Trong báo cáo "Việt Nam năng động: Tạo nền tảng cho nền kinh tế thu nhập cao" được công bố vào tuần trước, WB cho rằng, đại dịch Covid-19 đã làm rõ hơn những thay đổi ở nhiều nước, trong đó có Việt Nam, nhất là khi các động lực từng giúp Việt Nam tăng trưởng nhanh, như tài nguyên, nhân công giá rẻ đã tới hạn và môi trường đang ở mức độ cảnh báo. Điều Việt Nam cần làm là “thay đổi mô hình tăng trưởng” để có thể đạt mục tiêu trở thành nền kinh tế có thu nhập cao vào năm 2045.
WB gợi ý mô hình tăng trưởng kinh tế dựa vào năng suất kết hợp đổi mới và sáng tạo cho thập kỷ tới. Tốc độ tăng năng suất lao động trung bình của Việt Nam phải đạt từ 6,5-6,75%/năm cho đến năm 2030 so với mức bình quân 4,75% giai đoạn 2011-2016. Muốn vậy, Việt Nam cần tập trung vào 4 lĩnh vực ưu tiên: tăng tính năng động cho doanh nghiệp, cải thiện độ hiệu quả và bền vững của cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo nghề, quản lý hiệu quả tài nguyên. Theo ông Ousmane Dione - Giám đốc WB Việt Nam, Việt Nam cần có quyết sách để không chỉ phát triển nhanh hơn mà còn chất lượng hơn.
Chủ trương đổi mới mô hình tăng trưởng của Việt Nam đã được khẳng định tại Đại hội Đảng lần thứ XI và XII, trong đó nhấn mạnh tăng trưởng cần chuyển dần sang dựa vào công nghệ, dựa vào đổi mới, sáng tạo. Việt Nam đang có những điều kiện nhất định để thay đổi mô hình phát triển kinh tế. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo kinh tế thế giới năm 2020 tăng trưởng âm 3%, riêng Việt Nam tăng trưởng 2,7% - mức cao nhất khu vực ASEAN. Việt Nam năm 2019 đã tăng ba bậc so với năm 2018 về xếp hạng chỉ số đổi mới, sáng tạo toàn cầu, lên vị trí 42 trên 129 quốc gia và nền kinh tế được xếp hạng. Cạnh đó, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, như CPTPP và EVFTA cũng mở ra cơ hội cho Việt Nam trong việc học hỏi, hợp tác và chuyển giao công nghệ.
Chuyển đổi mô hình tăng trưởng dựa trên sáng tạo và đổi mới công nghệ sẽ tạo ra cơ hội cho phát triển, nhưng TS. Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cảnh báo sẽ nảy sinh nhiều thách thức mới. Thứ nhất, chất lượng nguồn nhân lực thấp, chuyển dịch cơ cấu lao động chưa tương ứng với chuyển dịch cơ cấu sản xuất, trong khi không nhiều nguồn nhân lực có trình độ cao để đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng tăng năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh. Thứ hai, khoa học - công nghệ chưa làm tốt vai trò của việc cung cấp sự sẵn có về công nghệ, phát minh, sáng chế trong phát triển các ngành công nghiệp mới phục vụ cho phát triển công nghiệp. Thứ ba, việc thực hiện các chính sách đã ban hành về đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế chưa thu nhiều kết quả. Thứ tư, trình độ công nghệ còn thấp, trong khi đó năng lực đổi mới, sáng tạo còn thấp và yếu. Tỷ lệ ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất và đời sống còn hạn chế.
Đổi mới mô hình phát triển, theo TS. Nguyễn Đình Cung, đòi hỏi phải đổi mới tư duy và sáng tạo, có cam kết mạnh mẽ và chỉ đạo quyết liệt, thống nhất từ trung ương đến địa phương. Nước ta phải có những cải cách mạnh mẽ về thể chế thị trường của nền kinh tế để mở rộng không gian và tạo động lực huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, đồng thời khuyến khích và tạo điều kiện để các tầng lớp nhân dân đều tham gia vào quá trình đổi mới và phát triển đất nước.
Một điểm nữa cũng được TS. Nguyễn Đình Cung mong muốn đẩy mạnh để chuyển đổi thành công mô hình tăng trưởng, đó là nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, đặc biệt là doanh nghiệp. Theo ông, Chính phủ cần có những biện pháp cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp để doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, đồng thời thực hiện hiệu quả quyền sở hữu trí tuệ để bảo vệ những doanh nghiệp, cá nhân có đổi mới, sáng tạo và khuyến khích doanh nghiệp tăng cường nghiên cứu và phát triển (R&D).