TP.HCM: Cứ một doanh nghiệp thành lập mới, một doanh nghiệp "rút lui"
Cục Thống kê TP.HCM cho biết trong quý I/2024, TP.HCM có 16.161 doanh nghiệp tham gia vào thị trường. Nhưng, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường cũng lên đến 16.177 doanh nghiệp, nhiều hơn số doanh nghiệp thành lập mới.
Phần lớn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh trong 3 tháng đầu năm nay có thời gian hoạt động ngắn, dưới 5 năm, tập trung chủ yếu ở quy mô nhỏ (dưới 10 tỷ đồng).
Phân tích cụ thể về tình hình đăng ký doanh nghiệp, Cục thống kê TP.HCM cho biết từ đầu năm đến ngày 20-3, có 11.000 doanh nghiệp tại TP.HCM được cấp phép thành lập với vốn đăng ký đạt 93.837 tỉ đồng, tăng 12,4% về giấy phép và tăng 5,6% về vốn so với cùng kỳ. Cơ cấu cụ thể:
Ông Đậu Anh Tuấn - Phó tổng thư ký, Trưởng Ban pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, qua theo dõi hàng năm, số doanh nghiệp rời bỏ khỏi thị trường trong quý I thường cao hơn các quý còn lại, do là thời điểm kết thúc năm tài chính. Doanh nghiệp xem xét và thấy không còn đủ khả năng tài chính để tiếp tục duy trì hoạt động.
Bà Nguyễn Minh Thảo - Trưởng ban Nghiên cứu Môi trường Kinh doanh và Năng lực cạnh tranh (CIEM) cho rằng, thông thường vào quý I hàng năm, số doanh nghiệp ra nhập thị trường dù thấp hơn các giai đoạn khác song vẫn luôn nhiều hơn số doanh nghiệp rút lui. Vì vậy, hiện tượng doanh nghiệp rút lui cao đột biến, hơn cả doanh nghiệp gia nhập thị trường xu hướng đi ngược so với trước đây. Điều này cho thấy, nhiều doanh nghiệp đang ngày càng trở nên "suy kiệt".
Cũng có đánh giá tương tự, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV, thuộc Hội đồng Tư vấn Cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ), chia sẻ rằng doanh nghiệp kiệt sức là sự thật, đặc biệt sau 2 năm Covid-19 và 2 năm phải đối mặt với những bất ổn của kinh tế vĩ mô toàn cầu.
Theo nhận định ban đầu của các chuyên gia kinh tế, những khó khăn mà doanh nghiệp đang phải đối mặt còn bao gồm sự giảm sút trong tiêu dùng của các nước trên thế giới; Chi phí đầu vào biến động; Các ngành hàng thâm dụng lao động như da giày, dệt may vẫn chưa có đủ đơn hàng trung, dài hạn; Chi phí logistics quá cao bởi biến động Biển Đỏ...
Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) cho hay, một số ngành, doanh nghiệp vẫn trong tình trạng khan hiếm đơn hàng do bị mất thị trường truyền thống và người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu. Ngoài ra, các khó khăn từ thể chế kinh tế còn nhiều rào cản, cải cách thủ tục hành chính chưa đạt kỳ vọng và một số vấn đề pháp lý chưa rõ ràng... là những rào cản đối với cộng đồng doanh nghiệp thời gian qua.