Brexit và 3 "hiệu ứng" đến doanh nghiệp Việt Nam

THANH TRÚC| 27/06/2016 01:27

Brexit có thể mất khoảng 2 năm, nhưng thị trường sẽ không chờ. Những ảnh hưởng ngay lập tức đối với thị trường toàn cầu (bao gồm cả Việt Nam) có thể thấy rõ ở các thị trường chứng khoán, vàng và tiền tệ.

Brexit và 3

Các dữ liệu thống kê về thương mại, đầu tư giữa Anh và Việt Nam được truyền đi trên các phương tiện thông tin đại chúng rằng chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong cơ cấu kinh tế Việt Nam có thể khiến các nhà kinh doanh thở phào. Nhưng nếu phân tích theo hiệu ứng domino, việc Anh rời EU (Brexit) có thể khiến kinh tế Việt Nam cũng như các nhà kinh doanh phải mang thêm một gánh nặng, trong khi vẫn đang phải đối phó với những khó khăn hiện hữu.

Quá trình Anh rời khỏi EU có thể mất khoảng 2 năm, nhưng thị trường sẽ không chờ. Những ảnh hưởng ngay lập tức đối với thị trường toàn cầu (bao gồm cả Việt Nam) có thể thấy rõ ở các thị trường chứng khoán, vàng và tiền tệ.

Chứng khoán Việt Nam chìm trong sắc đỏ ngày thứ sáu tuần trước. Và trong phần lớn thời gian giao dịch ngày thứ hai đầu tuần, chứng khoán Việt Nam tiếp tục đỏ. Cuối phiên, tuy VN-Index trở lại sắc xanh (VN-Index đạt 621,27 điểm , tăng 0,08%), nhưng theo nhận định của nhiều công ty chứng khoán, chứng khoán Việt Nam sẽ tiếp tục có những diễn biến khó lường trong những ngày tới.

Đầu tuần, giá vàng đã tăng hơn 300 ngàn đồng/lượng so cuối tuần trước và tăng hơn 1 triệu đồng/ lượng so đầu tuần trước.

Về tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố tỷ giá trung tâm áp dụng cho ngày 27/6 là 21.866 đồng/USD, tăng 21 đồng so với cuối tuần trước. Cùng ngày, Vietcombank cũng nâng tỷ giá lên 22.300 - 22.370 đồng/USD, tăng 5 đồng so cuối tuần trước.

Tuy nhiên, những tác động tức thời đến từ yếu tố tâm lý của các đối tượng tham gia thị trường là không đáng ngại bằng những ảnh hưởng lâu dài đến kinh tế Việt Nam do hiệu ứng domino.

Thứ nhất, về nỗi lo nhập siêu. Nhập siêu của Việt Nam chủ yếu đến từ Trung Quốc, và lâu nay, Việt Nam rất khó khăn để giảm nhập siêu từ thị trường này. Theo Tổng cục Hải quan, đến hết tháng 5, cả nước nhập khẩu 19 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc trong khi chỉ xuất khẩu được gần 7,5 tỷ USD sang Trung Quốc, tức nhập siêu 11,5 tỷ USD. Trung Quốc hiện đang áp dụng chính sách đồng nhân dân tệ yếu để hỗ trợ xuất khẩu khi kinh tế gặp khó khăn.

Khi Anh rời EU, đồng euro và đồng bảng Anh đều yếu đi sẽ khiến hàng hóa của Trung Quốc khó khăn trong xuất khẩu vào thị trường này và không loại trừ chuyện Trung Quốc tiếp tục phá giá đồng nhân dân tệ để hỗ trợ xuất khẩu. Và khi đồng nhân dân tệ mất giá, hàng hóa Trung Quốc càng có thêm lợi thế để tràn sang Việt Nam. Việc giải bài toán nhập siêu của Việt Nam càng trở nên nan giải.

Thứ hai, áp lực tỷ giá. Còn nhớ, hồi tháng tám năm ngoái, việc Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ đã khiến Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phải “linh hoạt” điều chỉnh tỷ giá. Việt Nam hiện có điều kiện để giữ tỷ giá ổn định, khi 5 tháng đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đã mua vào khoảng 8 tỷ USD. Tuy nhiên, nếu Trung Quốc phá giá đồng nội tệ, đồng tiền Việt Nam sẽ chịu áp lực rất lớn. Mặt khác, tỷ giá đồng Việt Nam cũng sẽ chịu áp lực nếu ngân hàng trung ương các nước điều chỉnh hay can thiệp để bảo vệ thị trường nước họ.

Trước những biến động có thể có của các đồng tiền, giới đầu tư quốc tế sẽ tiếp tục cẩn trọng. Họ sẽ có xu hướng chuyển dòng vốn từ các tài sản rủi ro cao như cổ phiếu sang các tài sản rủi ro thấp hơn như vàng, trái phiếu hay đồng yen. Tính từ đầu năm đến nay, dòng vốn đổ vào các quỹ đầu tư trái phiếu trên toàn cầu là 76 tỷ USD trong khi đó rút ra khỏi các quỹ đầu tư cổ phiếu là 114 tỷ USD. Như vậy, dòng vốn đầu tư gián tiếp có thể rút ra hoặc giảm vào thị trường chứng khoán Việt Nam và trong một chừng mực nhất định, chuyện này cũng tạo áp lực lên tỷ giá.

Ổn định tỷ giá luôn là mong mỏi của các nhà điều hành kinh tế, bởi khi đồng tiền quốc gia mất giá sẽ ngay lập tức ảnh hưởng đến giá cả hàng hóa và lạm phát. Nỗi lo này càng lớn khi mà chỉ số giá tiêu dùng đã tăng 9 tháng liên tiếp. Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2016 tăng 0,46% so với tháng trước và tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, CPI của tháng 6/2016 so với tháng trước là cao nhất trong vòng 5 năm qua.

Cuối cùng, áp lực lên lãi suất. Tỷ giá, lạm phát, trong kịch bản xấu, nhất định sẽ ảnh hưởng đến mặt bằng lãi suất, mà doanh nghiệp là đối tượng phải gánh. Hiện, ở nhóm ngân hàng thương mại Nhà nước nắm cổ phần chi phối (chiếm thị phần cho vay lớn), lãi suất cho vay đối với sản xuất kinh doanh thông thường ngắn hạn vẫn ở mức 6,8 - 8,5%/năm, trung và dài hạn ở mức 9,3 - 10,3%.

Mặc dù NHNN đã có nhiều nỗ lực thúc đẩy việc giảm lãi suất để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, mức lãi suất hiện tại vẫn bị nhiều doanh nghiệp cho là quá cao vượt sức chịu đựng của doanh nghiệp, và là mức lãi suất kém cạnh tranh so các nước trong khu vực. Nếu đồng tiền mất giá, lạm phát tăng, thì hy vọng giảm lãi suất của doanh nghiệp xem ra là xa vời. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Brexit và 3 "hiệu ứng" đến doanh nghiệp Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO