GDP trực diện rủi ro bất định

Nguyễn Hoàng| 26/07/2021 06:00

Đại dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư tại Việt Nam đang làm chậm lại đà phục hồi kinh tế, đặt mục tiêu năm 2021 tăng trưởng 6,5% trước nhiều thách thức.

Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) gần đây, đã hạ dự báo tăng trưởng năm 2021 của Việt Nam xuống còn 5,8% so với mức 6,7% đưa ra trước đó. Theo ADB, việc Việt Nam tiêm vaccine ngừa SARS-CoV-2 chậm và áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội kéo dài ở các khu vực tăng trưởng lớn nhất nước có ảnh hưởng lớn đến thương mại và hạn chế việc sản xuất, kinh doanh trong năm 2021.

Kinh tế 6 tháng đầu năm 2021 của Việt Nam không thuận lợi hơn so với năm 2020. Số liệu Tổng cục Thống kê cho thấy, mức tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm 2021 đã chậm lại, chỉ đạt 5,64%, dù vẫn cao hơn 1,82% của 6 tháng đầu năm 2020 nhưng đã thấp hơn tốc độ tăng 7,05% và 6,77% của cùng kỳ năm 2018 và 2019.

Covid-19 bùng phát làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế đã phần nào khôi phục trong quý I/2021. TS. Lê Duy Bình - Giám đốc Economica Việt Nam, cho rằng, đợt dịch lần này ảnh hưởng trực tiếp đến năng lực sản xuất của Việt Nam bởi nó lan rộng tại nhiều khu công nghiệp và trung tâm kinh tế lớn. Dịch bệnh lan rộng cũng ảnh hưởng tới tốc độ triển khai kế hoạch kinh doanh của hầu hết doanh nghiệp, dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, giải ngân vốn đầu tư công, cũng như sự phục hồi của các ngành thuộc khu vực dịch vụ. Trong khi đó, những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ thời gian qua mang tính ngắn hạn. Hộ kinh doanh cá thể và kinh tế phi chính thức - khu vực chiếm hơn 30% GDP chịu ảnh hưởng rất lớn bởi sự lây lan đại dịch.

kinh-te-vn-8164-1627025433.jpg

Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cũng mới công bố hai kịch bản tăng trưởng GDP năm 2021. Theo đó, kịch bản 1 đưa ra giả định dịch bệnh được kiểm soát vào tháng 10/2021 thì tăng trưởng kinh tế sẽ đạt 5,9%, kịch bản 2, khi dịch Covid-19 được kiểm soát vào tháng 8/2021 thì tăng trưởng GDP sẽ đạt 6,2%.

Nhưng việc hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm 2021 ở mức 6,5% vẫn là thách thức rất lớn. Nền kinh tế trong 6 tháng cuối năm đối mặt với những vấn đề mới và phức tạp, Việt Nam chưa có kinh nghiệm xử lý. Theo ông Nguyễn Anh Dương - Trưởng Ban Nghiên cứu tổng hợp của CIEM, cần tránh tư duy "phòng thủ” để nền kinh tế độc lập và tự chủ, thay vào đó là tư duy theo hướng "chủ động" để chống chịu được với dịch bệnh cũng như các cú sốc bên ngoài.

Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam những tháng cuối năm gắn chặt với ba khó khăn chung của nền kinh tế toàn cầu. Đó là sự khan hiếm nguồn cung tiếp tục gia tăng; một số quốc gia tạm dừng chính sách nới lỏng tiền tệ trong bối cảnh lạm phát tăng lên mức đỉnh trong nhiều năm trở lại đây; logistics không còn đảm bảo như trước đại dịch, giá thuê container rỗng tăng rất cao.

Hiện tại, tăng trưởng kinh tế giữa các quốc gia trong khu vực và trên thế giới diễn ra không đồng đều. Trong khi một số đối tác lớn của Việt Nam như Mỹ hay các nước EU kinh tế triển vọng tăng trưởng tích cực, một số định chế tài chính lớn đã hạ dự báo tăng trưởng ở một số quốc gia khu vực ASEAN. Ngay cả Trung Quốc, quốc gia phục hồi kinh tế mạnh mẽ nhất trong nửa đầu năm 2021 cũng đang có dấu hiệu chững lại. 

Vì thế, việc thực hiện thành công "mục tiêu kép" - phòng chống dịch an toàn và phục hồi, phát triển kinh tế đang đứng trước nhiều khó khăn trong khi nền sản xuất chỉ ổn định được khi có đủ vaccine để khống chế dịch bệnh. Tính đến thời điểm này, số người được tiêm vaccine ngừa SARS-CoV-2 ở Việt Nam vẫn khá thấp, trong khi từ nay đến cuối năm, ít nhất phải đạt được 30% dân số được tiêm chủng, sang năm 2022 tiếp tục để có thể 70 - 80% dân số được tiêm vaccine để tạo ra miễn dịch cộng đồng.

Kinh tế trưởng của ADB - ông Yasuyuki Sawada, cho rằng, ngoài các biện pháp phòng chống dịch, trong đó có tiêm chủng, việc phục hồi các hoạt động kinh tế của Việt Nam nên theo từng giai đoạn, từ thương mại, sản xuất đến du lịch để bảo đảm thành công.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
GDP trực diện rủi ro bất định
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO