Vào một thời điểm trong cuộc sống, bạn nhìn lại và nhận ra mình đang không làm tốt công việc. Vì lý do này hay lý do khác mà bạn không đạt được kết quả như kỳ vọng, bạn không có nhiều tiến bộ hằng ngày, bạn bị đồng nghiệp phàn nàn, thậm chí sếp đã bỏ rơi bạn trong những dự án quan trọng.
Vậy lý do là gì? Để trả lời câu hỏi này, chúng ta cần trung thực và thẳng thắn với bản thân nhằm tìm ra gốc rễ của vấn đề. Khi đã nắm rõ tại sao mọi thứ không suôn sẻ, bạn sẽ biết chính xác những gì cần tránh và về lâu dài, bạn hoàn toàn có khả năng đạt được kết quả như mong muốn.
1. Chưa giao tiếp đúng cách
Giữ im lặng trong các cuộc họp mặc dù bạn có rất nhiều điều muốn chia sẻ, phớt lờ những gì đồng nghiệp của bạn nói, hoặc có xu hướng trở thành bóng ma trong cộng đồng? Giao tiếp đóng một vai trò quan trọng trong thành công của bạn tại nơi làm việc. Nếu bạn không giao tiếp đúng cách, đó có thể là một bất lợi lớn.
Đây hoàn toàn là thử thách không hề nhỏ với những người hướng nội, nhưng chỉ cần một lần dám đứng lên bày tỏ quan điểm cá nhân, chắc chắn trong tương lai bạn sẽ không còn e dè nữa.
Giao tiếp mang đến cho bạn nhiều trải nghiệm tốt hơn tại nơi làm việc. Hãy mạnh dạn phải chia sẻ những ý tưởng của mình, luôn cởi mở với những lời chỉ trích và học cách tập trung lắng nghe.
2. Sự trì hoãn
Bạn có phải một trong số nhiều người để công việc của mình đến giây phút cuối cùng mới lao vào thực hiện không?
Trì hoãn lấy đi cơ hội để kiểm tra lại sản phẩm của bạn một cách kỹ càng. Thời gian càng nhiều, bạn sẽ càng có khả năng phát hiện ra những thiếu sót trong công việc của mình, từ đó có những thay đổi kịp thời và chính xác.
Hãy luôn hành động từ sớm. Thay vì dồn công việc, nếu mỗi ngày bạn làm một chút, khối lượng đó dường như sẽ ít đi rất nhiều, đồng thời tâm lý của bản thân cũng nhẹ nhàng hơn so với sự căng thẳng vào giây phút cuối.
3. Không làm việc theo nhóm
Bạn có tự xem mình là một con sói đơn độc? Có bao giờ bạn cho rằng công việc sẽ được hoàn thành tốt hơn nếu bản thân làm một mình để tránh sai sót? Thói quen và suy nghĩ không lành mạnh đó khiến công việc trở nên kém hiệu quả.
Nếu không phải công ty một thành viên, thì thành công trong công việc là nỗ lực chung của cả tập thể bao gồm bạn và những nhân viên khác. Nếu không có người khác chung tay, công việc của bạn sẽ không thể đạt được tiềm năng cao nhất. Điều quan trọng là học cách chia sẻ ý tưởng và cọ xát tâm trí cùng nhau.
Việc giúp đỡ mọi người trong công ty sẽ có lợi cho chính bạn, bởi đồng nghiệp cũng sẽ giúp đỡ bất cứ khi nào bạn cần. Thực tế, những người làm việc theo nhóm luôn đạt được nhiều thành công hơn trong công việc.
4. Không dám chịu trách nhiệm
Sẽ có rất nhiều vấn đề nảy sinh trong một môi trường làm việc, bên cạnh rất nhiều người luôn khẳng định “đây không phải là lỗi của tôi”. Để có thể làm việc hiệu quả, bạn cần có khả năng chịu trách nhiệm cho mọi hoạt động của mình. Nếu không một ai đứng lên chịu trách nhiệm cho những sai lầm, nơi làm việc đó xem như đã chết.
Sếp giao cho bạn nhiệm vụ và bạn sơ suất làm hỏng nó, hành động đầu tiên cần làm là tự giác nhận lỗi lầm và kiểm điểm bản thân, đừng cố trốn tránh hay đổ thừa.
Chịu trách nhiệm giúp bạn cải thiện và phát triển tốt hơn trong tương lai. Nó giúp xây dựng tính cách, tâm trí cũng như phong cách làm việc của bản thân và trên hết, đồng nghiệp sẽ luôn tin tưởng bạn.
5. Làm việc quá sức
Đã bao giờ bạn làm việc không ngừng nghỉ chỉ vì deadline cận kề chưa? Làm việc với khả năng tối đa thực sự tốt ở nơi làm việc, nhưng liệu bạn có muốn nó ảnh hưởng tới thể chất và tinh thần của bản thân không?
Thực tế, khi làm việc trong tình trạng mệt mỏi, chất lượng công việc sẽ giảm sút đáng kể, thậm chí bạn còn khiến nó vận hành chậm hơn so với khi bạn dành thời gian để giải lao.
Giữa công việc, bạn cần nghỉ ngơi, thư giãn, thậm chí ra ngoài và giải trí. Nghỉ ngơi đầy đủ sẽ giúp đầu óc sảng khoái, mang đến những ý tưởng và cách thức mới để giải quyết các vấn đề trong công việc.
Hãy nhớ rằng, thời hạn công việc là quan trọng nhưng không bao giờ quan trọng hơn sức khỏe của bản thân.