Công nghiệp văn hóa: Lợi thế của các nước đang phát triển

THỤY KHA| 06/03/2007 06:25

Toàn cầu hóa tạo ra cơ hội lớn cho các nước đang phát triển phát huy bản sắc văn hóa trên lĩnh vực thương mại và kinh tế.

Công nghiệp văn hóa: Lợi thế của các nước đang phát triển

Theo báo cáo của Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO), thị trường các sản phẩm văn hóa-sáng tạo trị giá khoảng 1,3 tỷ USD. Tốc độ tăng trưởng của thị trường này đang ghi những dấu ấn kỷ lục: từ năm 1994 đến 2002, thương mại trong lĩnh vực văn hóa tăng từ 38 tỷ USD lên 60 tỷ USD, ước chiếm 7% GDP toàn cầu với dự báo tốc độ tăng trưởng 10% mỗi năm.

Tại hầu hết các nền kinh tế phát triển, văn hóa-sáng tạo trở thành một ngành công nghiệp lớn, chiếm từ 2 - 5% GDP. Ba nước Mỹ, Anh và TQ chiếm 40% thị trường các sản phẩm văn hóa thế giới, trong khi châu Mỹ La-tinh và châu Phi cộng lại chỉ chưa đầy 4% các sản phẩm văn hóa như sách vở, phim ảnh, âm nhạc, CD, game...

Tại châu Âu, ngày càng có nhiều người làm việc trong các lĩnh vực như truyền hình, thời trang, điện ảnh, thiết kế... Hiện ngành công nghiệp văn hóa - sáng tạo thu hút sự tham gia của khoảng 5,8 triệu lao động, doanh thu gấp đôi các nhà sản xuất ôtô và đóng góp vào nền kinh tế nhiều hơn các ngành hóa học, bất động sản hay dịch vụ ăn uống...

Những năm 2002 - 2004, trong khi số việc làm mới ở các ngành khác gần như biến mất trong Liên minh Châu Âu thì lĩnh vực văn hóa - sáng tạo lại có tốc độ tăng 1,85%

Tổng giám đốc UNESCO Koichiro Matsuura cho biết, các nền kinh tế đang phát triển hiện có nhiều lợi thế trong ngành công nghiệp văn hóa-sáng tạo, cùng với sự phát triển của ngành kinh tế số và tăng trưởng thương mại hóa các lĩnh vực nghệ thuật. Theo đánh giá của UNESCO, ngành công nghiệp này có thể tạo các yếu tố phát triển bền vững hơn cả các ngành công nghiệp xuất khẩu truyền thống khi có thể tạo ra những giá trị thặng dư cao.

Thêm vào đó, sự phát triển trong công nghệ số đã tạo nên cuộc cách mạng trong sản xuất và phân phối các sản phẩm văn hóa, cũng như tạo ra đột biến cho ngành công nghiệp sáng tạo tại các nước đang phát triển. Ngành công nghiệp văn hóa - sáng tạo cần được đầu tư nhiều hơn khi có mối quan hệ chặt chẽ với phát triển du lịch.

Sức mạnh văn hóa là lợi thế của các nền kinh tế trong toàn cầu hóa

Liên quan đến hiệu ứng “ấn tượng văn hóa”, Mỹ từng phát triển công nghiệp văn hóa - sáng tạo mở đường đưa sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ Mỹ tới toàn thế giới. Tuy nhiên, thực tế văn hóa Mỹ hiện không có được vị trí tại những nền kinh tế tăng trưởng mạnh và dân số đông như Ấn Độ hoặc Trung Quốc.

Mặt khác, lo ngại về sự bá chủ văn hóa Mỹ đến từ sau cuộc đại chiến thế giới thứ hai vẫn còn lan rộng trên toàn cầu. Sự phản đối rõ rệt của nhiều nước thể hiện qua việc bảo vệ các nền công nghiệp văn hóa trong nước, duy trì các luật lệ bên cạnh việc đầu tư để bảo vệ nền điện ảnh, âm nhạc và xuất bản trong nước.

Chẳng hạn, thị trường 96% băng đĩa nhạc tại Ấn Độ là âm nhạc địa phương. Cũng như vậy, trung bình các quốc gia Trung Mỹ sản xuất tới 70% nhạc phẩm cho thị trường nội địa...

Vì vậy, Tyler Cowen, giáo sư Trường Đại học George Mason University, nhận định cạnh tranh về ảnh hưởng văn hóa là khái niệm mà tất cả các quốc gia đều đang chú ý nếu không muốn tụt hậu trong toàn cầu hóa. s

THỤY KHA
Theo The Independent, IHT, UNESCO.org

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Công nghiệp văn hóa: Lợi thế của các nước đang phát triển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO