Sàn chứng khoán cho startup Việt: Còn nhiều trăn trở

B.T| 18/06/2016 05:14

Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực khởi nghiệp, tài chính cho rằng, tính khả thi của ý tưởng lập sàn chứng khoán cho startup Việt còn cần phải xem xét lại.

Sàn chứng khoán cho startup Việt: Còn nhiều trăn trở

Tại hội thảo “Phát triển thị trường vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp” diễn ra vào đầu tháng 6, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, việc triển khai sàn chứng khoán cho startup nên được thực hiện trong 2 – 3 năm nữa.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực khởi nghiệp, tài chính cho biết, tính khả thi của ý tưởng này vẫn còn cần phải xem xét lại.

Chỉ nên thành lập trung tâm giao dịch cho startup?

Chuyên gia tài chính, ngân hàng - TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định, ý tưởng thành lập sàn giao dịch chứng khoán cho startup không khả thi vì khi tham gia vào một sàn chứng khoán, để có thể mời gọi nhà đầu tư góp vốn vào, doanh nghiệp cần phải có báo cáo tài chính hay báo cáo về hoạt động kinh doanh rõ ràng, minh bạch. Trong khi các startup luôn thiếu những thông tin này. Chưa kể sức khỏe tài chính của startup thường yếu, thiếu vốn, bị giới hạn về thông tin sản phẩm.

Startup Trần Hải Quang – nhà sáng lập ứng dụng Clingme cho rằng, sàn chứng khoán là một ý tưởng hay nhưng không giúp được startup vào thời điểm họ cần vốn nhất, đó là khi chỉ mới bắt đầu. “Từ giờ cho đến khi ra đời được một thị trường chứng khoán dành riêng cho startup ít nhất cũng phải mất vài năm nữa, đến khi đó ý tưởng có thể đã “chết” hoặc phải bán đi vì thiếu vốn”, Hải Quang chia sẻ.

Ông Đỗ Hoài Nam - sáng lập viên Up Co-working Space, nhà đầu tư thiên thần cho các dự án khởi nghiệp tại Việt Nam nói: “Việc lên sàn chứng khoán đòi hỏi phải đáp ứng được những quy định về luật pháp để bảo vệ quyền lợi của các nhà đầu tư, việc này gần như nằm ngoài khả năng của các startup. Nếu đáp ứng được, họ đã lên sàn niêm yết chứng khoán chính thức để gọi vốn rồi”.

“Một trong những điều khiến nhà đầu tư quan tâm là khả năng tồn tại của các doanh nghiệp khởi nghiệp, nhưng có đến 80% các doanh nghiệp khởi nghiệp thất bại trong 3 - 5 năm đầu, chỉ một số nhỏ doanh nghiệp sau 3 - 5 năm đạt được điểm hòa vốn mới có thể tồn tại được. Do đó, nhà đầu tư rất ngần ngại tài trợ cho doanh nghiệp khởi nghiệp”, ông Nguyễn Trí Hiếu cho biết.

Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Trí Hiếu, cho đến nay ngoài Hàn Quốc, chưa nước nào có sàn giao dịch chứng khoán cho startup, kể cả các nước phát triển như Mỹ hoặc khu vực châu Âu.

Vì vậy, TS. Nguyễn Trí Hiếu đề xuất Việt Nam chỉ nên thành lập một trung tâm giao dịch cho các startup. Đây là nơi các nhà khởi nghiệp có thể trao đổi với nhau, với các nhà đầu tư và các ngân hàng. Hình thức này sẽ phù hợp hơn so với sàn giao dịch chứng khoán vốn phức tạp và có sự đòi hỏi cao về thông tin doanh nghiệp.

Trước mắt cần tháo gỡ khó khăn cho startup Việt

Ông Lê Thanh Tâm - Giám đốc điều hành Tập đoàn IDG Đông Nam Á cho biết, tại Việt Nam, trên 60% doanh nghiệp khởi nghiệp thất bại, trong đó 70% thất bại ngay năm đầu, còn lại 90% đến năm thứ 2 và thứ 3 gặp khó khăn.

Nhìn nhận về những khó khăn startup Việt phải đối mặt, ông Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, việc bảo vệ ý tưởng đối với startup Việt vô cùng khó khăn, họ chỉ cần tiết lộ ra một ý tưởng nào đó đều có thể bị ăn cắp ngay, vì chưa có những quy định cụ thể để bảo vệ những sản phẩm trí tuệ như vậy. Ngoài ra, các startup vẫn còn gặp nhiều trở ngại vì thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp, các luật lệ chồng chéo.

"Khi số dự án khởi nghiệp chất lượng còn quá ít, thay vì nêu ý tưởng lập sàn chứng khoán, Chính phủ nên tập trung hoàn thiện khung pháp lý để vừa bảo vệ được nhà đầu tư vừa hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp", ông Đỗ Hoài Nam nói.

Theo ThS. Thạch Lê Anh – chủ nhiệm đề án Vietnam Silicon Valley (thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ), startup Việt không chỉ thiếu vốn mồi mà còn thiếu cả các cố vấn. Đồng thời, không phải startup nào cũng hiểu rằng doanh nghiệp khởi nghiệp gọi vốn để tăng trưởng về giá trị doanh nghiệp, khác với doanh nghiệp phát triển là tăng trưởng về doanh số.

TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định, để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, trước tiên cần phải có một hệ thống hành chính thông thoáng hơn, không quá rườm ra, kềnh càng, nhất là không có thông lệ xin - cho.

Còn bà Thạch Lê Anh thì cho rằng, ở Việt Nam, quan điểm thất bại trong kinh doanh vẫn còn rất nặng nề, trong khi ở nước ngoài lại có quan điểm trái ngược, rằng nếu thất bại càng nhanh thì thành công càng đến sớm. Chính sự khác biệt về văn hóa đã tạo ra những tâm lý không tốt. Do đó, cần phải nhìn nhận lại về vấn đề này.

>500 Startups - cơ hội lớn cho nhà khởi nghiệp Việt

>7 lời khuyên dành cho những nhà khởi nghiệp trẻ

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Sàn chứng khoán cho startup Việt: Còn nhiều trăn trở
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO