50 năm thống nhất đất nước: TP.HCM - Nơi hội tụ của lịch sử và văn hóa
TP.HCM sở hữu nhiều di tích lịch sử đặc sắc, tạo lợi thế lớn trong phát triển du lịch văn hóa. Những địa danh này không chỉ thu hút du khách mà còn giúp Thành phố khẳng định vị thế trên bản đồ du lịch quốc tế.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, TP.HCM sở hữu tài nguyên du lịch văn hóa - lịch sử phong phú và đa dạng. Trong bối cảnh du lịch được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, Thành phố đã không ngừng tổ chức các hoạt động sáng tạo và sự kiện quy mô lớn từ đầu năm đến cuối năm. Những hoạt động này không chỉ giúp kéo dài thời gian lưu trú của du khách mà còn kích thích chi tiêu du lịch tăng trưởng vượt bậc.

Tháng 4/2025 đánh dấu 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhât đất nước, cột mốc thiêng liêng với TP.HCM. Dịp này, Thành phố tổ chức nhiều chương trình kỷ niệm lớn, hòa quyện giữa truyền thống và hiện đại, đặc biệt là lễ diễu binh, diễu hành tái hiện khí thế hào hùng của dân tộc.
Các hoạt động không chỉ lan tỏa thông điệp về một Việt Nam hòa bình, phát triển và hội nhập mà còn kỳ vọng thu hút đông đảo du khách, nâng tầm sức hút văn hóa - lịch sử của TP.HCM trên trường quốc tế.

TP.HCM sở hữu nhiều di tích lịch sử - văn hóa nổi tiếng như Dinh Thống Nhất, Địa đạo Củ Chi, Bưu điện Thành phố, Bảo tàng Áo Dài, Nhà thờ Đức Bà, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, Hầm chứa vũ khí Biệt động Sài Gòn… Những địa điểm này đã được khai thác và trở thành điểm đến hấp dẫn trong các chương trình tham quan tại Thành phố.
.jpg)
“Ai hỏi các tour du lịch văn hóa - lịch sử có thú vị không, tôi xin khẳng định: rất tuyệt vời. Điều quan trọng là chúng ta phải ‘kể những câu chuyện’ ấy sao cho hấp dẫn để du khách không chỉ nghe mà còn học hỏi, trải nghiệm và mang về những ký ức khó quên", bà Phan Yến Ly - Giám đốc Công ty Cánh Cam, chia sẻ.

Theo bà Phan Yến Ly, để khai thác hiệu quả tiềm năng này, đặc biệt khi 56% khách quốc tế đến TP.HCM quan tâm đến giá trị văn hóa - lịch sử, chúng ta cần sự phối hợp nhịp nhàng giữa các cơ quan và công ty lữ hành.
“Chỉ khi cùng nhau hành động, các sản phẩm du lịch văn hóa - lịch sử mới thực sự lan tỏa và phát huy giá trị bền vững”, bà Ly khẳng định.

Sáng 11/4, bà Thu Trang (58 tuổi, huyện Củ Chi) đến Dinh Thống Nhất để chụp ảnh kỷ niệm cùng nhóm bạn thân nhân dịp kỷ niệm 50 năm Đại thắng mùa Xuân. "Lâu rồi tôi chưa có dịp quay lại Dinh. Nhân dịp này, tôi đến để lưu giữ kỷ niệm và ôn lại phần ký ức lịch sử đã in sâu trong lòng người dân Sài Gòn - TP.HCM", bà Trang chia sẻ.
Đến tham quan Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh, em Nguyễn Xuân - sinh viên Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG - TP.HCM, chia sẻ niềm tự hào khi là công dân dang học tập tại Thành phố mang tên Bác.

"Mỗi lần đến đây em lại thấy xúc động. Những hiện vật và câu chuyện về chiến tranh không chỉ nhắc nhở chúng em về sự hy sinh to lớn của cha ông, mà còn khơi dậy lòng biết ơn và ý thức gìn giữ hòa bình", Nguyễn Xuân chia sẻ.
.jpg)
Theo bà Trang, nhân viên Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh TP.HCM, từ cuối tháng 3, lượng du khách đến tham quan tăng mạnh, đặc biệt là trong dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam. Nhiều đoàn khách quốc tế bày tỏ sự xúc động khi nghe kể lại những câu chuyện lịch sử tại đây.
.jpg)
Hiện nay, TP.HCM có 17 bảo tàng, trong đó có 4 bảo tàng xếp hạng I và 3 bảo tàng xếp hạng II. Những năm qua, Thành phố đã có những giải pháp hiệu quả để phát huy hoạt động bảo tàng, nâng cấp và hiện đại hóa như Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh TP.HCM, Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ…

Thảo Cầm viên - "lá phổi xanh của thành phố", cũng thu hút nhiều du khách trong tháng 4 này, với ưu đãi miễn phí vé cho du khách sinh vào tháng 4/1975 hoặc ngày 30/4, và quà tặng cho những người sinh ngày 30/4/1975.
Những địa điểm du lịch văn hóa - lịch sử thường xuyên là điểm đến được gợi ý trên các trang đánh giá uy tín như Google, Trip Advisor. Các tour du lịch văn hóa - lịch sử TP.HCM hiện được cung cấp tại Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam - VITM Hà Nội 2025, như "50 năm - Trở lại miền Nam yêu dấu", "Huyền thoại về những anh hùng”...



Khoảng 56% khách quốc tế đến TP.HCM chủ yếu tìm hiểu về văn hóa - lịch sử
Theo thống kê của Tổ chức Du lịch Liên Hợp Quốc, du lịch văn hóa đóng góp 37% vào tổng du lịch toàn cầu và dự báo sẽ tăng trưởng 15% mỗi năm. Tại TP.HCM, khách quốc tế tập trung vào giá trị văn hóa - lịch sử, trong khi khách nội địa quan tâm đến giá trị văn hóa - du lịch chiếm khoảng 28%.
Theo Sở Du lịch TP.HCM, quý I/2025 chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành du lịch thành phố, với hàng loạt chỉ số vượt trội so với cùng kỳ năm ngoái. Khách quốc tế đạt hơn 1,6 triệu lượt, tăng hơn 18% so với quý I/2024 (1,3 triệu lượt). Riêng tháng 3/2025, TP.HCM đón gần 600.000 lượt khách quốc tế, tăng gần 23% so với tháng 3 năm trước (hơn 480.000 lượt).
Tổng doanh thu du lịch trong 3 tháng đầu năm đạt 56.662 tỷ đồng, tăng 26,7% so với cùng kỳ năm trước (44.710 tỷ đồng). Riêng tháng 3, ngành du lịch TP.HCM đạt hơn 19.000 tỷ đồng doanh thu.