Cơ hội cho ngành gỗ từ CPTPP và VEFTA

Minh Phương| 17/12/2018 08:28

Ông Trần Quốc Khánh - Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, ngành gỗ có khả năng đem lại giá trị kim ngạch cao hơn trong các năm sau do nhiều cơ hội đang được mở ra, nhất là Hiệp định CPTPP và VEFTA.

* Thưa ông, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có đem lại cơ hội lớn nào cho ngành gỗ Việt Nam?

Cơ hội cho ngành gỗ từ CPTPP và VEFTA

Ông Trần Quốc Khánh - Thứ trưởng Bộ Công Thương

- Tháng 9/2018, Mỹ đánh thuế bổ sung 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc với mức thuế 10% và dự kiến sẽ tăng lên 25% nếu hai bên không đạt được thỏa thuận chấm dứt xung đột thương mại. Đáng chú ý nữa là trong gói 200 tỷ USD ấy đã xuất hiện đồ gỗ.

Khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung xảy ra, một số chuyên gia nhận định đây là cơ hội cho ngành xuất khẩu gỗ Việt Nam, bởi đơn hàng có xu hướng dịch chuyển từ Trung Quốc sang. Họ nói không sai, vì trong thương mại quốc tế, chênh lệch thuế 10% là đủ lớn để cân nhắc dịch chuyển đơn hàng.

Nhưng nếu mức thuế dừng ở 10%, việc dịch chuyển đơn hàng và đầu tư chỉ diễn ra ở những mặt hàng có biên lợi nhuận thấp, như các loại ván dán và ván dăm. Nếu mức thuế 25% thì dịch chuyển sẽ xảy ra ở diện rộng hơn, bao gồm các mặt hàng có biên lợi nhuận cao như đồ gỗ gia dụng, đồ gỗ nội thất, và Việt Nam có thể là một đích đến.

Ngày 30/11, tại Hội nghị Thượng đỉnh nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Buenos Aires, Argentina, dù Mỹ và Trung Quốc  thỏa thuận không leo thang thương chiến trong 90 ngày kể từ ngày 1/1/2019, nhưng việc dịch chuyển đơn hàng vẫn có thể diễn ra nhưng quy mô không đủ lớn để có thể gọi là xu hướng và cho đến giờ này, vẫn chưa có gì chắc chắn.

Tôi cho rằng, thỏa thuận Mỹ - Trung "đình chiến" vẫn tồn tại vì suy cho cùng chiến tranh thương mại đều không có lợi cho cả hai bên. Vì vậy quá sớm để coi xung đột Mỹ - Trung là cơ hội lớn cho ngành chế biến gỗ Việt Nam.

* Như vậy là EVFTA và CPTPP sẽ mở ra nhiều lợi thế cho ngành gỗ Việt Nam, phải không, thưa ông?

Link bài viết

- Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ được thực thi vào ngày 14/1/2019, chính thức mở ra những thị trường mới đối với Việt Nam như là Mexico, Canada và Peru. Năm 2017, Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Canada trên 129 triệu USD, 10 tháng đầu năm 2018 đạt 131 triệu USD, và dự kiến cả năm đạt 140 triệu USD giá trị hàng hóa.

CPTPP là cơ hội cho ngành gỗ như ván sàn, gỗ thanh bởi mức thuế 3,5% sẽ được xóa bỏ ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Các sản phẩm như ván dán, ván ghép, khung tranh, khung cửa, nhất là đồ nội thất sẽ có cơ hội bởi mức thuế nhập khẩu từ 6% - 9,5% sẽ được xóa bỏ ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Hàng thủ công mỹ nghệ bằng gỗ cũng sẽ được hưởng lợi khi Canada đồng ý xóa bỏ mức thuế nhập khẩu 7% ngay khi hiệp định có hiệu lực.

Mexico chưa phải là thị trường lớn của đồ gỗ Việt Nam, vì thuế nhập khẩu trên khá cao, từ 10 - 15%. Tuy nhiên, các doanh nghiệp nên chuẩn bị phương án tiếp cận thị trường này. Vì Mexico đã đồng ý xóa bỏ thuế nhập khẩu cho đồ gỗ trong hiệp định CPTPP cho ván dán, ván thanh, gỗ sàn, đồ nội thất và ngoại thất với lộ trình tối đa 10 năm, và cơ hội lớn dần theo thời gian khi thuế giảm dần về 0%.

Với VEFTA (Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU) có khả năng được ký vào giữa năm 2019. Đây là tin vui, bởi EU là thị trường rất quan trọng đối với ngành chế biến gỗ xuất khẩu của Việt Nam. Năm 2017, ngành gỗ Việt Nam xuất khẩu sang EU trị giá 750 triệu USD trong khi thị trường khu vực này khoảng 80 - 90 tỷ USD/năm. Khi VEFTA được thực thi, ván dán, ván dăm với mức thuế 7% sẽ về 0% sau 5 năm. Đối với gỗ thanh, thuế hiện hành là 3 - 4% sẽ về 0%, đồ gỗ dùng cho nhà bếp thuế hiện hành là 2% sẽ được xóa bỏ ngay khi hiệp định có hiệu lực.

* Theo ông thì ngành gỗ Việt Nam cần làm gì để phát triển bền vững?

- Vấn đề quan trọng nhất khi tiếp cận thị trường EU chưa phải là hiệp định VEFTA. Vì người tiêu dùng tại EU hay các thị trường như Hoa Kỳ, Nhật Bản rất quan tâm phát triển rừng. Họ đã đặt ra những yêu cầu rất cao về sử dụng gỗ có nguồn gốc hợp pháp trong ngành chế biến gỗ.

Vì vậy Việt Nam phải thực thi nghiêm túc Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi lâm luật, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) giữa Việt Nam và EU được ký ngày 19/10/2018, sau 6 năm đàm phán. Thực thi hiệp định này là cơ hội to lớn cho ngành gỗ Việt Nam không chỉ là thị trường EU mà cả thị trường Mỹ và Nhật.

Kinh doanh luôn là sự tổng hòa giữa cơ hội và rủi ro. Có những điều tưởng là cơ hội khi xung đột thương mại Mỹ - Trung xảy ra, nhưng đi sâu vào phân tích thì thấy rủi ro rất lớn, hay ít nhất là cơ hội không lớn như đã tưởng. Có những điều tưởng là sức ép lớn như phải tuân thủ VPA/FLEGT, nhưng đó chính là cơ hội. Từ đây có thể suy ra rằng, ngành chế biến gỗ thực sự hiệu quả nếu nói không với gỗ bất hợp pháp và chắc chắn sẽ phát triển mạnh trong giai đoạn dài hạn, không cần quá để ý cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cơ hội cho ngành gỗ từ CPTPP và VEFTA
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO