Quốc tế

Vì sao Apple đang mất vị thế?

Doanh Doanh 27/06/2024 - 14:26

Năm 2023, iPhone chiếm đến 52% doanh thu của Apple, nhưng trong 3 tháng đầu năm nay, Công ty chỉ bán được 50,1 triệu iPhone trên toàn cầu, giảm gần 10% so với cùng kỳ. Vậy, lý do doanh số iPhone giảm là gì?

Đánh mất thị trường quan trọng

Những năm gần đây, thị trường Trung Quốc chiếm khoảng 20% doanh thu toàn cầu của Apple, với iPhone là động lực chính. Tuy nhiên, sự thống trị của iPhone tại thị trường tỷ dân đang mờ dần.

Phần lớn lý do đằng sau việc này đến từ chính sách kinh tế của Trung Quốc: ưu tiên thương hiệu nội hơn ngoại, thể hiện qua việc tăng cường hỗ trợ tài chính và trợ cấp cho các nhà sản xuất smartphone trong nước. Các gói hỗ trợ có thể tồn tại dưới dạng trợ cấp, ưu đãi thuế và khoản vay với lãi suất thấp, giúp nhiều doanh nghiệp (DN) đầu tư cho R&D cũng như nâng cao năng lực sản xuất.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng triển khai một loạt chính sách khác nhằm ưu tiên DN trong nước hơn nước ngoài. Những chính sách này gồm các ưu đãi mua sắm, trong đó cơ quan chính phủ và DN nhà nước được khuyến khích mua hàng từ nhà cung cấp nội địa. Một ví dụ khác là lệnh cấm nhân viên sử dụng smartphone do nước ngoài sản xuất trong các cơ quan nhà nước. Thêm vào đó, DN nội cũng hưởng lợi từ việc ít bị thanh tra hơn và có khuôn khổ quy định dễ hơn so với DN nước ngoài.

Rốt cục, chính sách kinh tế đã trở thành bệ phóng tăng trưởng cho nhiều thương hiệu smartphone Trung Quốc mà một ví dụ điển hình là Huawei. Dù từng chật vật với vô số khó khăn từ lệnh trừng phạt của Mỹ, DN này đã có sự trở lại đáng chú ý với mẫu Mate 60 Pro. Trang bị chip sản xuất trong nước, đây là smartphone cao cấp được Huawei tung ra để cạnh tranh với iPhone. Kết quả, từ quý I/2023 đến quý I/2024, thị phần của Huawei trong phân khúc smartphone vọt tăng từ 9,3% lên 15,5%, trực tiếp làm giảm thị phần của Apple.

thi-phan-smartphone-trung-quoc.jpg
Thị phần smartphone Trung Quốc (Q1/2023 - Q1/2024)

Chu kỳ thay thế kéo dài

Một lý do lớn khác làm giảm doanh số iPhone là sự kéo dài của chu kỳ thay thế - khái niệm chỉ ra tần suất người dùng thay thế smartphone của họ. Gần đây, người dùng có khuynh hướng giữ lại những chiếc iPhone cũ lâu hơn trước, khi thói quen chi tiêu của họ thay đổi. Mức giá cao hơn cho các mẫu mới trong điều kiện kinh tế ảm đạm đã khiến người dùng thận trọng hơn khi chi tiêu cho điện thoại mới. Xu hướng này đặc biệt rõ ràng ở các khu vực có điều kiện kinh tế khó khăn.

Bên cạnh đó, những tiến bộ cả về phần cứng lẫn mềm đã giúp iPhone trở nên bền và có thể được sử dụng lâu hơn mà không bị giảm hiệu suất. Nhiều người dùng nói rằng các mẫu iPhone cũ của họ như X và 11 vẫn chạy “khá tốt” tác vụ hằng ngày. Tuổi thọ điện thoại tăng đồng nghĩa với nhu cầu phải nâng cấp thường xuyên giảm, do người dùng nhận thấy rằng các mẫu máy cũ của họ vẫn hoạt động tốt với những bản cập nhật nhỏ hoặc pin mới.

Một lý do nữa khiến iPhone không còn được thay thế thường xuyên như trước là sự thật rằng nó dường như đã đạt đến “độ chín” về công nghệ. Trước đây, các mẫu iPhone liên tục giới thiệu tính năng đột phá làm trải nghiệm người dùng thay đổi đáng kể, như việc bỏ jack tai nghe và khả năng chống nước ở iPhone 7; sạc không dây, game và ứng dụng thực tế ảo tăng cường ở iPhone 8; bỏ cảm biến vân tay và Face ID ở iPhone X. Các cải tiến này mang đến lý do thuyết phục để người dùng thường xuyên nâng cấp, nhưng trong những năm gần đây, sự khác biệt giữa các mẫu iPhone liền nhau lại không lớn. Ví dụ, so với iPhone 14, iPhone 15 có cải tiến về thời lượng pin, camera và một số thay đổi nhỏ về thiết kế như sạc USB-C. Dù vậy, sự thay đổi này không đủ đột phá để thúc đẩy người dùng nâng cấp ngay lập tức.

AI và mảng dịch vụ là tương lai của Apple

Từ những lý do nêu trên, Apple có thể sẽ sử dụng AI để khơi dậy nhu cầu với các sản phẩm của mình, trong đó có iPhone. Một cách để Táo khuyết rút ngắn chu kỳ thay thế là giới thiệu tính năng mới cho iPhone và AI hiện là yếu tố tiềm năng nhất.

Một mũi nhọn khả thi trong chiến lược AI của hãng có thể là bản nâng cấp đáng kể cho trợ lý ảo Siri. Nếu được hỗ trợ bởi các mô hình ngôn ngữ lớn, Siri 2.0 có thể thay đổi hoàn toàn cách người dùng tương tác với iPhone. Theo đó, Siri 2.0 có thể cung cấp những cuộc trò chuyện tự nhiên hơn và nhận biết ngữ cảnh, giúp nó hiểu và thực hiện các câu lệnh phức tạp hiệu quả. Ví dụ, người dùng có thể yêu cầu Siri tóm tắt cuộc họp, ghi lại bài giảng hay viết nội dung, nhờ đó cung cấp các chức năng vượt ra ngoài các câu lệnh cơ bản.

Đồng thời, Apple có thể tích hợp AI vào các ứng dụng sẵn có để mang đến trải nghiệm người dùng thông minh và cá nhân hóa hơn. Ví dụ, ứng dụng ảnh có thể tận dụng AI để nâng cao khả năng chỉnh sửa, tự động phân loại và tạo bộ sưu tập được cá nhân hóa. Tương tự, AI có thể cải thiện chức năng của những ứng dụng khác như email, tin nhắn và lịch bằng cách cung cấp văn bản đề xuất, sắp xếp thông minh hay phát hiện thư rác tốt hơn. Nếu tích hợp tốt, Apple có thể tạo ra lý do thuyết phục để người dùng nâng cấp, và nhớ đó khai thác các thị trường mới.

Hơn nữa, nếu nhìn rộng hơn, dù doanh thu giảm, Apple vẫn báo cáo lợi nhuận gộp tăng theo năm, với động đến từ doanh thu dịch vụ.

Tính đến năm 2024, với hơn 2,2 tỷ thiết bị hoạt động, Apple đang có một thị trường khổng lồ cho mảng dịch vụ và công ty trên thực tế đã đều đặn thay đổi chiến lược để tập trung nhiều hơn cho nó dù còn chậm chạp. Và, sự thay đổi này rất rõ ràng nếu xem xét phân khúc doanh thu của công ty vào năm 2021.

Khi đó, doanh thu từ dịch vụ chiếm khoảng 18%, nhưng đến năm 2024 đã lên hơn 26%. Lý do điều này quan trọng là biên lợi nhuận gộp cho các dịch vụ của Apple cao hơn đáng kể so với các sản phẩm phần cứng, ở mức khoảng 65-70% so với tối đa 35-40%.

Biên lợi nhuận gộp cao hơn này giúp tạo ra biên lợi nhuận hoạt động tốt hơn cho phân khúc dịch vụ, đóng góp đáng kể vào lợi nhuận chung của Apple. Ví dụ, dù chiếm khoảng 25% tổng doanh thu, dịch vụ lại chiếm tới gần 40% lợi nhuận hoạt động trong các quý gần đây. Ngoài biên lợi nhuận tốt hơn, dịch vụ còn tạo ra doanh thu định kỳ, cung cấp dòng tiền định kỳ, giúp tạo ra sự ổn định về tài chính cho DN và cho phép Apple lập kế hoạch tốt hơn.

Quý đầu 2023, Apple giữ khoảng 19,7% thị trường smartphone Trung Quốc và là DN dẫn đầu ngành. Nhưng, bước sang quý đầu năm nay, doanh số iPhone tại đây giảm gần 20%, kéo thị phần của Apple xuống còn 15,7%. Đồng nghĩa, Táo khuyết không còn là thương hiệu smartphone lớn nhất tại Trung Quốc nữa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Vì sao Apple đang mất vị thế?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO