"Việt Nam sẽ trở thành thị trường lớn nhất của chúng tôi ngoài Ấn Độ"
Là người đã biến upGrad trở thành "kỳ lân" thứ 21 của Ấn Độ, CEO International của upGrad Myleeta Aga Williams tiết lộ, sẽ tăng gấp đôi số vốn đầu tư của upGad ngoài Ấn Độ trong thời gian tới (được biết con số đầu tư hiện tại vào mức 20 triệu USD). Trong đó, Việt Nam sẽ là thị trường chủ lực.
Doanh Nhân Sài Gòn đã có cuộc trò chuyện ngắn với CEO International của upGrad.
*Bà có thể chia sẻ về hành trình sự nghiệp của mình và điều gì đã thúc đẩy bà theo đuổi giáo dục?
-Tôi đã dành phần lớn sự nghiệp của mình ở Ấn Độ, tập trung vào lĩnh vực nội dung và sáng tạo nội dung. Tôi may mắn được tham gia vào các dự án tại nhiều quốc gia trên thế giới như Singapore, Indonesia, cũng như Mỹ và Anh. Trong hành trình sự nghiệp của mình, tôi nhận ra tầm quan trọng của việc liên tục nâng cao kỹ năng và kiến thức để có thể đóng góp tốt nhất cho các tổ chức mà mình tham gia.
Từng trải nghiệm làm việc tại BBC và Netflix - những công ty tập trung vào phát triển nhân viên, tôi nung nấu khát vọng phải tạo ra ý nghĩa trong lĩnh vực giáo dục và góp phần tích cực vào sự phát triển cá nhân của mọi người. Điều này chính là động lực chính khiến tôi hào hứng với cơ hội tham gia upGrad với một niềm tin mãnh liệt rằng, giáo dục chất lượng cao không nên chỉ dành cho số ít người may mắn. Nhìn thấy những cá nhân thông minh, tận tụy và đầy tham vọng nhưng bị giới hạn bởi vị trí địa lý, công việc và trách nhiệm gia đình, tôi quyết tâm mang đến cơ hội học tập cho tất cả mọi người, mang đến các dịch vụ giáo dục chuyên nghiệp từ đại học đến du học, cũng như cung cấp chứng chỉ và nhiều hơn nữa.
*Với kinh nghiệm từng làm việc tại các tập đoàn lớn như BBC và Netflix, bà nghĩ gì về nền tảng kiến thức của các bạn trẻ ngày nay?
-Khi làm việc tại BBC, tôi có cơ hội hợp tác với nhiều tài năng trẻ ở châu Á. Họ đều sở hữu năng lực và sự chăm chỉ đáng nể, nhưng tôi nhận ra rằng, họ còn thiếu nền tảng học thuật vững vàng. Điều này khiến họ gặp khó khăn trong việc áp dụng kiến thức vào thực tiễn và phát triển sự nghiệp. Từ đó, tôi đúc kết, việc kết hợp kiến thức học thuật vào thực tiễn là chìa khóa để giúp họ vượt qua những trở ngại này. Bằng cách tương tác trực tiếp và áp dụng kiến thức học thuật vào thực tiễn, tôi tin rằng chất lượng giáo dục sẽ được cải thiện đáng kể. Điều này được minh chứng qua chính bản thân tôi đã tự học và đạt được bằng MBA trong khi vẫn làm việc.
*Theo bà, việc áp dụng các mô hình giáo dục thành công từ các thị trường khác như Ấn Độ vào Việt Nam có phù hợp?
-Tôi tin rằng, giáo dục chất lượng tốt là một điều phổ quát, không chỉ riêng cho một quốc gia. Tương tự như việc kể một câu chuyện hay, con người có những trải nghiệm và cảm xúc đa dạng, và điều này áp dụng cho mọi nền văn hóa. Để thích nghi với thị trường giáo dục tại Việt Nam, chúng tôi phát triển các chương trình dựa trên nguyên tắc cơ bản của giáo dục và xây dựng sự hỗ trợ xung quanh nó sao cho phù hợp với nhu cầu và bối cảnh địa phương. Điều này giống như việc có một bài giảng từ một giáo sư, sau đó chúng tôi tùy chỉnh và phát triển nội dung để phù hợp với sinh viên ở Việt Nam, trong khi vẫn giữ nguyên các nguyên tắc cốt lõi của giáo dục.
* Thị trường giáo dục ở Việt Nam có nhiều cơ hội nhưng cũng có thách thức, bà có nghĩ vậy không?
- Thị trường giáo dục ở Việt Nam mang lại nhiều cơ hội đặc biệt. Đầu tiên, đó là một đất nước nơi mọi người đều có tinh thần kinh doanh và tự khởi nghiệp, với mong muốn cải thiện cuộc sống của họ. Thứ hai, có sự kết hợp tốt giữa doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhỏ. Điều này tạo ra cơ hội cho mọi người nâng cao kỹ năng và cuộc sống của họ. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất mà chúng tôi gặp phải là ngôn ngữ. Việc giao tiếp bằng tiếng Anh có thể là một thách thức đối với một số sinh viên, vì vậy chúng tôi đang nỗ lực giải quyết vấn đề này bằng cách cung cấp hỗ trợ học tập bằng ngôn ngữ địa phương và tạo ra giáo trình phù hợp.
*Kỳ vọng của bà đối với tương lai của upGrad tại Việt Nam?
Tôi tin rằng Việt Nam sẽ trở thành thị trường lớn nhất của chúng tôi ngoài Ấn Độ trong vòng một năm tới và chúng tôi có tiềm năng lớn để giúp thay đổi cuộc sống và sự nghiệp của mọi người ở đây.
UpGrad là nền tảng giáo dục trực tuyến được thành lập vào năm 2015, dành cho độ tuổi từ 18 đến 50 tuổi. Công ty đã trở thành kỳ lân thứ 21 của Ấn Độ vào tháng 8/2021 với khoản tài trợ 185 triệu USD và mức định giá 1,2 tỷ USD. Khi ấy, nền tảng đã có hơn 1 triệu người dùng và phủ sóng hơn 40 quốc gia.