Ngành sữa: Rõ tên từng loại sữa

MỸ VĂN| 18/08/2017 03:47

Bộ Y tế vừa ban hành Quy chuẩn Kỹ thuật quốc gia QCVN 5-1:2017/BYT đối với các loại sữa dạng lỏng, áp dụng từ ngày 1/3/2018. Theo đó, ...

Ngành sữa: Rõ tên từng loại sữa

Bộ Y tế vừa ban hành Quy chuẩn Kỹ thuật quốc gia QCVN 5-1:2017/BYT đối với các loại sữa dạng lỏng, áp dụng từ ngày 1/3/2018. Theo đó, qui định rõ hơn nhóm sữa tươi và sữa tiệt trùng. Đồng thời các khái niệm về sữa sẽ được rạch ròi với những tên gọi đúng như bản chất của nó, giúp người tiêu dùng biết được mình mua sữa tươi hay sữa hoàn nguyên, sữa hỗn hợp.  

Đọc E-paper

Minh bạch các loại sữa

Theo QCVN 5-1:2017, có 7 loại sữa là sữa tươi nguyên chất thanh trùng, sữa tươi thanh trùng, sữa tươi nguyên chất tiệt trùng, sữa tươi tiệt trùng, sữa tiệt trùng, sữa cô đặc và sữa cô đặc có bổ sung chất béo thực vật.

Trong số này, khái niệm sữa tiệt trùng vẫn được nhiều người hiểu nhầm là sữa tươi. Thậm chí, sữa tiệt trùng còn được nhà sản xuất lập lờ là tên một loại sữa.

Chính vì thế, để sòng phẳng với người tiêu dùng, khái niệm sữa tiệt trùng được bãi bỏ, thay thế bằng khái niệm sữa hoàn nguyên và sữa hỗn hợp.

Theo đó, theo QCVN 5-1:2017/BYT, loại "sữa tiệt trùng" nay được quy định bằng tên gọi mới: sữa hoàn nguyên thanh trùng, tiệt trùng và sữa hỗn hợp thanh trùng, tiệt trùng. Thông qua đó, người tiêu dùng cần hiểu đúng khái niệm "tiệt trùng", "thanh trùng" chỉ là phương thức khử khuẩn. Dù có là sữa dạng lỏng hay sữa dạng bột đều phải dùng công nghệ này.

Như vậy, theo quy định mới, kể từ tháng 3/2018 trên thị trường chỉ còn những tên gọi về sữa dạng lỏng, bao gồm sữa tươi, sữa hoàn nguyên, sữa hỗn hợp. Sữa tươi được phân thành 4 nhóm: sữa tươi nguyên chất (chế biến hoàn toàn từ sữa tươi nguyên liệu, không bổ sung bất cứ thành phần nào), sữa tươi nguyên chất tách béo (được tách chất béo và không bổ sung hoặc tách bớt bất kỳ thành phần nào), sữa tươi (chế biến chủ yếu từ sữa tươi nguyên liệu, chiếm tối thiểu 90% tính theo khối lượng sản phẩm cuối cùng, và có thể bổ sung các thành phần khác nhưng không nhằm mục đích thay thế thành phần của sữa), sữa tươi tách béo là sữa tươi nhưng đã tách chất béo (sữa tươi nguyên liệu đã tách chất béo chiếm tối thiểu 90% tính theo khối lượng sản phẩm cuối cùng).

Sữa hoàn nguyên thanh trùng, triệt trùng được quy định là sữa dạng lỏng thu được bằng cách bổ sung một lượng nước cần thiết vào sữa bột hoặc sữa cô đặc để tái lập tỷ lệ nước và chất khô thích hợp của sữa hoặc thu được bằng cách kết hợp chất béo sữa và chất khô không béo của sữa, bổ sung nước để thu được thành phần thích hợp của sữa.

Sản phẩm này có thể bổ sung các thành phần khác nhưng không nhằm mục đích thay thế các thành phần của sữa. Thành phần sữa hoàn nguyên cũng phải chiếm tối thiểu 90% tính theo khối lượng sản phẩm cuối cùng.

Còn sữa hỗn hợp thanh trùng, tiệt trùng là sản phẩm được chế biến từ sữa tươi nguyên liệu, các sản phẩm sữa hoặc các thành phần của sữa. Sản phẩm này có thể bổ sung các thành phần khác nhưng không nhằm mục đích thay thế các thành phần của sữa. Thành phần sữa hỗn hợp cũng phải chiếm tối thiểu 90% tính theo khối lượng sản phẩm cuối cùng.

Rạch ròi khái niệm

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, quy chuẩn mới đã nói rõ tên từng loại sữa, không để người tiêu dùng hiểu sai về bản chất, công dụng của hàng hóa. Nhưng cách thực hiện và kiểm soát thế nào để chất lượng sữa không bị thay đổi là rất quan trọng.

Về vấn đề này, có thể phân tích sự bất cập trong khái niệm "sữa tươi tiệt trùng" trong quy chuẩn năm 2017. Nếu theo quy chuẩn năm 2010 về sữa tươi tiệt trùng thì sản phẩm được chế biến chủ yếu từ sữa tươi nguyên liệu, không bổ sung bất kỳ một thành phần nào của sữa, có thể bổ sung đường và các loại nguyên liệu khác, như nước quả, cacao, cà phê, phụ gia thực phẩm thì theo quy chuẩn mới, sữa tươi thanh trùng, tiệt trùng là sản phẩm được chế biến chủ yếu từ sữa tươi nguyên liệu (sữa tươi nguyên liệu chiếm tối hiểu 90% tính theo khối lượng sản phẩm cuối cùng), có thể bổ sung các thành phần khác nhưng không nhằm mục đích thay thế các thành phần của sữa.

Sự bổ sung định tính "chủ yếu" sang định lượng "90%" cho thấy nếu doanh nghiệp nào bị phát hiện sản xuất "sữa tươi thanh trùng, tiệt trùng" mà chứa thấp hơn con số 90%, thậm chí sát nút 89,9% sữa tươi nguyên liệu cũng sai luật. Nhưng căn cứ vào đâu khi sản phẩm chế biến cũng mang định tính "chủ yếu" ghi trên văn bản quy phạm pháp luật, và định lượng bổ sung này hiểu như thế nào, có ghi trên nhãn mác không?

Mặt khác, hiện phần lớn các nước không có sữa hỗn hợp, như vậy khi sữa nhập khẩu vào thị trường Việt Nam không thể hiện rõ bản chất của hàng hóa liệu có hợp với quy chuẩn Việt Nam, có được thông quan?

Một chuyên gia ngành sữa của Việt Nam cho biết, tại các nước có ngành nuôi bò sữa phát triển như Mỹ, Úc, New Zealand hay một số quốc gia châu Âu không có khái niệm sữa hoàn nguyên hay sữa hỗn hợp vì đều sử dụng 100% sữa tươi. Thậm chí, một số nước tiêu thụ sữa lớn như Mỹ cũng không có tên gọi sữa hỗn hợp. Nếu các nước phải nhập khẩu thì chỉ có sữa nước đóng hộp hoặc sữa bột về để hoàn nguyên (pha loãng thành nước, bổ sung thêm các chất để tái tạo chất lượng và hương vị như sữa tươi).

Với hàng loạt khái niệm mới về tên sữa như nêu trong QCVN 5-1:2017 khiến người tiêu dùng gặp khó khăn về tên gọi cũng như cách phân biệt. Có không ít kiến ý lo lắng rằng, một khi doanh nghiệp công bố lại sản phẩm, in ấn, thiết kế, thậm chí thay đổi mẫu mã sản phẩm thì giá thành có bị tăng?

>Dùng sữa cần biết

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ngành sữa: Rõ tên từng loại sữa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO