Hầu hết tập đoàn lớn nhất của Hoa Kỳ đã có mặt tại Việt Nam

Ngọc Thoại| 18/11/2020 05:30

Bộ Công Thương sáng 18/11 phối hợp với UBND TP.HCM, Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (Amcham Vietnam) và Hội đồng Kinh doanh ASEAN – Hoa Kỳ tổ chức Diễn đàn thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ 2020 với chủ đề "Thành quả 25 năm quan hệ kinh tế, thương mại và con đường phía trước".

Hầu hết tập đoàn lớn nhất của Hoa Kỳ đã có mặt tại Việt Nam

Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đánh giá trong những năm gần đây, quan hệ thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ không ngừng phát triển. Nhiều vấn đề tiếp cận thị trường đã được giải quyết kịp thời và hiệu quả, nhiều hợp đồng thương mại trị giá hàng chục tỷ USD đã được ký kết, hàng hóa do Việt Nam và Hoa Kỳ sản xuất hiện diện ngày càng nhiều trong đời sống thường ngày của người dân hai nước. 

Các nhà đầu tư Hoa Kỳ cũng đầu tư vào hơn 20 lĩnh vực kinh tế, đứng thứ 11 trong số các nhà đầu tư hàng đầu vào Việt Nam. Hầu hết các tập đoàn lớn nhất Hoa Kỳ đều đã có mặt tại Việt Nam như Exxon Mobil, Murphy Oil, Chevron, Boeing, Ford, Intel, Wal-Mart, Nike, Coca-Cola và P&G…

"Việt Nam đang đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, tăng cường đầu tư, quảng bá về cơ hội, tiềm năng để thu hút dòng vốn đầu tư từ Hoa Kỳ vào những lĩnh vực có hàm lượng giá trị gia tăng cao, từ đó tham gia vào chuỗi cung ứng ở trình độ cao hơn, tập trung vào các lĩnh vực như năng lượng, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, y tế, tài chính, hàng không, bán lẻ, giáo dục… Đây sẽ là nền tảng vững chắc để hai nước thúc đẩy trao đổi về những vấn đề chiến lược quan trọng trong tương lai", Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thắng Hải.

Ở góc độ vĩ mô, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng, tính chất bổ trợ của hai nền kinh tế Việt Nam - Hoa Kỳ là đặc điểm quan trọng, giúp Việt Nam định hình chính sách kinh tế, thương mại với Hoa Kỳ theo hướng hài hòa, bền vững, đảm bảo các nền tảng quan trọng và duy trì lợi ích quốc gia trong hợp tác song phương, từ đó đưa Hoa Kỳ trở thành đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. 

Tính chất bổ trợ của hai nền kinh tế cũng được thể hiện rõ trong việc Hoa Kỳ có nhu cầu nhập khẩu các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh của Việt Nam như dệt may, da giày, đồ gỗ, thủy sản, điện thoại, thiết bị điện tử… trong khi Việt Nam có nhu cầu nhập khẩu các loại máy móc, công nghệ nguồn, sản phẩm nông nghiệp, nguyên vật liệu…

Nếu tính chiều dài suốt 25 năm qua, kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước đã tăng 168 lần

Kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam - Hoa Kỳ trong 25 năm qua đã tăng 168 lần.

"Đây cũng là lý do kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Hoa Kỳ đã duy trì tăng trưởng ổn định với tốc độ ấn tượng trong suốt 25 năm, đạt kỷ lục 75,7 tỷ USD vào năm 2019", ông Thắng khẳng định.

Những diễn biến bất ổn của thương mại toàn cầu và nguy cơ đình trệ gây ra bởi đại dịch Covid-19 thời gian qua đã thúc đẩy các công ty lớn, với nhiều tập đoàn Hoa Kỳ quan tâm hơn đến việc đầu tư vào Việt Nam để phát triển mô hình chuỗi cung ứng mới.

Trong đó, có các hệ thống cung ứng dự phòng đặt tại nhiều địa điểm khác nhau để đảm bảo sự bền vững và tính liên tục. Nhiều nhà đầu tư Hoa Kỳ đánh giá Việt Nam sẽ trở thành địa điểm đầu tư lý tưởng, quan trọng và an toàn của chuỗi cung ứng toàn cầu.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam – Hoa Kỳ năm 2019 đạt gần 75,7 tỷ USD, tăng 25,6% so với năm 2018. Nếu tính chiều dài suốt 25 năm qua, kim ngạch thương mại giữa hai nước đã tăng 168 lần, từ 450 triệu USD vào năm 1995, khi 2 nước thiết lập quan hệ ngoại giao lên mức 1,5 tỷ USD năm 2001 khi hai nước ký hiệp định thương mại song phương và lên gần 75,7 tỷ USD vào năm ngoái.

Tại diễn đàn, đánh giá thêm về mối quan hệ thương mại 2 nước, ông Nguyễn Xuân Thành - thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ và giảng viên cao cấp của Đại học Fulbright Việt Nam nói: "Trong lịch sử 20 năm trở lại đây của quá trình thương mại quốc tế, không có gì tăng trưởng nhanh hơn quan hệ thương mại song phương Việt Nam - Mỹ".

Theo ông Thành, từ đầu năm đến nay, dù nền kinh tế toàn cầu đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, nhưng 9 tháng đầu năm 2020, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam – Hoa Kỳ vẫn tăng 17,7% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 65,1 tỷ USD.

Dẫn số liệu kim ngạch từ ngày đầu hai nước đặt quan hệ ngoại giao, bà Marie Damour - Tổng Lãnh sự Mỹ tại TP.HCM cũng khẳng định, kết quả thương mại ngày hôm nay là một thành quả phi thường.

"Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, và Việt Nam là một trong những thị trường phát triển nhanh nhất của Mỹ trên toàn thế giới. Năm 1994, Việt Nam là nhà xuất khẩu lớn thứ 95 của Mỹ và đến hôm nay, Việt Nam đã đã đứng thứ 7", bà phát biểu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hầu hết tập đoàn lớn nhất của Hoa Kỳ đã có mặt tại Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO