Chân dung

Cuộc đời làm giàu nhờ chuyện giật gân của trùm truyền thông Rupert Murdoch

Khởi Vũ 23/09/2023 06:00

Nếu tóm tắt cuộc đời và con đường làm giàu của ông “trùm truyền thông” Rupert Murdoch thì công thức chung dường như là chuyện giật gân và bê bối.

Tỷ phú Rupert Murdoch - một trong những nhân vật sở hữu tầm ảnh hưởng và gây tranh cãi nhiều nhất ngành truyền thông thế giới, sẽ từ chức Chủ tịch Fox News và News Corp., kết thúc sự nghiệp lẫy lừng kéo dài 70 năm. Sau khi từ chức vào tháng 11 tới, con trai đầu của ông là Lachlan Murdoch sẽ trở thành chủ tịch duy nhất của News Corp. và giữ vị trí Chủ tịch kiêm CEO Fox News.

cuoc-doi-lam-giau-nho-chuyen-giat-gan-cua-trum-truyen-thong-rupert-murdoch(1).jpg
Trùm truyền thông Rupert Murdoch cùng hai con trai Lachlan (trái) và James (phải)

Trong thư gửi tất cả nhân viên ngày 21/9/2023, Lachlan được bố gọi là “một nhà lãnh đạo đầy nhiệt huyết, có nguyên tắc và là người có thể đưa công ty tới tương lai”.

Trong thông báo từ chức, Rupert Murdoch viết: “Các công ty của chúng ta đang có sức khỏe tốt, giống như tôi vậy... Trong suốt sự nghiệp của mình, hằng ngày tôi luôn gắn bó với tin tức và ý tưởng và điều đó sẽ không thay đổi. Dù vậy, đã đến lúc tôi phải đảm đương những vai trò khác và tôi biết chúng ta có những đội ngũ thực sự tài năng”.

Năm nay 92 tuổi, Rupert Murdoch sở hữu nhiều tờ báo ở Mỹ, Anh và quê nhà ở Úc. Ngoài Fox News, ông còn thành lập Fox - mạng lưới truyền hình đầu tiên thách thức thành công của nhóm “Big 3” truyền hình Mỹ là ABC, CBS NBC.

Sở hữu đế chế truyền thông đa dạng, Rupert được xem là nhân vật có thế lực trong giới truyền thông lẫn phe bảo thủ ở Mỹ - nơi Fox News có ảnh hưởng sâu sắc đến truyền hình và chính trị quốc gia từ khi ra đời năm 1996.

Con đường làm giàu bằng chuyện giật gân

Sinh năm 1931 tại Melbourne, Úc và tốt nghiệp trường Worcester thuộc Đại học Oxford ở Anh, Rupert Murdoch là “con nhà nòi” khi cha (Keith Murdoch) là phóng viên chiến trường và từng điều hành một số tờ báo. Rupert từng làm biên tập viên trong một thời gian ngắn cho tờ London Daily Express - nơi đầu tiên dạy ông kinh nghiệm thực tế về việc giật gân báo chí.

Sau khi cha qua đời, ông trở về Úc tiếp quản công ty của gia đình ở tuổi 22 và nhanh chóng tham gia vào mọi khía cạnh trong hoạt động sản xuất của một tờ báo. Nhờ đặc biệt ưu tiên “các câu chuyện giật gân và bê bối”, công việc kinh doanh dưới sự dẫn dắt của Rupert phát triển rất nhanh.

Sau đó, ông tiếp tục mua lại một số tờ báo khác và áp dụng công thức tương tự để thúc đẩy số lượng phát hành. Đến năm 1964, ông thành lập tờ báo toàn quốc đầu tiên của Úc là The Australian.

Vào thời điểm Rupert mua được tờ báo Anh đầu tiên của mình vào năm 1969 là News of the World (NOTW), ông tiếp tục chứng minh công thức mà bản thân đã áp dụng nhiều năm trước vẫn hiệu quả, bất chấp việc hoạt động kinh doanh giờ đang diễn ra ở thị trường mới.

Bằng việc nhấn mạnh các câu chuyện tội phạm, tình dục, bê bối và lợi ích con người với các dòng tít táo bạo, đưa tin thể thao phong phú và cách xã luận bảo thủ thẳng thắn, số lượng phát hành liên tục tăng. Công thức của Rupert thành công với cả NOTW The Sun - nhật báo London được ông mua lại một năm sau đó.

Đặc biệt, Rupert Murdoch cũng sử dụng hai tờ báo mới mua để ca ngợi “bà đầm thép” Margaret Thatcher, khi ấy đang vận động để trở thành Thủ tướng Anh. Nhờ việc này, chính phủ của bà Thatcher sau đó đã hỗ trợ đế chế truyền thông đang lên của Rupert bằng cách không cảnh báo các cơ quan quản lý chống độc quyền khi ông mua tờ The Times of London, hay bật đèn xanh cho việc thành lập Sky TV phát sóng từ Luxembourg vào lãnh thổ Anh.

cuoc-doi-lam-giau-nho-chuyen-giat-gan-cua-trum-truyen-thong-rupert-murdoch-2.jpg
Công thức tăng số lượng phát hành của Rupert Murdoch là nhấn mạnh vào các câu chuyện tội phạm, tình dục, bê bối và lợi ích con người với các dòng tít táo bạo, đưa tin thể thao phong phú và cách xã luận bảo thủ thẳng thắn

Thừa thắng xông lên, Rupert Murdoch mở rộng sang Mỹ bằng việc mua lại tờ San Antonio Express - News vào năm 1973 và tờ The New York Post 3 năm sau đó.

Giống như đã làm với Margaret Thatcher, ông tiếp tục sử dụng tờ The New York Post để ủng hộ cố Tổng thống Mỹ Ronald Reagan trong cuộc bầu cử năm 1980. Nhà Trắng sau đó đã bỏ lệnh cấm vừa sở hữu báo, vừa sở hữu đài truyền hình trong cùng một thị trường, giúp đế chế truyền thông của Rupert tiếp tục bành trướng.

Dù chuộng sự giật gân, trong số các ấn phẩm đa dạng của “ông trùm truyền thông” vẫn có nhiều tờ báo truyền thống, được kính trọng và có uy tín hơn, như The Times of London cùng Sunday Times (cả hai được mua lại năm 1981), The TimesWall Street Journal.

Lấn sân sang truyền hình và tiếp tục giàu lên nhờ... bê bối

Trong giai đoạn 1980-1990, Rupert Murdoch đã tích lũy một lượng lớn cổ phần tại nhiều đài phát thanh cùng truyền hình, các công ty video, phim, băng đĩa và xuất bản sách. Năm 1985, ông mua lại Tập đoàn Twentieth Century-Fox (sau này là 20th Century Fox) cùng một số đài truyền hình độc lập của Mỹ từ Metromedia Inc. rồi hợp nhất cả hai liên doanh này thành Fox.

Rupert cũng nhập quốc tịch Mỹ - động thái cho phép ông nắm toàn quyền sở hữu các đài truyền hình nước này. Năm 1996, ông và Roger Ailes thành lập mạng tin tức 24 giờ Fox News với tư cách là đối thủ của CNN.

Theo Bloomberg, Fox đã giành được thị phần từ các đài truyền hình nổi tiếng khác, cũng như thay đổi thế giới thể thao chuyên nghiệp bằng cách đưa ra số tiền kỷ lục cho bản quyền các trận bóng đá và các sự kiện khác. Trong khi đó, Fox News không chỉ trở thành kênh tin tức trên truyền hình cáp số một ở Mỹ, mà còn là pháo đài vững chắc cho tiếng nói của Đảng Cộng hòa.

Tất cả những điều này khiến Rupert Murdoch trở thành nhân vật có thế lực và ảnh hưởng đáng kể trong cả giới truyền thông lẫn chính trị. Tuy nhiên, chính vào thời điểm sự nghiệp phát đạt nhất, ông lại vướng vào chuỗi bê bối truyền thông được xem là lớn nhất nước Anh, khiến danh tiếng của ông bị hủy hoại tại xứ sở sương mù.

Tháng 7/2009, tờ Guardian - một trong số ít tờ báo tại Anh không thuộc quyền sở hữu của Rupert, đăng một loạt bài cáo buộc rằng, để hành nghề, các nhà báo làm việc cho NOTW cùng một số tờ lá cải thuộc công ty của ông đã lắp thiết bị nghe lén điện thoại người nổi tiếng. Và khi sự việc bại lộ, công ty chủ quản của những tờ báo này đã chi hàng triệu bảng Anh để sự việc chìm xuồng.

Theo Guardian, số người bị NOTW hack điện thoại lên tới hơn 4.000, gồm cả những cá nhân nổi tiếng như chính trị gia John Prescott và Giám đốc Câu lạc bộ bóng đá Manchester United Alex Ferguson; Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Truyền thông Tessa Jowell và thậm chí Tổng biên tập Rebekah Wade của The Sun - tờ “chị em” của NOTW.

cuoc-doi-lam-giau-nho-chuyen-giat-gan-cua-trum-truyen-thong-rupert-murdoch-1.jpg
Với việc sở hữu và kiểm soát nhiều cơ quan báo chí, truyền hình và điện ảnh ở cả 3 châu lục, Rupert Murdoch không chỉ trở thành nhân vật có thế lực mà còn gây chia rẽ

Trên thực tế, bê bối năm 2009 chỉ là sự tiếp nối của vụ việc vốn đã bị phanh phui từ 3 năm trước, khi cảnh sát Anh khởi tố Clive Goodman - biên tập viên phụ trách trang Hoàng gia của NOTW và thám tử tư Glenn Mulcaire, với cáo buộc thâm nhập vào hệ thống hộp thư thoại của thành viên Hoàng gia. Cả hai lĩnh mức án lần lượt 4 và 6 tháng vào năm 2007, trong khi tổng biên tập lúc đó của NOTW là Andy Coulson phải từ chức.

Đến tháng 1/2011, cơn ác mộng với nhà Rupert lại tiếp tục, khi cảnh sát London tuyên bố bắt đầu một chiến dịch điều tra mới về vụ hack điện thoại của NOTW. Cả Rupert lẫn News Corp. bị giám sát nghiêm ngặt vì hành vi sai trái tại NOTW và số bằng chứng ngày càng cho thấy các nhân viên của tờ báo đã có hành vi bất hợp pháp và phi đạo đức, nhất là vụ hack hộp thư điện thoại di động của nhiều người nổi tiếng, nạn nhân bị sát hại và binh lính Anh thiệt mạng trong chiến tranh Afghanistan.

Khi đó, ông đã phải cúi đầu trước Quốc hội và gọi đó là “ngày nhục nhã nhất đời mình”. Rốt cuộc, ông đã phải khai tử tờ báo có tuổi đời 168 năm vào cuối tháng 7/2011, nhưng vụ bê bối vẫn tiếp tục nóng lên. Dù vậy, có thể xem sự việc này là “trong họa được phúc” với nhà Murdoch, khi chính vụ bê bối trên đã thúc đẩy News Corp. loại bỏ kế hoạch đã ấp ủ từ lâu là mua lại BskyB - một đài truyền hình vệ tinh sau đó đã được đổi tên thành Sky.

Khi tham vọng tiếp quản BskyB bị dập tắt, Rupert đã mang số tiền nhàn rỗi của News Corp. ra cho nhà đầu tư dưới hình thức mua lại nhằm đẩy giá cổ phiếu lên. Quan trọng hơn, ông cũng đồng ý tách công ty làm hai, tách hãng phim truyện cùng truyền hình đang phát triển mạnh ra khỏi kinh doanh báo chí đang giảm sút và đang đối mặt với trách nhiệm pháp lý liên quan tới vụ bê bối.

Nhờ các quyết định này, Rupert Murdoch không những không chứng kiến sự sụp đổ đến với đế chế của mình, mà tài sản còn tăng gấp nhiều lần kể từ vụ bê bối. Còn với hai con trai là Lachlan và James, họ cũng nhận được bài học về sự đổ vỡ do sơ xuất trong quản lý. Cuộc khủng hoảng không chỉ dạy cho họ cách diễn trong mắt công chúng, mà còn mài giũa kỹ năng trước khi cẩn trọng bước dưới ánh đèn sân khấu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cuộc đời làm giàu nhờ chuyện giật gân của trùm truyền thông Rupert Murdoch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO