Ghi nhận thực tế hiện nay, DN trong nước vẫn còn thiếu đơn hàng và tình trạng giảm giờ làm vẫn chưa được khắc phục. Tỷ lệ tăng trưởng chỉ hơn 6%, so với mức hai con số của các năm trước, được xem là thấp. Khối DN có đủ đơn hàng trở lại chỉ có DN FDI. Còn lại, các nhà sản xuất trong ngành chỉ duy trì được 40-60% công suất.
Bức tranh hiện tại phản ánh việc DN trong nước hoàn toàn bị động trước những biến chuyển của thế giới. Mô hình sản xuất gia công - OEM khiến DN phụ thuộc hoàn toàn vào các thương hiệu quốc tế. DN Việt thậm chí còn gia công thứ cấp cho các FDI ngay trên sân nhà. Tham gia chuỗi cung ứng với những sản xuất đơn giản, chấp nhận mức lợi nhuận thấp nên khi khủng hoảng xảy ra, DN gỗ bị ảnh hưởng đầu tiên.
Theo Trung tâm Nghiên cứu Công nghiệp Italia (CSIL), xét về giá trị, thị trường nội thất cao cấp chiếm xấp xỉ 10% thị trường nội thất toàn cầu. Các nhà sản xuất nội thất cao cấp hàng đầu thu được lợi nhuận lớn từ sự gia tăng nhu cầu của các cơ sở thương mại, bao gồm nhưng không giới hạn ở lĩnh vực khách sạn và nhà hàng. Phân khúc này được dự báo tăng trưởng với tốc độ CAGR là 5,2% từ năm 2022-2031, dự kiến sẽ vượt 38,9 tỷ USD vào năm 2031.
Thế giới luôn có những biến chuyển và biến chuyển với tốc độ rất nhanh. Xây dựng chiến lược phát triển mới và hướng tới các giá trị cao hơn cho ngành là nhiệm vụ bức thiết và cực kỳ quan trọng lúc này. Bởi suy giảm đơn hàng và những tổn thất do chi phí logistics, nguyên liệu tăng, lạm phát... hoàn toàn có thể tiếp tục trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Quốc Khanh - Chủ tịch HAWA cho rằng, DN nội thất Việt Nam hoàn toàn có thể chinh phục những giá trị cao hơn trong chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, các DN trong ngành hiện vẫn thiếu sự chủ động trong kinh doanh quốc tế. Là quốc gia xuất khẩu nội thất thứ hai thế giới nhưng thực tế có rất ít DN trong ngành thể hiện được sự hiện diện của mình. Nội thất "made in Vietnam" phần lớn vẫn xuất hiện dưới tên tuổi của các thương hiệu nước ngoài. Trong các hội chợ nội thất quốc tế, phần lớn DN Việt đến tham quan nhiều hơn là đem hàng trưng bày.
Trước nhu cầu của thế giới luôn ở mức cao, nhưng thiếu chủ động tiếp cận với những khách hàng tiềm năng, thiếu điều kiện để "khoe" năng lực và thiết kế của mình, DN nội thất Việt chỉ có thể nhận những đơn hàng gia công cũng là điều dễ hiểu.
Một trong những khó khăn và cản trở lớn nhất của DN ngành gỗ đó là chi phí tham dự các hội chợ quốc tế cao, đặc thù hàng hóa cồng kềnh trong công tác mang hàng đi trưng bày khiến DN trong nước khó mạnh dạn với các hội chợ quốc tế. Do vậy, dù các hội chợ nội thất quốc tế đã mở cửa trở lại nhưng DN Việt Nam vẫn chưa có điều kiện tham gia nhiều.
Ông Khanh khẳng định, khi Covid-19 là rào cản, ngành nội thất đã vượt khó rất tốt, vươn lên thành ngành hàng xuất khẩu chủ lực của cả nước. Chứng tỏ nội lực DN mạnh mẽ. Để vượt qua được các trở ngại từ đợt lạm phát lớn ở các thị trường chủ lực như Mỹ, châu Âu... cũng như chinh phục thêm khách hàng, thị trường mới, công tác tiếp thị, kết nối cung - cầu cần phải được chú trọng hơn nữa. Đây là một trong những đòi hỏi mang tính sống còn trong chiến lược phát triển mới của công nghiệp nội thất Việt Nam.
Trong đề án phát triển xuất khẩu trên địa bàn thành phố đến năm 2025, UBND TP.HCM định vị nội thất là ngành nghề thế mạnh, cần được hỗ trợ để phát triển, nhất là công tác truyền thông, xúc tiến thương mại. Kết hợp với Sở Công Thương, sắp tới HAWA triển khai tổ chức hội chợ quốc tế HAWAExpo. Khách mua hàng quốc tế sẽ tiếp cận được toàn diện bức tranh sản xuất nội thất của vùng, từ đó chọn cho mình đối tác thích hợp. Không chỉ kết nối giao thương trực tiếp cho các DN tại hội chợ theo nhu cầu đặt trước người mua hàng mà HAWAExpo còn có các chuỗi hội thảo chuyên ngành về thiết kế, xu hướng vật liệu... giúp DN có thêm thông tin trong hoạch định chiến lược kinh doanh.
Thực tế cho thấy, các hội chợ quốc tế uy tín thế giới đều do các hiệp hội chủ trì, đứng ra tổ chức. Từ Milano, Las Vegas đến các hội chợ quốc tế trong khu vực như Malaysia (MIFF); Indonesian (IFEX); Trung Quốc (CIFF Home), Thái Lan (TIFF)... cho thấy vai trò của hiệp hội trong hoạt động xúc tiến thương mại rất quan trọng.
Ngoài việc thu hút thêm khách mua hàng, hội chợ còn mang đến cơ hội cho ngành du lịch, dịch vụ. Trước đại dịch, tăng trưởng của công nghiệp triển lãm Thái Lan khoảng 35% mỗi năm, đưa Thái Lan là điểm đến hàng đầu của khu vực Đông Nam Á trong đón khách MICE.