Nếu soi lại lịch sử thị trường thế giới, cũng có thể thấy tình trạng giá hàng nông sản nói chung giảm kéo dài trong nhiều năm, còn trước đó là nhiều năm liên tục ở trong tình trạng ngược lại. Gạo cũng không là ngoại lệ.
FAO và USDA “cãi nhau”
Cuối tuần qua, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) và Tổ chức Lương nông Liên hiệp quốc (FAO) cùng tung ra dự báo mới nhất về thị trường lúa gạo thế giới năm nay. Điểm nhấn quan trọng nhất mà hai cơ quan này có chung nhận định là thế giới năm nay tiếp tục được mùa lúa, tiêu dùng gạo tăng ấn tượng và thương mại gạo cũng khởi sắc.
Trước hết, theo các số liệu thống kê và dự báo của USDA, năm nay sẽ là năm thứ tư liên tiếp thế giới được mùa, sản lượng gạo đạt kỷ lục 475,6 triệu tấn, tăng 4,3 triệu tấn, còn tiêu dùng gạo thì tăng năm thứ chín liên tiếp và đạt kỷ lục 474,6 triệu tấn, tăng 6,8 triệu tấn. Đặc biệt, vẫn theo cơ quan này, nhu cầu nhập khẩu gạo năm nay sẽ tăng mạnh 2,6 triệu tấn, đạt kỷ lục 474,6 triệu tấn.
Tuy không khớp với nhau hoàn toàn, nhưng dự báo của FAO cũng khẳng định những xu thế nói trên.
Cuộc cạnh tranh để giành thị trường xuất khẩu gạo năm nay sẽ rất quyết liệt |
Thế nhưng, giữa USDA và FAO lại có sự khác biệt rất lớn trong nhận định về khả năng cạnh tranh chiếm lĩnh thị trường của ba quốc gia xuất khẩu gạo nhiều nhất thế giới trong năm nay.
Cụ thể, trong khi USDA cho rằng, tuy khối lượng gạo xuất khẩu năm nay của Ấn Độ sẽ giảm, nhưng vẫn đạt 10 triệu tấn (giảm gần nửa triệu tấn, tương đương 4,6%) và vẫn dẫn đầu thì ngược lại, Thái Lan sẽ tăng tốc xuất khẩu rất mạnh để đạt 9 triệu tấn (tăng 2,3 triệu tấn, bằng 33,9%), cho nên sẽ giành lại vị trí thứ hai. Trong khi đó, Việt Nam tụt dốc như Ấn Độ, chỉ đạt 6,5 triệu tấn (giảm 200.000 tấn, khoảng 3%), bị đẩy xuống vị trí thứ ba. Nghĩa là, thị trường xuất khẩu gạo của cả Việt Nam và Ấn Độ đều bị Thái Lan cạnh tranh gay gắt.
Thế nhưng, FAO lại đánh giá khác. Theo đó, trong khi khối lượng gạo xuất khẩu của Ấn Độ giảm mạnh từ 10,5 triệu tấn năm ngoái xuống chỉ còn 9,5 triệu tấn trong năm nay, thì của Việt Nam lại tăng khá mạnh từ 6,7 triệu tấn lên 7,2 triệu tấn, còn của Thái Lan sẽ chỉ tăng từ 6,7 triệu tấn lên 8,7 triệu tấn. Như vậy, bất chấp sức cạnh tranh của Thái Lan, Việt Nam vẫn mở rộng được thị trường, còn Ấn Độ phải nhường lại một phần thị trường vốn là của Thái Lan cách đây hai năm.
Tóm lại, cho dù là theo kịch bản nào đi chăng nữa, cuộc cạnh tranh để giành thị trường xuất khẩu gạo năm nay sẽ rất quyết liệt và gần như chắc chắn Việt Nam sẽ mất ngôi vị cường quốc xuất khẩu gạo số 2 thế giới vào tay Thái Lan, hoặc cũng có thể là Ấn Độ.
"Cuộc chiến" vẫn còn dài?
Một điều cũng rất quan trọng khác nữa là, liệu cuộc cạnh tranh gay gắt hiện nay có sớm kết thúc. Câu trả lời của các cơ quan này chắc chắn là không, trừ phi được “ông Trời” can thiệp.
Trước hết, cho dù năm nay Thái Lan sẽ đẩy mạnh xuất khẩu tới mức nào đi nữa thì những nỗ lực đó vẫn còn quá ít để làm vơi kho gạo dự trữ của nước này. Các số liệu thống kê và dự báo của USDA cho thấy, tồn kho gạo đến cuối năm 2013 là 12,8 triệu tấn, còn cuối năm nay dự báo sẽ tiếp tục lên 14,7 triệu tấn. Không những vậy, theo đánh giá của FAO, lượng gạo dự trữ của Thái Lan còn lớn hơn rất nhiều. Thực tế này cho thấy tuy đã và sẽ còn phải chấp nhận thua lỗ rất lớn, nhưng Thái Lan không thể đẩy gạo ồ ạt ra thị trường thế giới, mà sẽ phải tiến hành một cách từ từ, tức là quá trình này sẽ còn kéo dài trong nhiều năm nữa.
Có nhiều khả năng đây cũng là nguyên nhân chủ yếu khiến các định chế tài chính quốc tế cũng nhận định rằng, khó khăn đối với các quốc gia xuất khẩu gạo sẽ còn kéo dài. Trong một dự báo trung hạn, Quỹ Tiền tệ quốc tế cho rằng, giá gạo tuy đã từ mức đỉnh 580 đô la Mỹ/tấn giảm mạnh xuống 519 đô la Mỹ/tấn trong năm 2013, nhưng sẽ còn “rơi tự do” xuống 408 đô la Mỹ/tấn trong năm nay và sẽ chạm đáy chỉ với 356 đô la Mỹ/tấn trong năm 2015. Hơn thế, trong một dự báo dài hạn, Ngân hàng Thế giới còn cho rằng, giá gạo chưa thể chạm đáy vào năm 2015, mà xu thế giảm giá vẫn còn tiếp tục trong những năm tới, nhưng mức giảm sẽ thấp dần.