Cần tập trung vào quá trình cải cách nền kinh tế

NGUYỄN HOÀNG| 16/10/2018 03:38

Ông Nguyễn Minh Cường - Kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cho rằng Việt Nam cần tiếp tục cải cách nền kinh tế, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu để đón dòng vốn mới và nâng cao năng lực cạnh tranh.

Cần tập trung vào quá trình cải cách nền kinh tế

* Theo quan sát của ông, dòng vốn đầu tư đang dịch chuyển như thế nào kể từ khi xảy ra chiến tranh thương mại Mỹ - Trung?

- Còn sớm để đánh giá về sự dịch chuyển các dòng vốn. Tôi nghĩ, có những cơ hội cũng như thách thức không chỉ dòng vốn và thương mại, như nhà đầu tư Trung Quốc hoặc nhà đầu tư một số nước dịch chuyển sang Việt Nam, hay cơ hội đối với Việt Nam khi xuất khẩu sang thị trường Mỹ, tuy nhiên, những cơ hội này cũng gắn với không ít thách thức khi các nhà đầu tư cân nhắc chiến lược đầu tư trong bối cảnh thương chiến leo thang.

Có thể đến cuối năm mới thấy được cơ hội rõ ràng về sự dịch chuyển của luồng vốn đầu tư. Nhưng tôi nghĩ, ngay cả khi luồng vốn không dịch chuyển, Việt Nam vẫn là thị trường tương đối hấp dẫn bởi kinh tế phát triển ổn định.

* Đã có không ít nhận định về cơ hội cho dòng vốn mới vào Việt Nam nếu cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung leo thang, còn ý kiến của ông?

- Chúng tôi chưa có báo cáo chi tiết về tác động của chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, nên chưa biết được những mặt hàng cụ thể nào của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến này. Tuy nhiên, căng thẳng Mỹ - Trung sẽ có tác động hai mặt đến Việt Nam. Mặt tích cực là một số mặt hàng của Việt Nam có cơ hội thâm nhập vào thị trường Trung Quốc.

Cạnh đó, một số nhà đầu tư tại Trung Quốc có thể dịch chuyển cơ sở sản xuất sang Việt Nam để tiếp tục kinh doanh. Nhưng mặt khác, khi căng thẳng Trung - Mỹ leo thang, có thể ảnh hưởng đến tổng cầu thương mại thế giới và Việt Nam cũng sẽ chịu ảnh hưởng, đặc biệt là về xuất khẩu, do có độ mở thương mại rất lớn.

Một thách thức nữa cũng có thể đến với Việt Nam khi sự cạnh tranh tăng lên, không chỉ Mỹ hay Trung Quốc, các nước khác cũng sẽ tìm thị trường thay thế và Việt Nam sẽ phải tăng cường cạnh tranh với các nước đó. Nếu Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ thì có thể đồng tiền của Việt Nam bị mất giá một phần.

* Theo ông, Việt Nam cần làm gì khi triển vọng dòng vốn còn chưa rõ ràng?

- Những nhận định hiện nay mới chỉ mang tính dự báo. Việt Nam là một trong những quốc gia tại Đông Nam Á không phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường xuất khẩu, có thể chuyển sang các thị trường khác nếu một thị trường gặp vấn đề. Thế nhưng Việt Nam cũng cần tiếp tục đa dạng hóa thị trường ngoài Mỹ, Nhật, EU và ASEAN. Những FTA đã ký và đang đàm phán sẽ tạo điều kiện cho Việt Nam đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.

Căng thẳng Mỹ - Trung chưa có dấu hiệu giảm nhiệt. Để có những đối sách chính xác, không nóng vội nhưng cũng không chậm trễ, Việt Nam cần theo dõi sát và phải có những nghiên cứu mang tính định lượng để từ đó đưa ra những chính sách phù hợp.

Điểm mấu chốt là Việt Nam nên tập trung vào quá trình cải cách nền kinh tế. Cụ thể, tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, đó là vấn đề rất quan trọng giúp tăng cường tính cạnh tranh, dù có chiến tranh thương mại hay không. Chẳng hạn, Việt Nam cần phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt là cơ sở hạ tầng về logistics để tăng cường tính cạnh tranh.

Hơn nữa, Việt Nam phải tận dụng nguồn vốn vay ưu đãi cuối cùng của ADB trước khi phải tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất kém ưu đãi hơn từ tổ chức quốc tế này kể từ ngày 1/1/2019. Do đó, ngay từ bây giờ Việt Nam nên tập trung giải ngân nguồn vốn ưu đãi của năm 2018, hiện đã lên tới 4 tỷ USD.

Thực ra, 4 tỷ USD chưa được giải ngân nếu so sánh với tổng đầu tư không phải là con số lớn, nhưng so sánh với vốn ODA, đặc biệt là ODA dành cho những cơ sở hạ tầng quan trọng, nó lại là con số lớn. Chúng tôi đang nỗ lực thúc đẩy các bên liên quan thúc đẩy quá trình phê duyệt giải ngân nhanh hơn. Nếu lượng vốn này được giải ngân đúng tiến độ, Việt Nam có thể xây dựng những cơ sở hạ tầng cần thiết để nâng cao khả năng cạnh tranh cho nền kinh tế.

* Cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cần tập trung vào quá trình cải cách nền kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO