Cơ chế chưa thông, dòng vốn không dịch chuyển

LINH CHI| 27/01/2015 04:09

Nếu nợ xấu chưa được cải thiện đáng kể thì dòng tín dụng vẫn bị tắc nghẽn, nền kinh tế chưa hấp thụ được vốn dẫn đến tình trạng thừa tiền nhưng thiếu vốn.

Cơ chế chưa thông, dòng vốn không dịch chuyển

Nếu nợ xấu chưa được cải thiện đáng kể thì dòng tín dụng vẫn bị tắc nghẽn, nền kinh tế chưa hấp thụ được vốn dẫn đến tình trạng thừa tiền nhưng thiếu vốn.

Đọc E-paper

Theo TS. Trần Du Lịch, 2015 là năm kết thúc kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng kế hoạch 5 năm 2016-2020, mở ra giai đoạn phát triển ổn định hơn trong điều kiện hội nhập kinh tế toàn diện với khu vực và thế giới.

Kỳ họp thứ 8 Quốc hội Khóa 13 đã ban hành nghị quyết về kinh tế - xã hội, đề ra các chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu cho năm 2015 và nhiệm vụ tiếp tục quá trình tái cơ cấu và chuyển đổi mô hình tăng trưởng...

Tuy nhiên, theo ông Lịch, đây mới chỉ là mục tiêu đặt ra chứ thực tế không có nhiều cơ sở để hoàn thành nhiệm vụ. Bởi hiện nay, doanh nghiệp (DN) đang phải chịu sức ép lớn từ mở cửa thị trường dẫn đến nhiều ngành sản xuất, dịch vụ trong nước sẽ gặp khó khăn khi phải đối mặt với nhiều tập đoàn đa quốc gia lớn mạnh về tiềm lực tài chính và kinh nghiệm.

Tự do hóa thương mại có thể dẫn đến phá sản và tình trạng thất nghiệp sẽ xảy ra ở những DN có năng lực cạnh tranh yếu. Điều đáng nói, ngoài những chỉ tiêu không thật về tăng trưởng kinh tế, kiềm chế lạm phát, còn nhiều chính sách cản trở hoạt động DN đã ăn sâu vào từng ngành nghề, lĩnh vực kinh tế.

Ông Lịch cũng thừa nhận, do lạm phát kỳ vọng cả năm là 6,5 - 7% nên việc kéo giảm lãi suất tiết kiệm tiền gửi bị hạn chế và lãi suất cho vay dù đã kéo giảm nhiều lần nhưng vẫn còn khá cao, đặc biệt là lãi suất trung dài hạn nên không kích thích được DN mở rộng đầu tư và vẫn là nguy cơ làm tăng nợ xấu đối với những DN đang nỗ lực phục hồi sản xuất.

Cùng quan điểm, TS. Võ Trí Thành cho rằng, rủi ro còn nhiều và cải cách vô cùng vất vả. Chẳng hạn, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hạ dự báo kinh tế thế giới chỉ đạt 3,3%. Trong bức tranh này, có những đối tác mà Việt Nam đang và sẽ làm ăn, qua đó ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường Việt Nam.

Quan trọng hơn là rủi ro tài chính rất hiện hữu. Theo ông Thành, muốn đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu, các giải pháp xử lý phải đồng bộ. Ngoài cố gắng của tổ chức tín dụng trong việc tăng cường trích lập dự phòng rủi ro, thận trọng, hạn chế để nợ xấu mới phát sinh thì vai trò của Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) phải được nâng cao hơn nữa.

Tổ chức này phải có những đệ trình sửa đổi các văn bản không hợp lý lên Chính phủ mới mong áp dụng vào thị trường ngay. "Nợ xấu là vấn đề chung của nền kinh tế, nên các bộ, ban, ngành có chức năng cũng phải tham gia thì mới giải quyết được", ông Thành chia sẻ.

Ở khía cạnh khác, TS. Lê Xuân Nghĩa đánh giá lạm phát không phải là lo ngại trong năm 2015, mà lãi suất mới là vấn đề đáng lưu tâm. Lãi suất phụ thuộc vào giá dầu và cung tiền của Ngân hàng Nhà nước. Thực tế, trái phiếu chính phủ tác động không nhỏ đến lãi suất.

Và đường cong lãi suất biến động tăng dần phù hợp với cấu trúc dài hạn và rủi ro. Dự báo cuối 2015 sẽ hình thành mặt bằng lãi suất mới nếu trái phiếu cung nhiều, cao hơn đường cong lãi suất hiện tại. "Nếu để lạm phát 5% thì sẽ hình thành mặt bằng lãi suất mới như cuối 2013, điều này đi ngược với tiến trình kinh tế”, ông Nghĩa lo lắng.

Chưa kể, năm 2015, hiệu lực của Nghị định 780 sẽ hết nên áp lực xử lý nợ xấu cao hơn. Như vậy, tiến độ xử lý nợ xấu nhanh hay chậm sẽ tác động đến tiến trình phục hồi và tái cấu trúc nền kinh tế.

Quyền lực về mặt pháp lý của VAMC vì đụng chạm đến 11 bộ luật, 5 nghị định và 4 thông tư nên vẫn chỉ là một "cây đũa thần" vô hiệu. Rõ ràng, cải cách thể chế kinh tế là tiền đề của tất cả. Nói như các chuyên gia "tái cấu trúc chỉ dựa trên nền tảng hiện hành thì không thể thành công".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cơ chế chưa thông, dòng vốn không dịch chuyển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO