Truyền hình thực tế gợi hoài niệm: Món ngon đậm vị truyền thống

Minh Nguyễn| 22/05/2019 06:30

Những chương trình truyền hình gợi nhắc ký ức, hoài niệm với lối khai thác nhẹ nhàng, chỉn chu, dẫn dắt duyên dáng đang trở thành món ăn được công chúng yêu thích trên màn ảnh nhỏ.

Truyền hình thực tế gợi hoài niệm: Món ngon đậm vị truyền thống

Những luồng gió mát lành

Khi các chương trình truyền hình thực tế format nước ngoài như Ơn giời, cậu đây rồi, Nhanh như chớp, Giọng hát Việt… đang dần mất đi sức hút, các chương trình khai thác đời tư nghệ sĩ quá đà, lạm dụng chiêu trò để câu rating thì khán giả xem truyền hình chứng kiến sự ra đời của những chương trình khơi ký ức, gợi hoài niệm.

Một Hà Nội vừa đẹp vừa thơ ở giai đoạn thời mở cửa, các chị đang ngồi rửa lá dong trong chậu men sắt được tái hiện gần như nguyên bản trong chương trình Quán thanh xuân (phát sóng lúc 20 giờ Chủ nhật trên VTV1). Được tổ chức theo từng chủ đề rất thơ như: Mùa chim làm tổ, Nhà chật, Ngày mai anh lên đường… xen lẫn những câu chuyện là các cá khúc một thời, Quán thanh xuân khiến khách mời và cả người xem thế hệ 5X, 6X, 7X ngùi ngùi xúc động, nhớ về một thời đã qua. 13 số của chương trình Ký ức vui vẻ mùa đầu tiên (phát sóng thứ Sáu hằng tuần trên VTV3) cũng tái hiện trọn vẹn những hình ảnh, kỷ vật, những câu chuyện thời bao cấp nhiều thiếu thốn, đầy ắp kỷ niệm. Từ tem phiếu để xếp hàng mua thực phẩm, chất đốt, chiếc gạc-măng-giê thần kỳ… cho đến đám cưới đơn sơ đầm ấm chỉ đãi tiệc ngọt, cô dâu cầm hoa huệ, kiểu tóc uốn xoăn tít, quà cưới là những vật dụng gia đình như xoong, nồi, phích nước, mùng tuyn… Những cụm từ của giai đoạn này đã đi vào đời sống, tồn tại đến ngày nay như: “mất sổ gạo”, “cơm canh cháo phở”, “tâm sự loài chim biển”…

Bên cạnh những chương trình hồi tưởng, chia sẻ từ phần lớn là các văn nghệ sĩ thì cũng có chương trình trải rộng đến nhiều đối tượng là các cán bộ lão thành cách mạng, doanh nhân, vận động viên hay những người dân hết sức bình thường như: Miền ký ức (phát sóng sáng Chủ nhật, tuần thứ hai mỗi tháng trên HTV7).

Người lớn tuổi xem chương trình rưng rưng xúc động, quá khứ khó khăn vừa muốn quên vừa không thể không nhớ ùa về; người trẻ thì mắt thấy tai nghe về một thời của ông bà, cha mẹ mà có lẽ chúng chỉ loáng thoáng nghe kể, chẳng thể hình dung. Tình người được lồng ghép qua những mảnh đời tự kể trong thời khốn khó gắn kết với những bài hát được chọn lọc của chương trình khiến cả khách mời và người xem thêm yêu đời sống và tin vào những giá trị tốt đẹp, buộc người ta sống chậm lại, tin và yêu nhiều hơn là nghi ngờ, phán xét.

Một điểm thiện cảm khác của những chương trình này là đa số người tham gia, từ khách mời đến khán giả đều chọn mặc áo dài - điều gần như hiếm thấy với những chương trình truyền hình giải trí. Nhẹ nhàng, thanh lịch như hơi thở hàng ngày, thay vì quy định, hô hào, sáo rỗng, tạo nên ấn tượng đẹp trong lòng người rồi tạo thành dòng xuyên suốt.

Sự tử tế của người làm chương trình

Với mục đích khơi lại những hoài niệm đẹp, hướng khán giả về nguồn, nâng niu những giá trị truyền thống giữa nhịp sống hiện đại, cách thực hiện và đầu tư các chương trình cho thấy sự hết lòng và bề dày kiến thức của ekip thực hiện. Thay vì dàn dựng minh họa, sơ sài, thiếu chiều sâu, ekip Quán thanh xuânKý ức vui vẻ cất công đi tìm lại những đồ vật từng là cả một gia tài ngày xưa bày trì trên sân khấu như: bàn ủi con gà, máy cassette, xe mobylette; những tấm ảnh nhuốm màu thời gian về cuộc sống thời bao cấp. Họ còn cất công đi tìm và mời những nhân vật tưởng chừng đã bị thời gian và nhịp sống hiện đại lãng quên như: chị Nguyễn Thị Bé - diễn viên phim Đời cát, Phùng Ngọc trong Đất phương Nam, danh thủ Hồng Sơn.

Bên cạnh đó, sự trở lại của những người dẫn chương trình được yêu thích một thời như: Lại Văn Sâm, Phước Lập, Diễm Quỳnh - Anh Tuấn cũng tạo nên nét duyên dáng và sức hấp dẫn cho chương trình. Chính những cái tên này đã tạo dựng uy tín với dàn khách mời và khán giả. Ở đó, khán giả có thể nghe được những câu chuyện ít người biết của những người nổi tiếng, do chính người trong cuộc tự kể mà chuyện nào cũng thân thương, gần gũi và cay khóe mắt. Chẳng hạn chuyện G.S.-T.S. Nguyễn Lân Dũng mặc quần áo lấm bùn trong ngày cưới, vì ngày cưới của ông đúng thời điểm Hà Nội lụt nặng; nhà văn Chu Lai từng bán xe để có tiền mua tủ lạnh đựng đồ ăn cho con; NSND Hồng Vân và nghệ sĩ Hồng Đào từng trang điểm, làm tóc cô dâu để trang trải cuộc sống, giữ lửa nghề…

Dưới tài dẫn dắt của các MC, chương trình dẫu có khai thác sự riêng tư vẫn không câu nước mắt, gợi thương hại, khiến người xem thấy khó chịu. Trái lại, chương trình đầy tiếng cười mà vẫn tạo đồng cảm, giúp người xem nâng niu và tự hào về “một thời đạn bom, một thời hòa bình”. Tỉ suất lượt xem lại trên kênh Youtube của chương trình Quán thanh xuân dao động trên 35 nghìn đến hơn 110 nghìn lượt, con số này với Ký ức vui vẻ là từ 2 triệu đến 3 triệu lượt!

Khi gameshow truyền hình ngày càng bão hòa do thiếu bản sắc, buộc phải tạo chiêu trò để gây chú ý thì sự ra đời của những chương trình gợi hoài niệm thật sự là tín hiệu đáng mừng. Nó không chỉ “bổ sung” kiến thức về một thời xưa cũ cho người trẻ qua những màn tái hiện sinh động mà còn kéo gần hơn khoảng cách giữa các thế hệ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Truyền hình thực tế gợi hoài niệm: Món ngon đậm vị truyền thống
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO