Tư duy điều hành

Vận dụng tư tưởng “lấy dân làm gốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong doanh nghiệp (Bài 3)

T. Hải 17/05/2025 17:00

Nhân kỷ niệm 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2025) là dịp để giới doanh nhân Việt Nam soi chiếu lại tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người trong phát triển kinh tế. Từ tinh thần trọng thương, triết lý “Lấy dân làm gốc” đến xây dựng văn hóa kinh doanh nhân văn..., Tạp chí Doanh nhân Sài Gòn trân trọng giới thiệu bạn đọc.

Tư tưởng “lấy dân làm gốc” là nguyên lý cốt lõi, xuyên suốt trong tư duy chính trị, đạo đức và phong cách lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó không chỉ là triết lý lãnh đạo của một người đứng đầu quốc gia, mà còn là kim chỉ nam có giá trị trường tồn, có thể vận dụng sâu sắc vào công cuộc quản trị doanh nghiệp hiện đại.

Trong bối cảnh phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập toàn cầu, tư tưởng ấy đang ngày càng trở nên thiết thực và cấp thiết, đặc biệt khi xây dựng một đội ngũ doanh nhân có bản lĩnh, văn hóa và trách nhiệm xã hội.

doanh-nhan-4.jpg
Chủ tịch Hồ Chí minh thăm xưởng cơ khí

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, “dân” không chỉ là người thụ hưởng thành quả phát triển, mà là chủ thể của mọi sự nghiệp cách mạng. “Việc gì có lợi cho dân thì phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân thì phải hết sức tránh”, câu nói ấy không đơn thuần là một nguyên tắc ứng xử, mà là triết lý phát triển bền vững.

Áp dụng vào bối cảnh doanh nghiệp, “dân” ở đây chính là người lao động, là khách hàng, là cộng đồng mà doanh nghiệp đang vận hành và phụng sự. Khi doanh nghiệp thực sự lấy con người làm trung tâm, lấy lợi ích cộng đồng làm định hướng, thì mọi hành động kinh doanh sẽ có đạo lý, mọi thành công sẽ có nền tảng.

Theo PGS.TS Hà Minh Hồng - Phó chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử TP.HCM, tư tưởng “lấy dân làm gốc” một nguyên lý xuyên suốt trong tư duy chính trị Hồ Chí Minh. Người nhiều lần thăm hỏi công nhân tại các nhà máy, xí nghiệp, ghi nhận thành quả lao động và khơi dậy tinh thần sáng tạo, tự lực, tự cường. Với Người, kinh tế muốn phát triển thì cả người chủ doanh nghiệp và người lao động đều phải được trân trọng, phải cùng nhau đóng góp và cùng nhau hưởng lợi từ thành quả phát triển.

b44.jpg
Ngày 21/12/1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm ngành điện

Trong giai đoạn kháng chiến và kiến quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần trực tiếp đến thăm các nhà máy, xí nghiệp, xưởng sản xuất để động viên công nhân, khuyến khích sáng kiến và khơi dậy tinh thần lao động sáng tạo. Đó không chỉ là những chuyến thăm mang tính biểu tượng, mà là cách Người thể hiện triết lý quản trị dân chủ, gần gũi, lắng nghe và đồng hành với người lao động.

Người từng khẳng định: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác ngoài con đường cách mạng vô sản”, nhưng sau Cách mạng Tháng Tám, Người lại nói: “Chính phủ là công bộc của dân”. Những chuyển hóa linh hoạt nhưng nhất quán đó cho thấy tư tưởng lấy dân làm gốc chính là nền tảng cho mọi chiến lược quản trị, từ quốc gia đến doanh nghiệp.

Trong thế giới doanh nghiệp hiện nay, khi các mô hình quản trị hiện đại đang chuyển dịch từ “quản lý theo mệnh lệnh” sang “lãnh đạo theo giá trị”, thì tư tưởng Hồ Chí Minh lại càng thể hiện tính thời đại. Một doanh nghiệp thành công không phải là nơi có hệ thống kiểm soát chặt chẽ nhất, mà là nơi tạo dựng được môi trường làm việc nhân văn, dân chủ, minh bạch và sáng tạo. Trong đó, người lao động được tôn trọng, được lắng nghe và được phát triển toàn diện. Đó cũng là biểu hiện sống động nhất của tư tưởng “Lấy dân làm gốc” trong doanh nghiệp.

Ông Lê Viết Hải - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, chia sẻ, một doanh nghiệp muốn phát triển bền vững thì phải đặt con người vào vị trí trung tâm. Theo ông, từ phong cách lãnh đạo đến cách xây dựng chiến lược đều cần phản ánh tinh thần phụng sự. Lãnh đạo không phải là người ra lệnh, mà là người truyền cảm hứng, đồng hành và tạo điều kiện cho đội ngũ phát triển. Tư tưởng này rất tương đồng với quan điểm Hồ Chí Minh: người lãnh đạo phải vừa là người “thầy”, vừa là “bạn”, vừa là “người phục vụ” cho nhân dân.

Một biểu hiện quan trọng khác của tư tưởng “lấy dân làm gốc” trong doanh nghiệp chính là đạo đức kinh doanh và trách nhiệm xã hội. Không thể có một doanh nghiệp tử tế nếu chỉ chăm chăm tối đa hóa lợi nhuận, bỏ mặc môi trường, coi thường quyền lợi người lao động hay trốn tránh nghĩa vụ thuế.

Theo bà Ngô Thị Thu Thủy - Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Fujiwa Việt Nam, doanh nhân ngày nay không thể sống ngoài cộng đồng. Văn hóa doanh nghiệp chân chính phải bắt đầu từ việc hiểu rõ trách nhiệm với xã hội, với con người, với môi trường sống chung. Mỗi quyết định đầu tư, mỗi chiến lược tăng trưởng đều cần đặt lên bàn cân đạo lý: điều này có tốt cho người lao động không? Có gây hại cho cộng đồng không? Có ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của đất nước không?

Ở cấp độ chính sách, việc Đảng và Nhà nước tiếp tục ban hành những nghị quyết quan trọng như Nghị quyết 41-NQ/TW về phát huy vai trò doanh nhân trong thời kỳ mới; Nghị quyết 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân đều là sự tiếp nối tinh thần “trọng dân, trọng doanh nhân” trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Trong các nghị quyết này, doanh nhân không chỉ được ghi nhận là lực lượng tạo ra của cải vật chất mà còn là “chiến sĩ trên mặt trận kinh tế”, có vai trò định hình bản sắc quốc gia trong bối cảnh hội nhập toàn cầu.

Tuy nhiên, bên cạnh những doanh nghiệp lấy con người làm trung tâm, vẫn còn không ít trường hợp vi phạm quyền lợi người lao động, gian lận trong kinh doanh, vi phạm đạo đức nghề nghiệp và môi trường. Đây là hồi chuông cảnh tỉnh cho toàn hệ thống về sự cần thiết phải đặt lại nền tảng đạo lý trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Một nền kinh tế phát triển không thể dựa trên sự bóc lột hay thỏa hiệp với phi đạo đức. Một cộng đồng doanh nhân không thể vững mạnh nếu thiếu nền tảng giá trị nhân văn.

TS. Lư Nguyễn Xuân Vũ - Chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nhân Sài Gòn, khẳng định, để thực sự vận dụng tư tưởng “lấy dân làm gốc” , doanh nghiệp cần xây dựng một hệ sinh thái phát triển toàn diện, trong đó người lao động không chỉ là công cụ sản xuất, mà là đối tác đồng hành. Điều đó thể hiện ở chính sách phúc lợi, ở môi trường làm việc, ở cách lắng nghe ý kiến và ghi nhận đóng góp.

“Không thể yêu nước một cách trừu tượng, mà phải thể hiện bằng hành động cụ thể: chăm lo cho người lao động, đóng góp cho cộng đồng, tuân thủ pháp luật và bảo vệ môi trường”, ông nói.

Dưới góc nhìn văn hóa, việc “Lấy dân làm gốc” cũng là cách để doanh nghiệp xây dựng thương hiệu bền vững. Một thương hiệu mạnh không chỉ nhờ sản phẩm tốt, mà còn nhờ văn hóa nhân bản. Khách hàng ngày nay không chỉ lựa chọn bằng giá cả, mà bằng cảm nhận đạo lý, họ ủng hộ những doanh nghiệp làm ăn tử tế, có trách nhiệm, có trái tim. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy: “Muốn người ta giúp mình, thì mình phải giúp người ta trước”. Doanh nghiệp muốn được xã hội tin yêu, thì phải biết cống hiến, biết sẻ chia, biết sống vì cộng đồng.

b45.jpg
Bác Hồ về thăm Khu Gang thép Thái Nguyên năm 1964

Trong thời đại của trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số và toàn cầu hóa, tốc độ có thể đem lại lợi thế cạnh tranh, nhưng chỉ có giá trị con người và lòng tin mới đem lại sự phát triển bền vững. Tư tưởng “lấy dân làm gốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vì vậy, không chỉ là nguyên lý chính trị, mà còn là định hướng quản trị mang tính thời đại. Mỗi doanh nghiệp, dù lớn hay nhỏ, đều cần soi rọi lại mình trong ánh sáng tư tưởng ấy, để phát triển không chỉ bằng công nghệ và vốn, mà bằng đạo lý, bằng lòng người và bằng khát vọng phụng sự.

Một doanh nghiệp thành công là doanh nghiệp biết “gạn đục khơi trong”, biết lấy lợi ích của người dân, người lao động, cộng đồng và đất nước làm nền tảng trong mọi chiến lược. Và một doanh nhân chân chính là người hiểu rằng: mọi thành công cá nhân chỉ có ý nghĩa khi gắn với sự phát triển của dân tộc. Đó cũng chính là cách tốt nhất để doanh nhân học tập, vận dụng và vinh danh tư tưởng “lấy dân làm gốc” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho mai sau.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Vận dụng tư tưởng “lấy dân làm gốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong doanh nghiệp (Bài 3)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO