Ly hôn

RENATE HAEUSLER - LÊ TÂM dịch/DNSGCT| 22/08/2014 07:20

Một trong những người bạn Việt Nam của tôi mới ly dị chồng. Khi bàn về điều này, tôi nhận thấy quan điểm của mỗi người đối với ly hôn khác nhau.

Ly hôn

Một trong những người bạn Việt Nam của tôi mới ly dị chồng. Khi bàn về điều này, tôi nhận thấy quan điểm của mỗi người đối với ly hôn khác nhau.

Đọc E-paper

Renate Haeusler

Dường như việc duy trì một cuộc hôn nhân lâu dài ngày càng khó khăn hơn trong một thế giới thay đổi nhanh chóng như hiện nay. Điều đáng ngạc nhiên là có một số thứ ở Việt Nam tiến bộ rất nhanh, ví dụ như công nghệ, thế nhưng có những điều lại thay đổi rất chậm chạp, cụ thể là thái độ đối với hôn nhân và ly hôn.

Ngày càng nhiều phụ nữ có trình độ học vấn cao. Điều này khiến phụ nữ trở nên có quyền lực hơn trong chính trị và trong kinh tế. Tuy nhiên, vị trí của họ trong gia đình vẫn chưa thay đổi mấy.

Người bạn của tôi cho biết, nếu ly hôn, họ vẫn bị mọi người xung quanh nhìn với con mắt ác cảm. Một phụ nữ ly dị chồng xem như thất bại, cho dù cô ấy có giỏi giang và kiếm được nhiều tiền mấy đi chăng nữa.

Tôi lại nghĩ khác. Một gia đình ly hôn vì người chồng rượu chè, cờ bạc, bạo hành vợ con mà sau khi ly hôn mọi người lại xem thường người vợ thì quả là không hợp lý chút nào.

Tôi chưa từng nghe ai mô tả một người đàn ông bằng cách gắn các đặc điểm của anh ta với từ ly dị, nhưng họ luôn nhấn mạnh điều đó nếu nói về một người phụ nữ đã bỏ chồng. Điều này cho thấy sự phân biệt đối xử giữa nam và nữ. Một phụ nữ ly dị bị xem là thất bại trong hôn nhân và có lỗi vì điều này. Nhưng tại sao việc gìn giữ mái ấm gia đình lại chỉ thuộc về người phụ nữ?

Người đàn ông ly dị sẽ dễ dàng tìm được người vợ mới chỉ một thời gian sau đó, nhưng người phụ nữ đã bỏ chồng thường bị mọi người xung quanh e dè. Điều này cho thấy xã hội không nghĩ rằng người đàn ông ly hôn là do họ có lỗi, nhưng lại cho rằng phụ nữ ly hôn thì hẳn đã gây ra rất nhiều tội.

Đàn ông ly dị dễ được xã hội chấp nhận hơn. Họ không bị xoi mói vào cuộc hôn nhân trước, chỉ trừ khi anh ta từ chối trách nhiệm với con cái. Phụ nữ ly hôn gặp nhiều khó khăn hơn. Họ thường nhận trách nhiệm nuôi con và rất vất vả với việc nuôi con một mình, thế nhưng họ vẫn bị những người xung quanh chỉ trích.

Đồng thời, vì nuôi con nên họ không còn thời gian và tâm trí cho những mối quan hệ tình cảm mới. Những người đàn ông khác cũng e ngại việc kết hôn với một người phụ nữ đã ly dị và phải nuôi con cô ấy. Phụ nữ ly dị chồng thường có tuổi nên lại càng khó đi bước nữa. Khi con cái đủ lớn để độc lập, người mẹ cũng già đi và chẳng còn hứng thú với hôn nhân.

Tuy nhiên, mọi việc có thể khả quan hơn nếu người phụ nữ vững vàng về mặt kinh tế. Họ có thể thuê người trông con trong khi đi làm và dành thời gian cho riêng mình. Khi khả năng tài chính cải thiện, vị trí xã hội của họ cũng tốt hơn. Họ sẽ được nhìn nhận ngang bằng với người đàn ông chứ không phải là một người phụ thuộc nữa.

Thế giới đang thay đổi. Đàn ông và phụ nữ ngày càng bình đẳng hơn trong chính trị và kinh tế. Tôi hy vọng rằng các mối quan hệ xã hội cũng bình đẳng hơn. Một lúc nào đó đàn ông sẽ nhận ra rằng họ không còn ở thế thượng phong sau khi ly dị nữa.

>5 cách duy trì phong độ làm việc sau ly hôn
>Bi kịch không đến từ ly hôn

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ly hôn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO