Nền tảng nào cho tăng trưởng kinh tế dài hạn?

NGUYỄN ANH DƯƠNG - Phó trưởng Ban Chính sách kinh tế vĩ mô - Ciem| 19/12/2016 06:36

Quan trọng hơn việc duy trì tăng trưởng kinh tế 6,3 hay 6,5% là làm thế nào để tạo dựng được nền tảng, giúp tăng trưởng phục hồi vững chắc những năm tới.

Nền tảng nào cho tăng trưởng kinh tế dài hạn?

Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá về tiềm năng và triển vọng tăng trưởng của Việt Nam năm 2016 khoảng 6%. Tính tới thời điểm này, theo tôi đây không phải là dự báo quá tiêu cực. Vì, quan trọng hơn việc duy trì tăng trưởng kinh tế 6,3 hay 6,5% là làm thế nào để tạo dựng được nền tảng, giúp tăng trưởng phục hồi vững chắc những năm tới. 

Đọc E-paper

Nhiều khả năng năm nay nước ta không đạt mức tăng trưởng 6,7%, nhưng nếu tạo được nền tảng tốt để năm 2017 đạt được mức này, để từ năm 2018 trở đi có thể duy trì được đà tăng trưởng, câu chuyện ấy mới có nhiều ý nghĩa về mặt chính sách.

Do đó, dự báo của WB trong bối cảnh hiện nay nên được xem như một yêu cầu để nước ta thúc đẩy tăng trưởng một cách tập trung và bao trùm để nền kinh tế có thể tạo được động lực phát triển bền vững trong thời gian tới. Yêu cầu này rất quan trọng.

Dự thảo Nghị quyết 19 năm 2017 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia được Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương soạn thảo, đang trong quá trình lấy ý kiến để bổ sung, hoàn thiện. Nghị quyết 19 được Chính phủ ban hành hằng năm, từ 2014 tới nay, đã đạt được nhiều kết quả.

Mới đây nhất, trong báo cáo về môi trường kinh doanh năm 2017 của WB, Việt Nam xếp hạng 82 trên tổng số 190 nền kinh tế được đánh giá, với số điểm 63,83 trên thang 100.

Các chính sách kinh tế của Chính phủ, đặc biệt quyết tâm đối với cải cách, đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng suất lao động là quan trọng. Nhưng vấn đề quan trọng hơn là câu chuyện liên quan đến hội nhập.

Bây giờ, đang có nhiều băn khoăn về bối cảnh quốc tế, động lực từ bên ngoài không còn nhiều như trước và sẽ thay đổi nhiều trong thời gian tới, nên động lực trong nước vẫn là yếu tố phải duy trì.

Nhà nước càng phải kiên định mục tiêu cải cách, phải tự thân cải cách môi trường kinh doanh và cần đối thoại với doanh nghiệp nhiều hơn để có những chính sách tập trung và hiệu quả, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đấy là nền tảng để Việt Nam có được tăng trưởng trong dài hạn.

>>Kinh tế Việt Nam: Hệ lụy đa chiều từ vòng xoáy di dân

Tiềm năng tăng trưởng, thay đổi phương thức tăng trưởng của nền kinh tế là câu chuyện không mới. Trước đây, bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế thuận lợi, mức độ cải cách của Việt Nam dù không cố gắng nhiều thì vẫn có giá đỡ là sự phát triển năng động của khu vực và quốc tế. Nhưng hiện nay, sức ép từ bên ngoài rất lớn.

Tình thế hiện nay buộc Nhà nước phải quyết tâm hơn đối với định hướng để đổi mới được mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu được nền kinh tế, bởi chỉ có thay đổi, chỉ có cải cách, nước ta mới có cơ hội để phát triển vượt bậc và trở lại quỹ đạo tăng trưởng nhanh.

Lâu nay, cách điều hành nền kinh tế ở nước ta chưa chú ý đến vấn đề dài hạn và chất lượng tăng trưởng. Điều hành theo cách này khiến nước ta không chú ý nhiều đến cải cách, trong khi chính những cải cách đó về bản chất là tái cơ cấu nền kinh tế, làm cho thị trường được mở rộng hơn, bộ máy hoạt động hiệu quả hơn. Nếu nước ta vẫn tiếp tục chậm thay đổi, chậm cải cách, động lực trong nước cũng sẽ giảm dần và cơ hội tạo đột phá sẽ khó hơn rất nhiều.

Thế nhưng, chọn trong nước là động lực để tăng trưởng kinh tế phải từ 2 chiều.

Một chiều là chính sách. Chính sách hiện nay đã có, nhưng vấn đề là Chính phủ phải nỗ lực, quyết tâm hơn để có những đột phá về thực thi, tạo ra những động lực ban đầu để chính sách đi vào đời sống. Chỉ khi chính sách đi vào thực thi mới có thể tạo dựng được thói quen về thượng tôn pháp luật, thượng tôn chính sách. Và cũng chỉ khi đó, Chính phủ mới thực sự chỉ phải lo kiến tạo và phục vụ.

Chiều còn lại chính là sức ép của doanh nghiệp. Một chính phủ kiến tạo và phục vụ đang được Chính phủ nỗ lực triển khai, nhưng doanh nghiệp cũng phải duy trì tiếng nói của mình.

Thời gian vừa qua có những giai đoạn cộng đồng doanh nghiệp chưa thực sự hài lòng với tốc độ, phạm vi các cải cách, nhưng cần kiên trì hơn trong quá trình đối thoại và kiến nghị chính sách, đặc biệt là phá vỡ những gì liên quan đến thủ tục và rào cản trong môi trường kinh doanh.

Sự kiên trì của doanh nghiệp sẽ tạo thêm được động lực và định hướng để các cơ quan chính sách có thêm thông tin để thay đổi cách làm chính sách và thực thi chính sách. Quan hệ giữa nhà nước và doanh nghiệp trong nền kinh tế hiện đại phải đảm bảo làm đúng vai trò của mình, cùng đối thoại để cùng đi đến phát triển.

>>Sắc màu tương phản ở 2 nền kinh tế lớn nhất châu Á

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nền tảng nào cho tăng trưởng kinh tế dài hạn?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO