Bản tin tổng hợp

Tái cấu trúc mô hình tăng trưởng: Khánh Hòa bước vào kỷ nguyên phát triển mới

KH 25/07/2025 14:00

Tỉnh Khánh Hòa đang triển khai đồng bộ các giải pháp cải cách, đầu tư và quy hoạch nhằm xây dựng nền tảng tăng trưởng bền vững, hiện đại, hướng tới mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030.

Tại Hội thảo “Khánh Hòa - Hiện thực hóa tầm nhìn thành phố trực thuộc Trung ương - Đột phá trong kỷ nguyên mới” ngày 25/7, các nhà lãnh đạo Trung ương, chuyên gia kinh tế và đại diện doanh nghiệp lớn đã cùng thảo luận về tiềm năng, thách thức và giải pháp chiến lược cho Khánh Hòa trong giai đoạn phát triển mới.

Khánh Hòa đổi mới mô hình tăng trưởng, đón cơ hội phát triển vượt bậc- Ảnh 2.
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Quốc Nam phát biểu tại Hội thảo - Ảnh: VGP/HT

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Quốc Nam khẳng định: sau khi sắp xếp lại đơn vị hành chính, không gian phát triển của tỉnh đã được mở rộng, tạo điều kiện hình thành các vùng kinh tế liên kết đa ngành, có tính lan tỏa. Mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương thứ bảy của cả nước đang từng bước được hiện thực hóa.

Trong giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế trên 8% mỗi năm, đưa quy mô nền kinh tế vượt 175.000 tỷ đồng. Ba "điểm nghẽn" được xác định cần tháo gỡ gồm: hạ tầng chiến lược, chất lượng nhân lực và các dự án tồn đọng kéo dài.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hòa Nam nhấn mạnh, tỉnh sẽ rà soát toàn diện các tiêu chí đô thị trung ương đến năm 2030, đồng thời giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt được. Mô hình đô thị thông minh, năng động và giàu bản sắc văn hóa sẽ là trục phát triển chính.

Ông Nghiêm Xuân Thành - Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa khẳng định, Khánh Hòa phát triển dựa trên 4 động lực chính là công nghiệp, năng lượng, du lịch và đô thị. Tỉnh chuyển đổi tư duy quản lý từ hành chính sang phục vụ. Sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp vừa là mục tiêu, vừa là thước đo hiệu quả của toàn bộ hệ thống.

Khánh Hòa xác định cải cách hành chính và chuyển đổi số là động lực trọng yếu trong tiến trình hiện đại hóa quản trị công. Tỉnh đặt mục tiêu lọt nhóm 10 địa phương dẫn đầu cả nước về các chỉ số PCI, PAPI, PAR INDEX và DTI.

Mô hình quản lý chuyển từ hành chính sang phục vụ, với sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm thước đo hiệu quả. Tỉnh đẩy mạnh phân cấp, minh bạch quy trình và áp dụng hệ thống đánh giá cán bộ, công chức theo tiêu chí KPI.

Kinh tế tư nhân được xem là động lực quan trọng. Doanh nghiệp nhỏ và vừa được hỗ trợ tiếp cận vốn, đất đai, nhân lực; các dự án FDI được lựa chọn dựa trên năng lực chuyển giao công nghệ và quản trị hiện đại.

Bên cạnh đó, hệ thống an sinh xã hội được đầu tư đồng bộ, với các thiết chế văn hóa, giáo dục và giao dịch việc làm tại các khu công nghiệp - kinh tế nhằm đảm bảo phát triển hài hòa giữa kinh tế và xã hội.

Khánh Hòa đổi mới mô hình tăng trưởng, đón cơ hội phát triển vượt bậc- Ảnh 1.
Hội thảo có sự tham dự của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng, đại diện Bộ Tài chính, Nội vụ, Tư pháp, Xây dựng cùng các chuyên gia và nhiều doanh nghiệp lớn - Ảnh: VGP/Thu Sa

Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 được xây dựng khoa học và có chiều sâu.

Theo đại diện Bộ Xây dựng, tỉnh được chia thành ba cụm phát triển chính gồm Nha Trang - Phan Rang - Tháp Chàm: Trung tâm hành chính, dịch vụ, khoa học và du lịch.

Cam Lâm - Cam Ranh - Thuận Nam: Trung tâm logistics, công nghiệp sạch và du lịch ven biển.

Khánh Sơn - Bắc Ái: Vùng đệm sinh thái và du lịch cộng đồng.

Hạ tầng giao thông được đầu tư đồng bộ với các dự án chiến lược như: mở rộng cao tốc Bắc - Nam, hình thành trục ven biển Vạn Ninh - Thuận Nam, nâng cấp cảng nước sâu Bắc Vân Phong, cảng tổng hợp Cà Ná và sân bay quốc tế Cam Ranh; đồng thời nghiên cứu đưa sân bay Thành Sơn vào khai thác dân dụng.

Khánh Hòa đi đầu trong ứng dụng công nghệ số vào điều hành đô thị. Các nền tảng như GIS, dữ liệu dùng chung, hệ thống điều hành thông minh và giám sát giao thông đang từng bước hoàn thiện.

PGS.TS Nguyễn Tấn Vinh - Phó Giám đốc Học viện Chính trị Khu vực II nhận định, mô hình “30 ngày không giấy” và tỷ lệ hồ sơ đúng hạn 98 - 99% là minh chứng cho hiệu quả cải cách. Ông đề xuất tỉnh tiếp tục hoàn thiện thể chế đặc thù, phân quyền rõ ràng, và đầu tư mạnh vào nền tảng tích hợp dữ liệu hành chính, đất đai, doanh nghiệp và dân cư.

Đồng thời, cần đẩy mạnh triển khai các kênh phản hồi công dân như GovApp, tổng đài, chatbot và công khai minh bạch ngân sách, đấu thầu, tuyển dụng để xây dựng niềm tin xã hội.

“Khánh Hòa không chỉ đặt mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương về mặt hành chính, mà hướng tới trở thành trung tâm phát triển minh bạch, hiện đại và hiệu quả trong thực tiễn quản trị quốc gia”, PGS.TS Nguyễn Tấn Vinh nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tái cấu trúc mô hình tăng trưởng: Khánh Hòa bước vào kỷ nguyên phát triển mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO