Đại học khởi nghiệp sẽ là nơi tạo ra những doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
Xây dựng và phát triển một doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) là việc làm vô cùng khó, do đó không thể trao gánh nặng đó cho sinh viên, mà cần có những người chuyên nghiệp với nguồn lực khổng lồ, đó chính là Đại học khởi nghiệp.
Ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư từng nhìn nhận, để khởi nghiệp ĐMST thực sự trở thành động lực thì thanh niên, học sinh, sinh viên có sứ mệnh, trọng trách rất lớn. Ông Dũng cho rằng đây là lực lượng chính khơi dậy tinh thần khởi nghiệp Quốc gia, là lực lượng có nhiệt huyết, có tri thức, khát vọng...
Các startup trẻ thành công đa số là những sinh viên đang ngồi trên giảng đường đại học
Nhiều chuyên gia đã chỉ ra rằng, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là bắt đầu một sự nghiệp bằng tất cả niềm đam mê khao khát và trải nghiệm tột độ cùng với nền công nghệ kỹ thuật cao nhằm tạo ra các mô hình hoặc sản phẩm có tính mới lạ, sáng tạo, đem lại sự tăng trưởng vượt trội và bứt phá trong cạnh tranh.
Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo giúp giải quyết những khoảng trống của thị trường và đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của xã hội hiện đại. Trong nhiều trường hợp, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo không phải chỉ trong lĩnh vực công nghệ thông tin hay công nghệ mới, nhưng doanh nghiệp khi lên kế hoạch thực hiện đòi hỏi phải có sự mới mẻ, bước tiến đột phá trong kỹ thuật công nghệ hay một mô hình kinh doanh mới. Sự khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của một tổ chức hay cá nhân nào đều bắt đầu từ những ý tưởng mới lạ.
Các startup trẻ thành công đa số là những sinh viên đang ngồi trên giảng đường đại học. Từ những kiến thức được học từ trường lớp, cộng với sự đam mê và tiềm tòi, những bạn trẻ này đã tạo nên thành tựu cá nhân đáng nể cho mình. Bên cạnh động cơ từ bản thân, tại các trường hiện tại có nhiều câu lạc bộ, tổ chức tư nhân mở các cuộc thi khuyến khích tài trợ ý tưởng khởi nghiệp.
Đảng và Nhà nước ta cũng đã đề ra nhiều chính sách hỗ trợ sinh viên lập nghiệp. Theo quyết định số 844/QĐ-TTg, ngày 18/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”. Với mục tiêu tạo lập môi trường thuận lợi hết mức có thể để thúc đẩy cũng như tạo ra động lực cho các bạn trẻ. Đồng thời, hỗ trợ tối đa trong quá trình hình thành và phát triển doanh nghiệp trẻ.
Các quốc gia phát triển như Mỹ, Singapore, Israel…, 80% doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo được phát triển từ các trường đại học. Nhưng ở Việt Nam lại xuất hiện nghịch lý khi có tới 90% những doanh nghiệp khởi nghiệp - đổi mới sáng tạo nằm ngoài trường đại học.
Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên (SV-STARTUP) là hoạt động thường niên được Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp tổ chức nhằm chung tay thực hiện Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” ban hành kèm theo Quyết định số 1665/QĐ-TTg ngày 30/10/2017 của Thủ tướng Chính phủ.
Sau 4 lần tổ chức, SV-STARTUP đã thu hút hơn 20.000 người tham dự với hơn 2500 ý tưởng, dự án khởi nghiệp đến từ học sinh, sinh viên (HSSV). Trong đó có 70% các dự án đã có sản phẩm và 30% dự án là ý tưởng hoặc sản phẩm đang ở mức sản xuất thử, hơn 40 hội thảo, tọa đàm, diễn đàn truyền cảm hứng,
Những cuộc thi này chính là cơ hội thực hiện ước mơ kinh doanh của những sinh viên. Vấn đề về vốn và cố vấn trong quá trình thực hiện sẽ được bảo trợ bởi các doanh nghiệp có tiếng. Trong trường hợp này, người khởi nghiệp không cần quá lo lắng những vấn đề phát sinh. Thực trạng khởi nghiệp của sinh viên ngày nay rất khả quan, bởi có nhiều phương thức và nhiều cơ hội.
Vai trò của sinh viên trong quá trình hình thành một doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST
Để có thể đánh giá vai trò của sinh viên trong quá trình hình thành một doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST, trước hết, cần phải hiểu doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST là gì?
Khởi nghiệp ĐMST là quá trình khởi nghiệp dựa trên ý tưởng sáng tạo; tạo ra sản phẩm mới; hoặc sản phẩm cũ nhưng có điểm khác nổi trội hơn hẳn so với sản phẩm, dịch vụ đã từng có trên thị trường và được phát triển nhanh chóng vượt bậc.
Ý tưởng sáng tạo: có thể là mô hình kinh doanh mới; có thể là công nghệ mới; có khả năng tăng trưởng nhanh.
Theo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa 2017 thì Doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo là doanh nghiệp nhỏ và vừa được thành lập để thực hiện ý tưởng trên cơ sở khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới và có khả năng tăng trưởng nhanh.
Quy trình hình thành 1 doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST như sau:
Thứ nhất, hình thành ý tưởng sáng tạo/ Sản xuất ra 1 sản phẩm, dịch vụ áp dụng mô hình kinh doanh mới, công nghệ mới.
Thứ hai, xây dựng sản phẩm mẫu/ Đưa vào sản xuất thử nghiệm, thử nghiệm lâm sàng.
Thứ ba, xây dựng mô hình kinh doanh mới, công nghệ mới hoàn chỉnh.
Thứ tư, xây dựng đề án; kế hoạch kinh doanh khả thi: Bao gồm nghiên cứu thị trường, nhân lực, vốn, kế hoạch marketing… phương thức bán hàng.
Thứ 5, huy động vốn: Hình thành cách thức huy động vốn để thực hiện đề án, kế hoạch kinh doanh.
Thứ 6, thành lập công ty: Công ty TNHH hoặc công ty cổ phần. Theo tôi, tốt nhất là công ty cổ phần.
Từ xem xét quy trình hình thành một doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST và qua thực tiễn chúng ta phải thấy rằng, để khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo; để xây dựng thành công một doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo là việc khó, thậm chí vô cùng khó.
Người sinh viên chỉ tham gia một phần nhỏ trong xây dựng doanh nghiệp, phải với mô hình Đại học khởi nghiệp, với hệ sinh thái mới từ trường Đại học khởi nghiệp (có sự đóng góp trực tiếp tham gia đầu tư của thầy cô trong và ngoài nhà trường; của doanh nghiệp, của Quỹ đầu tư trong và ngoài nhà trường,…) mới có thể tạo nên và phát triển bền vững doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST cả về số lượng lẫn chất lượng phát triển nhanh và bền vững.
Khởi nghiệp: Không thể đặt gánh nặng lên vai sinh viên
Xây dựng và phát triển một doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST là một việc làm vô cùng khó, do đó không thể trao gánh nặng đó cho sinh viên, mà cần có những người chuyên nghiệp với nguồn lực khổng lồ (đó chính là Đại học khởi nghiệp).
Trong hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, trường đại học là một trong những nhân tố vô cùng quan trọng. Ngoài đào tạo con người, vai trò của trường đại học còn được thể hiện ở hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, đồng thời hợp tác với doanh nghiệp để thương mại hóa, ứng dụng kết quả nghiên cứu ra ngoài xã hội.
Chính từ “Đại học khởi nghiệp” sẽ là nơi tạo ra hàng năm số lượng sinh viên (với sự trang bị kỹ lưỡng: Tinh thần khởi nghiệp và kỹ năng khởi nghiệp) khi ra trường sẽ làm thành thạo tại một doanh nghiệp thay vì như trước đến nay, sinh viên ra trường về một công ty, xí nghiệp phải đào tạo lại mất 5 – 10 năm người sinh viên này mới làm phát huy hiệu quả.
Chính từ Đại học khởi nghiệp, hàng năm tạo ra những doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST từ trường – số lượng ngày càng tăng cùng với sự lớn mạnh của nhà trường, đóng góp cho phát triển kinh tế địa phương, cho gia đình mình, cho đất nước.
(*) Chủ tịch Câu lạc bộ Các nhà kinh tế (VEC); UVBCH Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).