Đây là cuộc họp thứ 4 của phiên điều trần giữa Cơ quan Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) cùng các cơ quan hữu quan khác như đại diện Bộ Nông nghiệp (USDA), Bộ Thương mại (DOC), Bộ Tài chính (Treasury) và đại diện các doanh nghiệp cũng như Hiệp hội doanh nghiệp của cả hai nước. Phiên điều trần kéo dài gần 5 giờ, do bà Kimberly Reynolds - Trợ lý Tổng cố vấn USTR điều phối, có sự tham gia của bà Mary Tarnowka - Giám đốc điều hành Hiệp hội thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham Việt Nam), ông David French, đại diện Liên đoàn bán lẻ quốc gia (National Retail Federation), bà Blake Harden, đại diện Hiệp hội các nhà lãnh đạo ngành bán lẻ (Retail Industry Leaders Association ), bà Beth Hughes, Hiệp hội giày dép và quần áo Hoa Kỳ (American Apparel & Footwear Association), ông Nate Herman, Hiệp hội hàng hóa du lịch Hoa Kỳ (Travel Goods Association). Và đại diện các Hiệp hội, doanh nghiệp xuất khẩu gỗ Việt Nam.
Bà Mary Tarnowka nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hai quốc gia đang nâng tầm quan hệ đối tác sau khi vừa kỷ niệm 25 năm quan hệ ngoại giao, kim ngạch thương mại song phương ngày một tăng, Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 12 của Hoa Kỳ và hiện đã trở thành nhà nhập khẩu đứng top 10 nhập hàng nông sản Hoa Kỳ.
Bà Kimberly Reynolds chất vấn bà Mary Tarnowka trong phiên điều trần. (Ảnh chụp màn hình). |
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, trong 11 tháng đầu năm 2020 Việt Nam nhập 8.25 tỉ USD hàng nông-lâm-thủy sản từ Mỹ. Trong khi USDA thống kê vào cuối 2019, Việt Nam là nhà nhập khẩu nông-thủy sản của Hoa Kỳ lớn thứ 8 trên thế giới với tổng trị giá 3,5 tỷ USD.
Ngoài ra, Việt Nam còn là nhà nhập khẩu gỗ nguyên liệu lớn từ Hoa Kỳ, bà Mary Tarnowka cho hay.
Vì vậy bà Mary Tarnowka khẳng định việc USTR xem xét để đi đến kết luận có nên đánh thuế nhập khẩu trả đũa (retaliatory tariff) hàng đồ gỗ nội thất từ Việt Nam không những làm tổn hại mối quan hệ đang ngày càng tốt đẹp này, mà có khả năng dẫn đến việc Việt Nam xem xét trả đũa bằng việc áp thuế lên hàng nông-lâm-thủy sản Hoa Kỳ.
Trả lời câu hỏi của bà Grace Kenneally, đại diện DOC về việc liệu có gỗ nhập lậu trong các lô hàng đồ gỗ xuất sang Hoa Kỳ từ Việt Nam hay không, bà Mary Tarnowka cho rằng rất khó có khả năng xảy ra vì đa phần gỗ lậu, theo bà biết, là loại gỗ đỏ (redwood), trong khi thị trường Hoa Kỳ lại không chuộng loại gỗ này.
Đại diện các Liên đoàn bán lẻ, Hiệp hội các ngành bán lẻ, Hiệp hội giày dép và quần áo Hoa Kỳ và Hiệp hội hàng hóa du lịch Hoa Kỳ - đại diện cho hàng triệu người lao động, người tiêu dùng, đều cho rằng người tiêu dùng Mỹ, vốn đang rất chật vật xoay xở trong đại dịch lại chính là những người thiệt thòi nhất vì họ mới thực sự trả tiền thuế nếu chính quyền Mỹ đánh thuế lên đồ gỗ nhập từ Việt Nam.
Ngoài ra, đại diện các Hiệp hội Hoa Kỳ cũng cho rằng việc yêu cầu các nhà nhập khẩu Mỹ tìm đối tác đủ tiềm lực cung ứng hàng hóa với giá cả và chất lượng tương xứng nhằm lấp đầy khoảng trống của đồ gỗ Việt Nam nếu bị đánh thuế là đều bất khả trong ngắn hạn. Nguyên nhân là vì chỉ còn mỗi Trung Quốc để chọn, và điều này lại đi ngược với chính sách chung của Hoa Kỳ là di dời chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc.
Trước đó, cơ quan Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) ngày 2/10/2020 đã khởi động một cuộc điều tra nhắm vào hàng đồ gỗ nội thất nhập từ Việt Nam, với cáo buộc sử dụng nguyên liệu khai thác hoặc buôn bán bất hợp pháp.
Thời gian qua, các Hiệp hội và doanh nghiệp gỗ Việt Nam đã có thư gửi USTR nhằm đưa ra các chứng cứ, khẳng định Việt Nam không sử dụng gỗ bất hợp pháp, và đã trực tiếp tham gia phiên điều trần nhằm giải trình các vấn đề trên một cách đầy đủ và công khai.
Theo dự kiến, USTR sẽ nhận tất cả các thông tin bổ sung hay phản hồi từ các bên đến hết ngày 6/1/2021. Sau vài tuần nghiên cứu hồ sơ, cơ quan này sẽ đưa ra công bố kết luận cuối cùng.