Thận trọng khi tăng thuế xăng dầu

LÊ ĐÌNH QUÝ| 10/03/2018 03:35

Bộ Tài chính vừa lấy ý kiến Dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tăng thuế bảo vệ môi trường.

Thận trọng khi tăng thuế xăng dầu

Ảnh: Quý Hòa

Trong đó có việc tăng mạnh thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu. Mức thuế mới này dự kiến sẽ áp dụng từ ngày 1/7 tới.

Mức tăng thuế bảo vệ môi trường theo đề nghị của Bộ Tài chính đối với xăng từ 3.000 đồng/lít lên mức kịch khung cho phép là 4.000 đồng/lít. Dầu diesel tăng từ 1.500 đồng/lít lên kịch trần 2.000 đồng/lít. Về nguyên nhân tăng, bộ này lý giải vì mức thu thuế nhập khẩu xăng dầu từ các nước đang giảm mạnh.

Đặc biệt năm 2017, số thu nhập từ thuế nhập khẩu xăng dầu từ ASEAN giảm 97% so với năm 2016. Mặt khác, không tăng thuế sẽ khó đảm bảo cân đối ngân sách khi thuế nhập khẩu xăng giảm từ 20% xuống còn 8% từ năm 2021, đến năm 2023 còn 5% và năm 2024 còn 0% khi nhập từ các nước ASEAN.

Theo Bộ Tài chính, việc tăng thuế tính trên cơ sở giá bán lẻ xăng dầu ở Việt Nam đang thấp hơn so với các nước có chung đường biên giới nói riêng và các nước trong khu vực ASEAN và châu Á nói chung. Đồng thời, bộ này cũng cho rằng xăng dầu chứa nhiều chất gây ô nhiễm môi trường như chì, lưu huỳnh, benzen, hydrocacbon thơm nên cần phải tăng thuế.

Link bài viết

Tính cả giai đoạn 2012 - 2016, tổng thu thuế bảo vệ môi trường đã liên tục tăng và đạt gần 106.000 tỷ đồng. Bộ Tài chính tính toán, với phương án đề xuất điều chỉnh nêu trên, tổng số thu thuế bảo vệ môi trường dự kiến đạt khoảng 57.312 tỷ đồng/năm, tăng hơn 15.684 tỷ đồng/năm. Cùng với số thu thuế bảo vệ môi trường tăng lên, số thu thuế giá trị gia tăng đối với loại hàng hóa này cũng sẽ tăng hơn 1.568 tỷ đồng. Khi đó, tổng số thu ngân sách nhà nước dự kiến tăng lên hơn 17.252 tỷ đồng/năm. Các khoản thu tăng này sẽ bù đắp những thiếu hụt về nguồn thu ngân sách.

Việc tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu sẽ tăng thu ngân sách nhưng phải thận trọng, bởi đây là mặt hàng thiết yếu. Tăng giá xăng sẽ tác động đến mọi mặt của nền kinh tế từ sản xuất, tiêu dùng, mà quan trọng nhất là đến cuộc sống của người dân. Lạm phát cũng là yếu tố cần cân nhắc khi điều chỉnh thuế xăng dầu trong khi lạm phát cơ bản tháng 1/2018 tăng 0,18% so với tháng trước và tăng 1,18% so với cùng kỳ năm trước.

Việc lấy lý do bù hụt thu ngân sách để nâng khung thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu là chưa hoàn toàn hợp lý, trong khi các khoản đầu tư công của Nhà nước quản lý kém chặt chẽ, cơ sở hạ tầng kém hiệu quả khiến thu ngân sách bị thất thoát, lãng phí rất lớn. Bộ Tài chính phải cải cách việc thu ngân sách, quản lý chi, không thể mãi tăng thuế để bù cho các khoản thu thiếu hụt.

Xét trên khía cạnh kinh doanh, việc tăng thuế đối với xăng dầu nhằm bù vào khoản hụt thu từ các hiệp định thương mại sẽ tác động tiêu cực đến nền kinh tế. Việc cắt giảm thuế quan từ các hiệp định thương mại có thể mang lại lợi thế cho doanh nghiệp Việt Nam nhưng cũng mang lại lợi thế tương tự cho doanh nghiệp ở quốc gia khác. Nếu tăng thuế đối với xăng dầu để bù lại thì vô hình trung chính sách này khiến doanh nghiệp Việt Nam mất lợi thế cạnh tranh trước các đối thủ nước ngoài.

Với tác động tiêu cực như trên, có thể nhận thấy việc tăng thuế xăng dầu cần được đánh giá một cách kỹ lưỡng và khách quan. Do đây mới chỉ nâng khung thuế, chứ chưa trực tiếp tăng mức thuế, nên cần có đánh giá dựa trên 3 giả thuyết về mức thuế suất: mức sàn, mức trần và mức trung bình. Theo đó, phải có khảo sát rộng khắp về 3 mức thuế này để đánh giá toàn diện tác động mỗi khi điều chỉnh giá.

Cần phải giảm chi và cả tăng thu để cân đối ngân sách nhưng không thể muốn tăng thuế thế nào cũng được. Chính phủ, mà cụ thể là Bộ Tài chính cần sớm tìm những nguồn thu khác. Còn đối với việc tăng giá xăng, Bộ Tài chính nên xem xét lại và hết sức thận trọng, tránh dẫn đến tăng giá, lạm phát gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân và sự phát triển của nền kinh tế. Phải làm cho người dân tin tưởng vào quản lý tốt nguồn ngân sách, đầu tư công thì việc tăng thuế mới  thuyết phục.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thận trọng khi tăng thuế xăng dầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO