Truyền hình thực tế bùng nổ, cho thấy đây là thể loại rất được ưa chuộng. Tuy nhiên truyền hình thực tế cần chú trọng tạo được nhiều giá trị hơn cho xã hội, thay vì chỉ giải trí đơn thuần.
Gần đây, sự xuất hiện của nhiều chương trình được mua bản quyền từ nước ngoài khiến cho thị trường truyền hình thực tế rất sôi động. Ở thời điểm này, bên cạnh 2 ngày 1 đêm mùa 3, đang có loạt “tân binh” như Siêu sao siêu sales - kết hợp giữa giải trí và giao thương trên thương mại điện tử cho cộng đồng; Anh trai say hi, Anh trai vượt ngàn chông gai về ca hát, nhảy múa; Đảo thiên đường - chương trình hẹn hò có người chơi đa quốc tịch - chiếm sóng “giờ vàng” trên Đài VTV, HTV. Sắp tới là Nữ hoàng vũ đạo đường phố, Rap Việt mùa 4, Cầu thủ nhí 2024, Chị đẹp đạp gió rẽ sóng, Đệ nhất mưu sinh mùa 2, Ca sĩ mặt nạ mùa 3... sẽ lần lượt trở lại. Đây là những chương trình truyền hình thực tế có sự đầu tư “khủng” về quy mô lẫn nội dung và hình thức đã, đang và sẽ gây “cơn sốt” khán giả trên nhiều nền tảng khi phát sóng.
Khác với trước đây, hiện khán giả không chỉ xem những chương trình giải trí như truyền hình thực tế phát sóng trên tivi (truyền hình truyền thống), mà còn xem qua internet (trên nền tảng YouTube, TikTok, mạng xã hội), các kênh kỹ thuật số, các ứng dụng OTT (truyền hình trực tuyến). Đặc biệt số người có thói quen xem các chương trình giải trí bằng điện thoại thông minh, Ipad, laptop… ngày càng lớn. Theo đó, thành công của một chương trình truyền hình thực tế không chỉ ở chỉ số rating (đo lượng người xem qua truyền hình truyền thống) mà còn bao gồm độ nhận biết, bàn luận, tương tác trên mọi nền tảng (biểu đồ so sánh các chủ đề hot nhất trên mạng xã hội của SocialTrend, tab Thịnh hành của YouTube, TikTok, bài viết, bình luận, chia sẻ, lượt xem...Như Chị đẹp đạp gió rẽ sóng, Ca sĩ mặt nạ, Đệ nhất mưu sinh, Running man Việt Nam, Rap Việt… đều thu về hơn chục triệu lượt xem, hàng trăm ngàn bình luận... cho mỗi tập. Hiện Anh trai vượt ngàn chông gai và Anh trai say hi đang có lượt xem và thảo luận ở mức “đốt cháy” mạng xã hội với con số lên tới nhiều triệu.
Vài minh chứng cho thấy hiệu ứng đáng kể từ truyền hình thực tế đối với khán giả, nhất là giới trẻ hiện nay. Tất nhiên, để thu hút được khán giả, những chương trình truyền hình thực tế triệu lượt xem kể trên phải đáp ứng được nhu cầu giải trí nào đó, như ca hát hay, điểm đến du lịch thú vị, ẩm thực hấp dẫn, hẹn hò vui nhộn… Nghĩa là ngoài yếu tố giải trí cao, chương trình phải có nội dung mới lạ, đặc sắc, riêng biệt và mang đến cảm xúc chân thật (đúng chất thực tế) cho khán giả. Những chiêu trò giả tạo, yếu tố phản cảm gây tranh cãi gay gắt không còn ứng nghiệm, khi khán giả phát hiện ra sẽ nhanh chóng “bóc phốt” hay kêu gọi tẩy chay chương trình trên mạng xã hội.
Dễ dàng nhận thấy, hầu hết chương trình truyền hình thực tế “ăn khách” ở Việt Nam gần đây có nguồn gốc từ nước ngoài. Mua bản quyền có nhiều lợi thế khi kịch bản, khung nội dung đã thành công từ bản gốc, cộng với tiếng tăm và nguồn khán giả theo dõi bản gốc, cũng như kinh nghiệm sản xuất được chuyển giao. Thông thường, khi được sản xuất ở nước thứ hai, thứ ba... bản gốc sẽ được bản địa hóa và làm mới trở thành phiên bản có bản sắc riêng, mang đến sức sống và sự hấp dẫn trước khán giả nội địa. Trong thời đại toàn cầu hóa, chắc chắn có một lượng nhất định khán giả nội địa từng xem bản gốc qua các nền tảng phát sóng quốc tế. Do vậy, để tiếp cận khán giả Việt, các đơn vị sản xuất truyền hình thực tế mua bản quyền cũng thêm thắt những yếu tố bản địa liên quan đến con người, văn hóa, lịch sử và địa lý đặc trưng.
2 ngày 1 đêm được mua bản quyền từ 2 days 1 night rất nổi tiếng của Hàn Quốc, có nội dung về du lịch, trải nghiệm, giới thiệu văn hóa và cảnh đẹp của đất nước. Cách lồng ghép những câu chuyện về thiên nhiên, giá trị văn hóa và lịch sử 2 ngày 1 đêm đã truyền tải nhiều hơn những thông điệp ý nghĩa, thay vì chỉ là một chương trình truyền hình thực tế mang tính giải trí thuần túy.
Được “Việt hóa” từ bản quyền toàn cầu của Canada, Đệ nhất mưu sinh (phát sóng cuối năm 2023) là chương trình truyền hình thực tế dã ngoại mới lạ, khi các nghệ sĩ đến với những vùng đất mới, khám phá nét đặc sắc của văn hóa - du lịch - ẩm thực ở từng địa phương và thử thách kiếm sống, làm từ thiện. Như khi đến Tây Ninh, các nghệ sĩ đã tìm hiểu và tham gia một số công đoạn của những nghề thủ công như làm muối ớt, bánh tráng phơi sương, làm nhang, các sản phẩm mây tre lá, bột khoai, hái sen…
Ở thời điểm này, ngoài nội dung giải trí, chương trình truyền hình thực tế Đảo thiên đường (phát sóng ở Việt Nam và Hàn Quốc) còn hướng đến quảng bá hình ảnh du lịch của đảo ngọc Phú Quốc, cũng như vẻ đẹp tâm hồn người trẻ Việt Nam, Hàn Quốc - “dám yêu, dám thử thách” đến với quốc tế. Siêu sao siêu sales sẽ có chương trình livestream vì cộng đồng mỗi tháng, khi chọn đến một tỉnh thành ở thời điểm có mùa nông sản như vải thiều, sầu riêng, bơ… để quảng bá bán nông sản, giới thiệu về văn hóa và con người địa phương.
Khi các chương trình trò chơi truyền hình được dựng tại trường quay, khai thác các cuộc thi kiến thức, tranh tài ca hát, hoài niệm...dần bão hòa, sự xuất hiện của những chương trình truyền hình thực tế “Việt hóa” thành công, hay thuần Việt không chỉ giải trí đơn thuần mà đã, đang, sẽ mang lại giá trị xã hội tích cực cho loại hình này trong mắt khán giả.
Lồng ghép khéo léo yếu tố văn hóa và giải trí, Hành trình rực rỡ đã góp phần lan tỏa nét đẹp văn hóa của dân tộc, mang đến cho khán giả một chương trình truyền hình thực tế vui vừa đủ nhưng đầy đủ ý nghĩa và đã đạt 2,2 tỷ lượt xem trên các nền tảng số, nhiều tập đạt Top 1 trên bảng xếp hạng thịnh hành YouTube Việt Nam