Thời sự

Môi trường kinh doanh thiếu thông thoáng làm giảm đầu tư tư nhân

Khánh Hưng 11/4/2024 6:00

Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê, đầu tư tư nhân quý I/2024 đạt 340.000 tỷ đồng, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2023 (so với mức thông thường là 8-9%). Trong năm 2023, đầu tư tư nhân chỉ tăng 2,7%, là mức thấp nhất trong 10 năm vừa qua, thấp hơn cả trong giai đoạn dịch Covid-19 (3,1%).

Ông Cấn Văn Lực - Kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia chia sẻ.

* Thưa ông, nguyên nhân nào khiến khối kinh tế tư nhân nói chung và doanh nghiệp tư nhân nói riêng không mở rộng đầu tư sản xuất, kinh doanh trong thời gian qua?

- Theo tôi, có nhiều nguyên nhân, nhưng phải kể đến ba nguyên nhân chính: Thứ nhất, do nền kinh tế đang có nhiều khó khăn, nhiều bất định. Từ năm 2020 đến nay, kinh tế thế giới và kinh tế Việt Nam chịu nhiều tác động tiêu cực từ dịch Covid-19, căng thẳng địa - chính trị, lạm phát, dẫn đến lãi suất cao, tỷ giá biến động, chuỗi cung ứng nhiều lần bị tắc nghẽn, tổng cầu thế giới và cầu nội địa giảm, dẫn đến tình trạng thiếu đơn hàng xuất khẩu, trong khi chi phí đầu vào tăng, doanh nghiệp (DN) và hộ kinh doanh thu hẹp hoặc cầm chừng sản xuất, kinh doanh, không mở rộng đầu tư. Thứ hai, do khâu thực thi chính sách và thủ tục hành chính còn chậm trễ, thiếu minh bạch và ổn định. Môi trường đầu tư, kinh doanh dù có phần cải thiện, nhưng không đồng đều giữa các bộ, ngành, địa phương. Công chức có tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm, thực thi công vụ chậm, lòng vòng khiến DN nói chung và DN tư nhân, hộ kinh doanh đã khó khăn lại càng khó thêm và đôi khi suy giảm niềm tin nên trì hoãn kế hoạch đầu tư. Thứ ba, do hạn chế trong chính nội tại của DN và hộ kinh doanh, như hạn chế năng lực và kinh nghiệm để triển khai các dự án lớn, công nghệ sản xuất còn lạc hậu hoặc chỉ tham gia một khâu yếu trong chuỗi giá trị toàn cầu dẫn đến việc hiệu quả hoạt động thấp và sức cạnh tranh kém, đa số chưa có chiến lược kinh doanh bài bản dẫn đến thiếu định hướng đầu tư.

* Một trong những lực cản phát triển đầu tư tư nhân chính là môi trường kinh doanh thiếu thông thoáng. Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh mới đây là một phần trong nỗ lực để khắc phục vấn đề này. Theo ông, TP.HCM phải triển khai thực hiện nghị quyết này như thế nào và cần thêm những giải pháp cụ thể gì?

- TP.HCM là đầu tàu kinh tế, thương mại, đầu tư của cả nước, thường đóng góp khoảng 16-17% GDP cả nước, có sức lan tỏa sâu rộng tới các ngành kinh tế và các địa phương khác trong khu vực. Nghị quyết 02/2024/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh mới đây cũng là một phần trong nỗ lực góp phần giảm bớt “lực cản” trong phát triển đầu tư tư nhân. Từ quý II/2023 đến nay, TP.HCM đã nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, và đã đạt một số kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, TP.HCM cần phát huy tốt hơn những cơ chế, chính sách đặc thù, nhất là từ Nghị quyết 98 của Quốc hội. Thành phố nên tập trung vào ba điểm nghẽn lớn, đó là đi đầu trong cải cách thủ tục hành chính, thực thi công vụ; phát triển cơ sở hạ tầng và liên kết vùng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Đồng thời, TP.HCM cũng nên xem xét phát huy ba yếu tố quan trọng hiện nay mà Thành phố đang có nhiều lợi thế, đó là công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ chất lượng cao hơn cả nước (du lịch, logistics, tài chính - ngân hàng, bất động sản…), phát triển kinh tế tuần hoàn và chuyển đổi năng lượng.

can-van-luc.jpg
Ông Cấn Văn Lực - Kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia

* Rủi ro pháp lý luôn là mối lo của nhiều DN trong quá trình hoạt động. Muốn thu hút đầu tư tư nhân, theo ông, những giải pháp cụ thể trong thời gian tới là gì?

- Theo tôi, cả nước cũng như TP.HCM nên quan tâm một số giải pháp như sau.

Một, hoàn thiện và nâng cao chất lượng thực thi thể chế, hệ thống pháp luật. Theo đó cần nghiêm túc thực hiện Nghị quyết 01 và 02/NQ-CP của Chính phủ, Nghị quyết 98 của Quốc hội. Bên cạnh đó, Chính phủ và các bộ ngành cần sớm ban hành nghị định, thông tư hướng dẫn đảm bảo nhất quán, đồng bộ các luật đã được Quốc hội thông qua nhằm khắc phục chồng chéo, vướng mắc, đảm bảo hiệu lực thực thi. TP.HCM nên sớm ban hành khung pháp lý, gồm cả cơ chế thử nghiệm, nhằm tạo điều kiện phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và chuyển đổi năng lượng.

Hai, cần tăng tính công khai, minh bạch văn bản quy phạm pháp luật trước khi ban hành để lấy ý kiến của người dân, DN và các tổ chức liên quan, ban hành lộ trình sửa đổi, bổ sung pháp luật để DN dự báo được những thay đổi của pháp luật để có kế hoạch điều chỉnh hoạt động phù hợp, áp dụng nguyên tắc ổn định, thống nhất, hạn chế việc sửa đổi, bổ sung pháp luật thường xuyên, đột ngột.

Ba, tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn thực thi pháp luật và thông lệ, cam kết có liên quan, thông qua việc tổ chức hội nghị, tập huấn về pháp luật cho DN, tài liệu hướng dẫn, giải thích pháp luật phải dễ hiểu, dễ áp dụng, thiết lập kênh thông tin trực tuyến để giải đáp thắc mắc của DN về pháp luật.

Bốn, hoàn thiện cơ chế và nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan Nhà nước trong việc quản lý về đầu tư, kinh doanh, tránh tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn.

Năm, phát huy vai trò của cộng đồng DN, hiệp hội ngành nghề. Khuyến khích DN, hiệp hội tham gia xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật để đảm bảo hệ thống pháp luật đáp ứng nhu cầu và lợi ích của DN, tạo lập diễn đàn đối thoại giữa chính quyền và DN, giúp DN trao đổi ý kiến, kiến nghị với chính quyền về các vấn đề liên quan đến môi trường pháp lý. Bản thân DN, doanh nhân cần gắn kết mục tiêu, khát vọng làm giàu chân chính với trách nhiệm xã hội, tuân thủ pháp luật, phát triển văn hóa DN, đạo đức kinh doanh.

* Cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Môi trường kinh doanh thiếu thông thoáng làm giảm đầu tư tư nhân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO