mẹ buồn.

Cha Dung bị tai nạn trong một chuyến đi biển cách đây mấy năm, chỉ còn quanh quẩn ở nhà chứ không làm được bất cứ việc gì giúp gia đình. Nhà thiếu thốn quá, Dung phải ra biển phụ kiếm tiền.

Hỏi chuyện các bạn bè cùng lớp, Dung cười buồn bã, buông mảnh lưới đang vá dở, bảo, hồi chuẩn bị nghỉ hè, mấy đứa bạn tính sẽ cùng nhau bắt xe buýt lên thành phố Quảng Ngãi chơi một chuyến cho biết, nhưng về nhà, thấy nhà mình nghèo quá, phải ở nhà giúp mẹ.

"Em thích lên thành phố lắm mà chưa có dịp. Nghe mấy chị bảo ở trên đó rất vui, chỉ lên xe buýt từ Sa Huỳnh đi chút xíu nữa là tới. Vậy mà em chưa biết thành phố là gì...". Dung bỏ lửng câu nói. Tôi hiểu sự ngập ngừng của cô bé khôn trước tuổi này.

2. Biển khơi như thấu hiểu nỗi khó khăn của dân làng chài nên thường đưa vào bờ những mảng rong biển, ghềnh đá như thông cảm với sự thiếu thốn của các em nên cho ốc nhím, cua đá...

Vào mùa rong biển, những đứa trẻ ở Châu Me có thể kiếm được mỗi ngày mươi kilogam, giá mỗi cân rong biển tươi khoảng 4 - 5 nghìn đồng. Số tiền ấy là rất quý đối với các em để mua dụng cụ học tập và đóng học phí.

Khốn khó là thế, nhưng những đứa trẻ làng biển này vẫn có biết bao ước mơ về ngày mai. Vừa nhìn ra vịnh Châu Me với xa xa là biển Sa Huỳnh miên man sóng vỗ, Võ Văn Thành (15 tuổi) vừa kể: "Em chỉ mong mỗi ngày kiếm vài chục ngàn đồng phụ giúp mẹ nuôi em và có tiền mua sách vở. Lên cấp 2 học tốn tiền lắm mà mẹ em làm từ sáng tới tối cũng chỉ đủ mua gạo nuôi hai anh em mà thôi.

Em chỉ sợ không lo nổi tiền học, phải bỏ học giữa chừng. Em mơ mình sẽ làm kỹ sư xây dựng. Việc đầu tiên là em xây một bờ kè thật chắc ngay quê em để thuyền bè ra vào tránh bão, để không có con tàu nào phải nằm lại ngoài biển". Vì thế, ở cảng này, ai bảo làm gì Thành cũng làm.

Nhiều lúc, không có ghe cập cảng mà chỉ có ghe ra khơi, Thành lại vận chuyển thuê nước đá, nước ngọt lên thuyền cho các chủ tàu. Công việc có vất vả nhưng nhiều chủ tàu thương, có khi cho em cả trăm ngàn một buổi, bởi với họ, được một cậu bé vui tính, chăm chỉ như Thành tiễn ra khơi có khi lại thuận lợi, tháng sau cập bến cá tôm nặng khoang thuyền cũng nên.

Em Trần Thị Dung sơ chế cá kiếm tiền giúp gia đình

Tôi nhìn cậu bé nhỏ nhắn có đôi mắt sáng trên khuôn mặt sạm nắng gió với ước mơ trở thành kỹ sư xây dựng mà lòng man mác buồn.

Chiều trên biển, hoàng hôn xuống muộn. Đám trẻ vừa bán được một mớ rong biển đang túm tụm bên nhau. Tôi biết trong những bàn tay nhỏ nhắn ấy là mấy đồng tiền lẻ bèo bọt như chính tuổi thơ nghèo khó của các em.

Còn các em thì rất vui, cứ tíu ta tíu tít khoe nhau: "Tao được 5 ngàn!". "Tao nhiều hơn mày, tới 8 ngàn lận!". Một đứa xòe tay, nói: "Đây nè, 10 ngàn chẵn đó nghen!". Chúng cười nói át cả tiếng sóng rồi chạy xuống biển, tiếp tục một đợt lặn tìm rong.

Những đứa trẻ mà tôi gặp trên ghềnh đá Châu Me này đang cố gắng làm lụng mỗi khi có thể để phụ giúp gia đình, để có tiền ăn học. Ở tuổi 13 - 14 như các em, bao đứa trẻ chưa phải bận tâm chuyện cơm áo, nhưng những đứa trẻ nghèo này đã nhận thức được trách nhiệm của mình.

Chúng làm lụng không chỉ phụ giúp gia đình mà còn góp công sức của mình để lo cho các em và nuôi ước mơ đến trường. Mỗi lần có quyển vở mới, mỗi lần đóng học phí, những đứa trẻ làng biển rất hân hoan. Liệu các quan chức giàu sang nhờ tham nhũng có biết các em đã nhọc nhằn như thế nào để có được những thứ nhỏ nhoi ấy?

Tôi miên man bên ghềnh đá, nghe sóng thao thiết như tiếng thở dài bao đời nay ở các làng biển, cứ ngỡ như những con sóng quấn lấy số phận những ngư dân nhỏ bé ấy từ đời này qua đời khác. Các em giống như những cây xương rồng miền gió cát, còi cọc vậy nhưng lại âm thầm lớn lên, âm thầm nuôi chí học hành để đổi đời...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nuôi con chữ từ chân sóng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO