Mỗi cuốn sách đều có một cuộc đời

PHƯƠNG QUYÊN| 21/03/2012 01:52

Câu chuyện kinh doanh sách, với anh, bắt đầu từ khúc quanh trong nghề, của một người đam mê đến mức yêu thương từng trang sách.

Mỗi cuốn sách đều có một cuộc đời

Gần 10 năm sau ngày dấn thân vào việc kinh doanh sách, gặp Trần Đại Thắng ở Hội sách TP.HCM lần thứ VII, anh khoe khu trưng bày của Công ty CP Văn hóa Đông A năm nay hoành tráng với 5 gian ở khu vực “mặt tiền”. So với lần hội sách trước, diện tích thuê gian hàng tăng gấp rưỡi mới có thể trưng bày hết sản phẩm mà Đông A muốn giới thiệu đến bạn đọc. “Nếu không chuyển hướng kịp thời, có lẽ, tôi cũng không thể phát triển được công việc kinh doanh của Đông A”, anh tiết lộ. Câu chuyện kinh doanh sách, với anh, bắt đầu từ khúc quanh trong nghề, của một người đam mê đến mức yêu thương từng trang sách.

Ảnh: Quý Hòa

Năm 2004, tin họa sĩ Trần Đại Thắng mở công ty, tập tành kinh doanh khiến người trong nghề không khỏi bật cười. Bởi, nổi danh với việc mang đến “bộ mặt” ấn tượng cho các ấn phẩm sách Việt là một chuyện và tồn tại khi kinh doanh trong ngành xuất bản lại là một chuyện hoàn toàn khác.

Người ta còn cười nhiều hơn khi biết ông giám đốc kiêm họa sĩ thiết kế ấy đón xe đò, lặn lội từ miền ngược đến miền xuôi, từ Cà Mau đến Buôn Mê Thuộc để... xin chữ ký của các nhà văn có mặt trong bộ sách Văn mới năm năm đầu thế kỷ mà công ty thực hiện.

Văn mới năm năm đầu thế kỷ trình làng, trong số 1.500 bản in có 100 bản in có đánh số, trên giấy conqueror của Pháp, loại giấy đặc biệt, có độ bền ít nhất trên 100 năm. 100 ấn bản này còn đặc biệt hơn khi có chữ ký trực tiếp của 39 tác giả có tác phẩm trong cuốn sách.

Thị trường sách một phen vỡ òa vì cơn khát sách sưu tập bấy lâu đã có người đáp ứng. Độc giả nồng nhiệt đón nhận, cả bản “độc” lẫn bản bình thường còn người trong nghề thì gật gù bởi sự táo bạo và nhanh nhạy của một người trẻ.

Tiềm năng sách Việt

* Có vẻ như những ấn bản độc đáo của Văn mới năm năm đầu thế kỷ đã cho Đông A một khởi đầu rất thuận lợi?


- Ngày bắt tay vào làm dự án Văn mới năm năm đầu thế kỷ, tôi chỉ nghĩ đơn giản là phải làm cho thỏa chí nên có đi xuôi đi ngược để đạt được ý định, tôi vẫn chẳng cảm thấy vất vả một chút nào.

Thế nên, khi thị trường đón nhận, mọi người đánh giá cao về những tập sách đặc biệt ấy, tôi lại cảm thấy tiếc nuối. Tôi tự nói với mình, nếu biết mọi người hoan nghênh như thế thì tôi sẽ càng nỗ lực, càng đầu tư hơn để làm nhiều hơn thế.

* Bước vào thị trường nhờ dòng sách văn học trong nước, nhưng hình như, mảng sách này không còn là mảnh đất cày xới của Đông A?

- Thẳng thắn mà nhìn nhận thì việc đầu tư vào dòng sách văn học trong nước rất khó giải quyết được bài toàn chi phí. Chúng ta có đến hơn 80 triệu dân nhưng tỷ lệ người đọc sách văn học Việt thực sự là rất ít.

Quan sát hoạt động xuất bản của các đơn vị, rất dễ nhận thấy từ các NXB nhà nước như Trẻ, Văn Nghệ… đến các đơn vị tư nhân như Nhã Nam, Bách Việt… đều tạo điều kiện cho các tác phẩm Việt Nam có thể đến với bạn đọc nhưng chẳng đơn vị nào dám chọn sách Việt làm sản phẩm chính của mình.

Phần lớn đều là sách chuyển ngữ từ các nước. Trừ những ấn phẩm có đối tượng độc giả cao như sách của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh chẳng hạn, đời sống của sách Việt thực sự không mạnh mẽ cho lắm.

Bản thân Đông A cũng rất nặng lòng với sách Việt, đặc biệt là sách văn học, nhưng bước vào kinh doanh, tôi nhận ra, đây là một câu chuyện cần phải hội tụ nhiều yếu tố khác.

* Từng tuyên bố ước mơ 10 năm sau xuất khẩu sách Việt, giờ anh bảo, đời sống sách Việt không mạnh mẽ. Điều này có mâu thuẫn không, thưa anh?

- Kế hoạch của tôi là 10 năm còn đời sống sách Việt không mạnh mẽ là hiện tại. Tôi vẫn cho rằng, sách Việt nhiều tiềm năng và có một cách khác để làm cho sách Việt hấp dẫn và sống động hơn.

Năm ngoái, một đơn vị xuất bản của Đài Loan khi đến Việt Nam tìm đối tác đã rất hứng thú và có ý định mua bản quyền bộ sách “Những nhân vật biến đổi thế giới” của Đông A nhưng hiện bộ sách này vẫn chỉ mới có 4 tập nên họ vẫn còn đợi.

* Đây là bộ sách từng bị phản đối phải không?

- Với bạn đọc nhỏ tuổi, bộ sách giới thiệu về các thiên tài trong lĩnh vực khoa học nên được hoan nghênh và tìm mua rất nhiều. Tuy nhiên, lại có dư luận cho rằng tập sách không đúng đắn khi dùng ngôn ngữ hiện đại, nghịch ngợm “gán” và nét vẽ tếu táo vào các khoa học gia đã đi vào lịch sử.

Tôi rất không đồng ý với quan điểm này. Cá nhân tôi cho rằng đây là bộ sách có tính giáo dục, tính giải trí cao và chuyện “hiện đại hóa” nhân vật cũng là chuyện phổ biến ở các nước.

Đưa những nhân vật đã thuộc về lịch sử vào đời sống hiện đại để thế hệ sau có thể dễ dàng nắm bắt được là chuyện nên làm.

Walt Disney đưa một công chúa da màu vào câu chuyện hoàng tử ếch để có một bộ phim hoạt hình hết sức mới mẻ và được thế giới đón nhận.

Còn ở Việt Nam, chỉ kể một vài chi tiết trong Tấm Cám khác đi là đã nảy sinh tranh luận. Không phải chỉ mình Đông A, các đơn vị làm sách khác cũng chịu tình trạng tương tự. Tính bảo thủ khiến việc làm sách ở Việt Nam rất khó để sáng tạo.

Hay, đúng nhưng phải đẹp

* Thích sáng tạo mà lại chọn mảng sách kiến thức phổ thông để kinh doanh, chẳng khác nào anh chọn chuyện khó để làm?

- Các đơn vị làm sách khác đều có mảng kiến thức phổ thông trong danh mục sách xuất bản của họ nhưng với Đông A, đây là mảng sách chiến lược. Đối tượng bạn đọc của mảng sách này rất rộng vì kiến thức là nhu cầu chung của tất cả mọi người nên nó có tính ổn định cao.

Đi chuyên sâu và làm “mềm” các kiến thức khoa học, tôi nghĩ, đó là hướng đi tốt cho mình. Sáng tạo hiện diện ở tất cả mọi nơi!

* Không thể phủ nhận thực tế là internet mà cụ thể là chỉ riêng “ông” Google thôi đã có thể cung cấp các kiến thức khoa học cho người đọc một cách đầy đủ và phong phú?


- Đó là lợi thế nhưng cũng là điểm bất lợi của internet. Quá nhiều kiến thức nhưng chẳng có ai có thể kiểm chứng kiến thức ấy cho internet cả.

Sách vẫn là nguồn kiến thức chính thống nhất bởi nó được kiểm duyệt, tra cứu, biên tập bởi rất nhiều khâu trước khi có thể đến tay bạn đọc.

Làm sách kiến thức phổ thông không hề đơn giản bởi công tác biên tập rất vất vả, biên tập viên phải kiểm chứng từ nhiều nguồn thông tin.

Nếu như biên tập sách văn học là làm cho tác phẩm hay hơn thì biên tập sách khoa học phải đáp ứng được yêu cầu tác phẩm vừa hay, vừa đúng. Riêng với Đông A, sách kiến thức phổ thông còn phải có một yếu tố khác nữa là đẹp và sống động.

* Nếu không xuất thân là một họa sĩ, anh có đòi hỏi thế không?

- Tôi đã là họa sĩ nên không thể giả định hay nhập vai một thực tế khác. Hình ảnh khiến tôi quan tâm và thích thú. Tôi yêu các cuốn sách có hình ảnh đẹp và muốn đưa những tác phẩm ấy đến mọi người.

Ấn tượng về mặt thị giác bao giờ cũng tạo nên hứng thú cho người xem. Làm ra một cuốn sách đẹp nghĩa cũng giống như việc mời gọi cả người mê lẫn người chưa mê sách.

Nhưng, nếu không phải là họa sĩ để có thể tự thiết kế sách thì tôi sẽ tìm người có thể giúp mình làm tốt chuyện đó.

* Bây giờ, khi công việc kinh doanh đang ngày một mở rộng, bao nhiêu phần trăm thời gian anh có thể dùng để sáng tạo như ngày xưa?

- Tôi không thể làm tốt nhiều nhiệm vụ cùng một lúc nên đã phải lựa chọn. Thực sự, làm một họa sĩ thiết kế đòi hỏi phải có sự hy sinh rất lớn. Họ phải mày mò, dấn thân và tập trung.

Với tôi, đã là họa sĩ thiết kế thì không bao giờ được thỏa mãn, được bằng lòng với những thứ mình đã làm và thấy những gì mình làm là hơn người thì càng tệ. Mỗi thứ mình đã làm ra nghĩa là đã cũ, đã lạc hậu.

Còn khi kinh doanh, chủ doanh nghiệp phải biết bằng lòng với những điều người khác làm ra. Đó là hai thái cực hoàn toàn khác nhau.

“Tác dụng” của sách lậu

* Những lần trước, hội sách vẫn còn có những hoạt động đặc thù của ngành như việc hội thảo tìm ra giải pháp chống sách lậu chẳng hạn nhưng hai lần gần đây thì không. Sách lậu đã không còn là vấn nạn hay các đơn vị đã chán kêu gào, thưa anh?

- Cuộc sống hiện nay đang cần chống nhiều vấn nạn khác như tiền giả, hóa chất trong thực phẩm, thịt heo siêu nạc chẳng hạn... hơn là sách lậu.

Vì làm sách hình ảnh nên ấn phẩm của Đông A luôn phải in màu. Khác với sách chữ, người đọc cần nội dung, sách lậu không tấn công sách hình ảnh bởi người mua thường đòi hỏi hình ảnh, màu sắc phải đẹp.

Tuy nhiên, không phải vì ít bị tấn công mà tôi cho rằng sách lậu không đáng ngại. Hiện, các hệ thống phân phối sách đều đòi hỏi giấy tờ, chứng từ đầy đủ mới chấp nhận phân phối nên khó có chuyện sách lậu chen chân vào.

Sách lậu chỉ có thể sống ở các chiếu sách vỉa hè hay một số nơi phân phối không chính thống. Trên một khía cạnh nào đó thì sách lậu cũng có “tác dụng”, nó buộc việc phân phối sách ra thị trường phải rõ ràng, có nguồn gốc minh bạch.

* Nghĩa là, anh cho rằng kinh doanh sách ở Việt Nam không đến nỗi quá tối màu như mọi người vẫn nói?

- Nếu so sánh thì kinh doanh sách ở Việt Nam hơi cực và lợi nhuận không nhiều như ở các nước. Lượng sách in ra không nhiều, chỉ chừng 2.000 bản/ấn phẩm và việc “ngâm” vốn ở khâu phát hành khiến người làm sách không thể đầu tư cho nhiều đầu sách hơn.

Tuy nhiên, chỉ cần bán hết số lượng in là đã có lãi và nếu tái bản thì mức lợi nhuận sẽ tốt hơn. Hiện tại, sách ở thị trường Việt Nam là rẻ nhất.

* Phép so sánh của anh ở đây là...?

- Chỉ cần nhìn thị trường Trung Quốc, họ sản xuất ra được giấy, số lượng bản in/ấn phẩm của họ nhiều hơn chúng ta do dân số rất đông nhưng giá thành một cuốn sách vẫn cao hơn so với Việt Nam.

Trong khi những nhà làm sách ở ta thì phải nhập tất cả nguyên liệu như giấy, nguyên liệu in ấn... và số bản phát hành thì ít hơn hẳn. Điều này cho thấy, làm sách ở thị trường các nước lợi nhuận cao hơn ở Việt Nam rất nhiều.

Để dung hòa với thu nhập của người đọc, các đơn vị làm sách hiện nay chọn cách xén bớt lợi nhuận của chính mình.

* Xin cảm ơn anh về cuộc trao đổi này!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Mỗi cuốn sách đều có một cuộc đời
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO