Thanh toán không tiền mặt đang được khách hàng ưu tiên sử dụng |
Cấp thiết chuyển đổi số
Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), quy mô GDP Việt Nam năm 2023 có thể đạt khoảng 449,09 tỷ USD và chỉ riêng khối thương mại bán lẻ đã chiếm 150 tỷ USD, cho thấy sự đóng góp quan trọng của lĩnh vực này. Do vậy, việc chuyển đổi số trong lĩnh vực bán lẻ là cấp thiết, theo xu hướng chung của thị trường cũng như nâng cấp năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp.
Trên thực tế, sự bùng nổ của xu hướng mua sắm online trong những năm gần đây đã thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số của ngành bán lẻ. Bên cạnh đó, bán hàng đa kênh bao gồm các kênh online (website, Facebook, Zalo…) và các kênh trực tiếp tại cửa hàng, đại lý, siêu thị… đang tạo ra nhiều trải nghiệm mua sắm có ý nghĩa hơn, kích thích nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng.
Sự xuất hiện của công nghệ đã làm thay đổi lớn về thói quen và hành vi của khách hàng khi ưu tiên sử dụng thẻ tín dụng, hạn chế sử dụng tiền mặt. Các doanh nghiệp bán lẻ đang tăng cường sự hiện diện trên các nền tảng số khác nhau (các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội…) để đến gần hơn với người tiêu dùng. Theo các chuyên gia, công nghệ sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc giúp các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam chuyển đổi số để đáp ứng nhu cầu thay đổi của khách hàng.
Chia sẻ tại hội nghị chuyên đề “Ứng dụng chuyển đổi số trong lĩnh vực thương mại” ngày 29/6/2023, ông Nguyễn Anh Đức - Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam cho rằng, chuyển đổi số là một quá trình không thể thiếu đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp bán lẻ. Quá trình này không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển của doanh nghiệp mà còn có tác động to lớn đến cộng đồng xã hội.
Ông Christanto Suryadarma - Phó chủ tịch Kinh doanh khu vực Đông Nam Á của Zebra Technologies châu Á - Thái Bình Dương trong chia sẻ với báo chí hồi đầu năm nay cũng khẳng định, thị trường bán lẻ của Việt Nam sẽ tăng thêm 163,5 tỷ USD với tốc độ tăng trưởng gộp hằng năm là 11,4% trong giai đoạn từ năm 2022-2027.
Công nghệ đang được các nhà bán lẻ đẩy mạnh ứng dụng |
Nên như thế nào?
Cũng theo ông Nguyễn Anh Đức, các đơn vị bán lẻ thời gian sau dịch Covid-19 chuyển đổi số rất nhanh, tuy nhiên vẫn còn những khó khăn, thử thách. So với các doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài và thương mại FDI, doanh nghiệp trong nước đang gặp nhiều khó khăn hơn do thiếu vốn và công nghệ tiên tiến để áp dụng vào thực tế một cách hiệu quả. Quá trình chuyển đổi số phải linh hoạt để thích ứng với biến đổi thị trường và quan trọng hơn, mang lại hiệu quả thực tế mà không chỉ là phong trào.
Theo sổ tay Chuyển đổi số cho doanh nghiệp Việt Nam do Văn phòng Chuyển đổi số - Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phát hành, thì việc xác định mục tiêu chiến lược và tầm nhìn chuyển đổi số là khâu quan trọng doanh nghiệp cần sớm thực hiện ngay trong giai đoạn chuẩn bị. Đây là kim chỉ nam, định hình hành trình chuyển đổi số của doanh nghiệp.
Sau khi đã xác định được mục tiêu chiến lược và tầm nhìn, doanh nghiệp cần xây dựng lộ trình bài bản để hiện thực hóa các mục tiêu này. Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải xây dựng “văn hóa số” bằng việc truyền thông, đào tạo về chuyển đổi số xuyên suốt hành trình nhằm đảm bảo lãnh đạo và người lao động đều hiểu đúng về chuyển đổi số, sẵn sàng đón nhận những thay đổi một cách tích cực. Người lao động cần được khuyến khích phối hợp, cộng tác để giải quyết các vấn đề, được trang bị những kỹ năng cần thiết để tham gia vào quá trình triển khai các sáng kiến, đưa ra ý tưởng đổi mới, ý tưởng cải tiến cho công việc, nhiệm vụ đang đảm nhiệm.
Điều quan trọng không kém trong quá trình chuyển đổi số là phải xây dựng được nguồn nhân lực chất lượng cao. Những nhân lực này phải được đào tạo bài bản về công nghệ thông tin, có kiến thức về thị trường, kinh doanh bán lẻ… Đồng thời, doanh nghiệp cần xây dựng một mạng lưới “Digital Champion” - là những đại diện trong các bộ phận có ảnh hưởng và được tín nhiệm, đồng thời tích cực ủng hộ công tác chuyển đổi số tại doanh nghiệp. Đây sẽ là đội ngũ nòng cốt, đóng một vai trò không thể thiếu trong việc nâng cao nhận thức, gia tăng mức độ cam kết và áp dụng chuyển đổi của người lao động.
Tại hội nghị chuyên đề “Ứng dụng chuyển đổi số trong lĩnh vực thương mại”, ông Lý Minh Tuân - Trưởng Phòng Công nghệ thông tin, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM cho biết, mục tiêu của TP.HCM đến năm 2030 là trở thành một đô thị thông minh, tận dụng toàn diện công nghệ số để đổi mới cách thức hoạt động của các cơ quan chính phủ, doanh nghiệp và thúc đẩy sự phát triển và thịnh vượng của xã hội số. Điều này đặt ra một thách thức lớn cho các doanh nghiệp thích ứng và tham gia chuyển đổi số để không tụt lại thị trường.