Vốn: Cho ai vay - Vay để làm gì?

MINH HẰNG| 18/06/2012 05:19

Tưởng chừng như việc lãi suất huy động và lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại liên tiếp giảm trong ba tháng vừa qua sẽ giúp các doanh nghiệp dễ dàng hơn trong việc tiếp cận vốn vay ngân hàng, nhưng thực tế chưa cho thấy điều đó.

Vốn: Cho ai vay - Vay để làm gì?

Tưởng chừng như việc lãi suất huy động và lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại liên tiếp giảm trong ba tháng vừa qua sẽ giúp các doanh nghiệp dễ dàng hơn trong việc tiếp cận vốn vay ngân hàng, nhưng thực tế chưa cho thấy điều đó.

Đọc E-paper

Tình hình vay vốn của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa - chiếm khoảng 95% tổng số các doanh nghiệp, sử dụng khoảng 50% lực lượng lao động và đóng góp 40% GDP cho nền kinh tế - chưa có gì khả quan hơn thời gian trước.

Số doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc vào nhóm được ưu tiên vay vốn với trần lãi suất thấp theo Thông tư 14 của Ngân hàng Nhà nước. TP. Hồ Chí Minh hiện có khoảng 100 ngàn. 

Sau một tháng triển khai Thông tư 14 (có hiệu lực từ ngày 8-5, quy định về áp trần lãi suất cho vay không quá 3%/năm so với lãi suất huy động cho các doanh nghiệp thuộc bốn nhóm ưu tiên), mới có khoảng 650 doanh nghiệp được vay vốn với lãi suất ưu đãi.

Con số ít ỏi này nói lên nhiều điều.

Nó thể hiện đúng những gì mà các phân tích trước đây đã đề cập, đó là việc tiếp cận vốn từ ngân hàng - với cả ý nghĩa mong muốn và có thể - của doanh nghiệp là rất khó khăn. Vẫn còn đó những rào cản khiến doanh nghiệp chưa dễ tiếp cận với nguồn vốn của ngân hàng.

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tổng dư nợ trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh trong tháng 4 là gần 760.000 tỉ đồng, tăng 0,74% so với tháng 3. Con số này của tháng 5 là 762.200 tỉ đồng, tăng 0,4% so với tháng 4. Tốc độ tăng trưởng tín dụng tháng sau không bằng tháng trước chứng tỏ hoạt động sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn.

Đó cũng là nỗi lo chung của cả nền kinh tế, khi nguy cơ giảm phát đã hiển hiện, tốc độ tăng trưởng những tháng đầu năm không đạt chỉ tiêu, nhiều doanh nghiệp thuộc một số lĩnh vực không tiêu thụ được sản phẩm, hàng tồn kho cao, quy mô sản xuất bị thu hẹp...

Điều này cũng được thể hiện ở một vài thông số khác, chẳng hạn chỉ số PMI (chỉ số quản trị mua hàng) của doanh nghiệp trong tháng 5 cũng giảm so với tháng 4, cho thấy hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp đã không bằng trước.

Chính những khó khăn đó khiến cả hai phía - ngân hàng và doanh nghiệp - đều khá cẩn trọng trong chuyện vay và cho vay. Các doanh nghiệp đang hoạt động tốt sẽ không nghĩ đến vay vốn trong giai đoạn này nếu như không có một phương án kinh doanh thực sự ấn tượng. Còn phía ngân hàng thì càng thận trọng hơn.

Gánh nặng nợ xấu vẫn đè lên bảng cân đối tài sản của các ngân hàng và vì vậy sự an toàn phải được đặt lên hàng đầu. Song song với việc kiểm soát chặt chẽ đối tượng cần vay, ngân hàng thường rút ngắn thời hạn cho vay đối với các doanh nghiệp so với trước nhằm quản trị rủi ro.

Kỳ hạn ngắn được ưu tiên, các khoản vay mới dài hạn không được khuyến khích, trừ những trường hợp đảo nợ. Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh hạ lãi suất nhiều lần, mới nhất lãi suất huy động đã xuống 9%/năm, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Lãi suất giảm sẽ khuyến khích người dân giảm tiết kiệm, tăng tiêu dùng và đầu tư, từ đó lĩnh vực sản xuất có khả năng được phục hồi và tăng trưởng. Tuy nhiên, sức ỳ do quãng thời gian dài khó tiếp cận nguồn vốn vay có thể khiến các doanh nghiệp và ngân hàng cần thêm thời gian để đưa mọi việc vào quỹ đạo bình thường.

Lãi suất dự báo ổn định trong trung hạn hy vọng sẽ dần xóa bỏ được rào cản ngăn cách giữa doanh nghiệp và ngân hàng, để dòng vốn lại lưu thông trong huyết mạch của nền kinh tế.„

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Vốn: Cho ai vay - Vay để làm gì?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO