"Mỏ vàng" mới của ngành hàng xa xỉ

Doanh Doanh| 27/01/2023 04:00

Khi mạng xã hội ngày càng giúp việc "khoe" cuộc sống cá nhân dễ dàng hơn, Gen Y và Z đang sẵn sàng chi mạnh cho hàng xa xỉ để giúp họ trở nên khác biệt và chứng tỏ sự độc nhất của mình.

Năm 2022, toàn bộ tăng trưởng của thị trường hàng xa xỉ trên thế giới đều đến từ Gen Y (người sinh năm 1981-1996) và Gen Z (người sinh năm 1996-2010).

"Mỏ vàng" mới của ngành hàng xa xỉ

Theo Bain & Company, người mua sắm mặt hàng xa xỉ ngày càng giàu có và trẻ hơn. Trong 10 năm tới, lượng hàng xa xỉ được mua bởi người tiêu dùng thế hệ mới có thể sẽ tăng gấp 3 lần so với các thế hệ cũ. Mức chi tiêu của Gen Z và thậm chí là Gen Alpha (người sinh sau năm 2010) dự báo chiếm hơn 30% thị trường hàng xa xỉ cho đến năm 2030.

Thị trường hàng cao cấp vẫn tăng trưởng bất chấp các tin xấu từ nền kinh tế.

Thị trường hàng cao cấp vẫn tăng trưởng bất chấp các tin xấu từ nền kinh tế.

Đồng thời, người tiêu dùng Gen Z đang bắt đầu mua hàng hiệu từ tuổi 15, sớm hơn 3 đến 5 năm so với Gen Y. "Đến năm 2030, thế hệ trẻ (gồm Gen Y, Z và Alpha) sẽ trở thành người mua hàng xa xỉ lớn nhất cho đến nay, chiếm 80% lượng mua hàng xa xỉ trên toàn cầu", báo cáo viết.

Một nghiên cứu trước đó do Bain & Company phối hợp với Fondazione Altagamma - ủy ban tập hợp thương hiệu cao cấp của Ý, dự báo ngành hàng xa xỉ phục vụ cá nhân sẽ tăng trưởng ít nhất ​​3-8% trong năm nay, ngay cả khi điều kiện kinh tế toàn cầu suy thoái, tùy vào sự phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc, Mỹ và châu Âu.

Trên thực tế, doanh số bán hàng xa xỉ cho đến nay hầu như không bị ảnh hưởng bởi các vấn đề kinh tế vĩ mô như lạm phát và lãi suất tăng cao hay nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm. Bain & Co. ước tính doanh số bán hàng xa xỉ cá nhân trên thế giới đã tăng 20% vào năm ngoái, lên hơn 380 tỷ USD.

Link bài viết

Trong đó, các loại phụ kiện thời trang, đứng đầu là túi xách, dẫn đầu tăng trưởng. Mặt hàng này dự báo tiếp tục thúc đẩy doanh số bán hàng vào những năm tiếp theo.

Riêng doanh số bán đồ da tăng từ 23% lên 25% năm 2022 và tăng hơn 40% so với mức trước đại dịch. Các mẫu mới và "hero products" - thuật ngữ chỉ sản phẩm có doanh thu tốt, tính cạnh tranh cao, chiếm tỷ lệ không nhỏ trong mức tăng trưởng này. Song, động lực tăng trưởng lớn nhất đến từ việc tăng giá bán sản phẩm.

Lý do giới trẻ sẵn sàng "chi mạnh"

Theo giới phân tích, sức hấp dẫn của các thương hiệu cao cấp với người tiêu dùng trẻ gắn liền với sự gia tăng của cải trong những năm qua, đi cùng sự bùng nổ của phương tiện truyền thông xã hội.

"Sự thay đổi trong những năm qua là độ giàu có của khách hàng Mỹ và sự phổ biến của mạng xã hội. Gen Z đã khiến độ tuổi mua hàng xa xỉ trở nên thấp hơn, từ 18 đến 20 tuổi. Trong vài năm tiếp theo, người trẻ lần đầu mua hàng xa xỉ có thể ở độ tuổi từ 15 đến 17", Jan Rogers Kniffen - CEO Công ty tư vấn bán lẻ J Rogers Kniffen WWE, nhận xét.

Ngoài ra, việc mua hàng xa xỉ trực tuyến cũng dễ dàng hơn so với trước đây, khi nhiều thương hiệu chấp nhận bán qua mạng và hàng loạt website bán hàng hiệu đã qua sử dụng nhưng hiếm hoặc không còn sản xuất đã xuất hiện.

Gen Z không tiếc tiền dành cho việc mua sắm hàng hiệu. Ảnh: Bloomberg.

Gen Z không tiếc tiền dành cho việc mua sắm hàng hiệu. Ảnh: Bloomberg.

Theo Bain & Company, công nghệ Web 3.0, gồm metaverse và NFT (Non-Fungible Token), sẽ giúp thúc đẩy doanh số hàng xa xỉ trong tương lai và giúp chúng dễ dàng tiếp cận với người dùng trẻ hơn.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh mạng xã hội trở nên phổ biến, hàng xa xỉ lại càng dễ dàng chạm đến người tiêu dùng trẻ hơn thông qua phong cách thời trang của các ngôi sao, KOLs.

Và, các thương hiệu hàng xa xỉ đã rất nhanh chóng tận dụng điều này. Đơn cử, để quảng bá cho hai thiết kế mới mùa Thu Đông 2021, Louis Vuitton đã chọn Emma Chamberlain và Charli D'Amelio - hai cô gái Gen Z là ngôi sao trên mạng xã hội, làm gương mặt đại diện.

Đương nhiên, có nhiều lý do để một người mua hàng xa xỉ, song phần lớn chúng đều liên quan đến cảm xúc. Một người vẫn có thể quyết định mua sắm bằng mọi giá, dù tình hình tài chính eo hẹp, cốt để có cảm giác tự thưởng hay thành tựu, hoặc sự công nhận từ người khác.

Trong một số trường hợp, cảm giác đó là sự thoả mãn khi lòng tự trọng được nâng lên hay cảm giác thuộc về số ít thượng lưu, có vị thế trong xã hội. Và, khi mạng xã hội ngày càng tích hợp nhiều tính năng để người dùng có thể liên tục "khoe" cuộc sống cá nhân của mình, hàng xa xỉ đã trở thành phương tiện để người trẻ thể hiện và khẳng định bản thân. 

Theo nghiên cứu của McKinsey, người dùng Gen Z sẵn sàng chi mạnh cho hàng xa xỉ để giúp họ trở nên khác biệt và chứng tỏ sự độc nhất của mình.

Jennie (Black Pink) là một trong những ngôi sao có ảnh hưởng nhất Hàn Quốc, các mặt hàng xa xỉ được cô diện đều bán chạy. Ảnh: Teen Vogue

Jennie (Black Pink) là một trong những ngôi sao có ảnh hưởng nhất Hàn Quốc, các mặt hàng xa xỉ được cô diện đều bán chạy. Ảnh: Teen Vogue

Sasha Skoda - Giám đốc chuyên mục Phụ nữ tại The RealReal, một chợ trực tuyến hàng xa xỉ, nhận xét: "Chưa bao giờ chúng tôi thấy ​​sự tăng trưởng giữa người mua và người gửi hàng cao cấp thuộc Gen Z như thế, đặc biệt khi họ săn lùng những món đồ độc đáo hơn để thể hiện phong cách cá nhân của mình".

"Tôi mua chiếc túi xa xỉ đầu tiên năm 20 tuổi khi nhận tháng lương đầu tiên. Tôi cho rằng sẽ có lúc mình cần một chiếc túi xịn sau khi bắt đầu làm việc. Từ đó, khoảng 2 lần/năm, tôi dành tiền mua những chiếc túi xa xỉ. Tôi biết chúng đắt so với lương của tôi nhưng chúng mang lại cho tôi sự tự tin. Tôi xem chúng như món quà cho mình sau khi đã làm việc chăm chỉ đêm ngày", Jang - một nhân viên văn phòng 32 tuổi ở Seoul nói với The Korea Times.

Jang chỉ là một trong vô số người tiêu dùng thuộc Gen Y và Z tại Hàn Quốc - nhóm tuổi dẫn đầu xu hướng mua hàng xa xỉ ở nước này, giúp xứ sở kim chi trở thành một trong những thị trường hàng xa xỉ lớn nhất thế giới năm 2022.

Được biết, thế hệ Y và Z chiếm gần 40% tổng doanh số hàng xa xỉ năm 2021 ở Hàn Quốc. Lượng mua hàng của người ở độ tuổi 20 tăng gấp đôi mỗi năm, vượt xa mức tăng trưởng doanh số bán hàng xa xỉ nói chung kể từ năm 2016.

Theo Kwak Geum-joo - Giáo sư tâm lý học tại Đại học Quốc gia Seoul, xu hướng này là sự khác biệt trong văn hóa giữa các thế hệ. Ngược lại với người lớn tuổi hình thành thói quen tiết kiệm để vượt qua giai đoạn khó khăn về kinh tế, thế hệ trẻ sinh ra trong thời kỳ sung túc quan tâm nhiều hơn đến việc tiêu tiền để tận hưởng cuộc sống.

"Họ nghĩ đó là khoản đầu tư cho bản thân. Họ sẵn sàng trả tiền nếu sản phẩm mang lại sự hài lòng và niềm vui. Họ cho rằng nó xứng đáng", ông Kwak nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
"Mỏ vàng" mới của ngành hàng xa xỉ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO