Cho thiếu nợ, không lo mất tiền

XUÂN LỘC thực hiện| 06/01/2014 00:01

Ông Trần Văn Thắng là nghệ nhân “chân truyền” của cụ Trần Văn Kỉnh, người đặt những viên gạch đầu tiên cho làng nghề đúc đồng An Hội (quận Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh) cách đây hơn 100 năm.

Cho thiếu nợ, không lo mất tiền

Ông Trần Văn Thắng là nghệ nhân “chân truyền” của cụ Trần Văn Kỉnh, người đặt những viên gạch đầu tiên cho làng nghề đúc đồng An Hội (quận Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh) cách đây hơn 100 năm.

Đến làng nghề An Hội hỏi ông Hai Thắng hầu như ai cũng biết vì ông nổi tiếng với đôi tay lão luyện và là một trong những người làm nghề lâu năm nhất trong làng.

Chúng tôi có dịp trò chuyện với ông vào những ngày sắp tết, thời điểm lư đồng bán chạy nhất trong năm. Vừa nhanh tay lau chùi, sắp xếp lại những bộ lư đồng vàng óng chạm khắc tinh xảo trong gian phòng trưng bày nho nhỏở phường 12, quận Gò Vấp, ông vừa nói:

Tranh HOÀNG TƯỜNG

“Chưa bao giờ tôi hết đam mê với những chiếc lư đẹp, được chạm trổ hình rồng bay phượng múa tinh xảo do bàn tay người thợ làm ra. Có những người gắn bó cả đời với nghề vì nghề nuôi sống họ, còn tôi sống chết với nghề chủ yếu là để thỏa mãn niềm đam mê”.

* Vì sao ông mê nghề đúc lư đồng đến vậy?

- Vì nghề này “quyến rũ” lắm. Từ khâu tìm đất, luyện đồng đến chạm trổ hoa văn đều làm cho tôi say mê. Có lẽ khó mà giải thích hết cái hay, cái đẹp của nghề, chỉ biết rằng ai đã lỡ thích rồi thì khó bỏ.

Có lẽ nghề đúc đồng cũng là cái nghiệp của đời tôi nhưng hẳn nghề này phải có sức hút mãnh liệt lắm, đến nỗi một người thợ đúc đồng nay đã là chủ một cơ sở kinh doanh máy phát điện công nghiệp nhưng vẫn ngày ngày đến lò của tôi để làm nghề để đỡ “nhớ”.

* Làng đúc đồng An Hội được hình thành từ bao giờ?

Tại Sài Gòn, làng đúc đồng đầu tiên hình thành ở khu vực Chợ Lớn. Từ điểm này, nhiều sản phẩm bằng đồng tinh xảo từ lư hương, chân đèn, bình hoa đến tượng phật, binh khí… được bán đi khắp cả nước và các nước láng giềng. Sau đó, nghề đúc đồng bắt đầu phát triển ra khắp Sài Gòn, trong đó có làng An Hội.

Ông Trần Văn Kỉnh, ông cố của tôi, là người đầu tiên sang Chợ Lớn học nghề. Sau khi học xong, ông Kỉnh trở về làng huy động người thân trong gia đình lập nên xưởng sản xuất lư đồng và nhân rộng ra khắp phường 12, hình thành làng An Hội nổi tiếng một thời.

Nhưng làng đúc đồng An Hội chỉ là tên gọi trước năm 1975, khi còn tập trung gần 40 lò lư đồng. Đó là giai đoạn nghề đúc đồng cực thịnh, người mua kẻ bán tấp nập, khách ra vào lò nườm nượp như đi chợ.

So với thời điểm này, lúc đó lò của tôi không sản xuất số lượng gấp đôi, gấp ba nhưng sản phẩm bán rất chạy và kiếm lợi nhuận rất nhanh. Sản phẩm lư đồng An Hội không chỉ nổi tiếng trong nước mà thường xuyên được các “đại gia” từ Lào, Campuchia, Myanmar… tìm đến đặt mua.

Nghề đúc lư đồng bắt đầu đi xuống từ sau giải phóng. Thời bao cấp đói kém, người dân không có cả bo bo để ăn thì mấy ai có tiền để mua lư đồng. Đây là giai đoạn mà tôi không khỏi chán nản, tính đến chuyện bỏ nghề.

Sẵn sau nhà có miếng đất, tôi chuyển sang làm rẫy, trồng rau một thời gian. Nhưng nỗi nhớ nghề khiến tôi mất ăn mất ngủ. Tôi lại nghĩ rằng “sông có khúc, người có lúc”, nghề nào cũng có lúc trầm, lúc thăng. Vì vậy, sau lại tiếp tục vật lộn với việc nấu đồng, chạm trổ từng chiếc lư cho đến bây giờ.

* Vậy tên gọi hiện nay là gì, thưa ông?

- Hiện nay, nơi đây chỉ còn năm cơ sở đúc đồng nên chỉ gọi là “xã lư đồng” hay “xóm lò đồng” gì đó. Nhưng cũng có khi chỉ gọi tên các lò đồng còn sót lại như Hai Thắng (là tôi), Ba Cồ, Sáu Bảnh, Năm Toàn và Út Kiển. Có lẽ sẽ không có ai “dại dột” mở thêm một lò đúc đồng nào ở trong khu vực này nữa.

* Vì sao mở lò đúc đồng lại bị cho là “dại dột”?

Vì muốn mở một lò đồng thì phải có một cơ sở rộng tối thiểu 500m2, chi phí mua máy móc, nguyên vật liệu cả tỉ đồng. Bấy nhiêu tiền nếu gửi tiết kiệm ở ngân hàng thì tiền lãi mỗi tháng cũng đủ cho một cuộc sống thảnh thơi, an nhàn, không ai nghĩ đến việc mở lò để ngày ngày vật lộn với một công việc nhiều khói bụi, vừa nhọc thân lại vừa nặng đầu.

Đó là chưa kể đến yêu cầu doanh nghiệp phải giữ gìn môi trường nên ngày nay, các lò nấu đồng bằng dầu đều phải thay bằng lò điện. Giá một chiếc lò điện khoảng 250 triệu đồng, giá điện sản xuất cũng chẳng rẻ chút nào.

Thực tế hơn 30 lò đúc đồng An Hội nối đuôi nhau đóng cửa, chuyển sang kinh doanh các mặt hàng khác đã cho thấy nghề này khó khăn đến mức nào. Chỉ có những người mê nghề như tôi mới gắn bó đến gần 50 năm nay, vả lại cũng nhờ có cơ sở từ thời trước nên tôi mới “đủng đỉnh” từ ngày này qua tháng khác, không phải lo về đủ thứ chi phí kinh doanh.

* Giá cả lư đồng trên thị trường hiện nay thế nào?

- Lư đồng chia làm ba loại là: đặc biệt, trung bình và hàng chợ. Giá mỗi bộ từ 5 triệu đến mười mấy triệu đồng. Tiền công làm một bộ đặc biệt là 400 ngàn, bộ trung bình chỉ khoảng 200 ngàn đồng. Quan sát bằng mắt thường, chúng ta cũng dễ dàng phân biệt ba loại lư, loại đặc biệt thì đồng dày hơn và hoa văn chạm trổ nhiều và tinh xảo hơn.

* Mấy năm trở lại đây, khi mọi người thắt chặt hầu bao vì kinh tế khó khăn thì tình hình sản xuất ở lò đồng của ông có giảm sút đáng kể không?

- Năng suất của lò trong vài năm gần đây giảm khá nhiều. Cách đây năm, mười năm, cứ mỗi độ xuân về là cả thợ lẫn thầy phải làm ngày làm đêm cho kịp tiến độ. Tháng trước tết là thời điểm các lò lư rộn ràng củi lửa để cho ra lò nhiều bộ lư mới. Khách đến lò mua lư thấy cảnh nhộn nhịp của thợ cũng hào hứng xông vào làm giúp.

Từ năm ngoái đến năm nay, không khí nhộn nhịp đó không còn nữa. Tết đã cận kề mà có lò mấy ngày không đỏ lửa. Thợ lò tôi thì vẫn làm đúng tám giờ mỗi ngày.

Tuy nhiên, riêng bản thân tôi, cứ hễ nghe tiết trời se lạnh báo hiệu sắp tết là tôi lại thấy lòng rạo rực khó tả. Tôi thích ngắm sự nhộn nhịp của nhà nhà chuẩn bị cho bàn thờ ngày đầu năm, thích nhìn những bộ lư hương được mang ra lau chùi, đánh bóng cẩn thận, không khỏi gợi nhớ về chuyện đời, chuyện nghề ngày xưa.

Tháng tết cũng là dịp người ta tìm mua lư nhiều nhất. Tôi không chỉ bán cho đại lý mà trước lò còn có một phòng trưng bày nho nhỏ để khách đến xem mẫu và đặt hàng trực tiếp. Quý nhất là những khách không ngại đường xa, đến tận lò của tôi để được ngắm, được chạm tay vào từng nét chạm khắc trên lư trước khi mua.

Những người tìm đến tận lò thường là khách hàng nhiều tiền và khó tính, muốn chọn cho gia đình những mẫu lư độc đáo nhất. Cũng không ít trường hợp tôi cho người mua thiếu nợ dù họ là người tứ phương, tôi chưa từng quen biết, cũng không biết nhà họở đâu, gia cảnh thế nào.

* Ông không sợ người mua “quên” trả tiền sao?

- Tôi sẵn sàng cho khách thiếu nợ vì nghĩ rằng nhất định họ sẽ nhớ quay lại trả. Với mỗi gia đình, chiếc bàn thờ luôn được xem là nơi linh thiêng và được đặt ở vị trí trang trọng nhất, các đồ vật thờ tự do đó cũng mang tính tâm linh.

Hiếm ai dùng những chiếc lư “mua chịu” để thờ cúng tổ tiên và cầu xin phước lộc. Nếu có trường hợp đó thì tôi cũng lạc quan mà nghĩ rằng mình sẽ được hưởng phước từ tổ tiên mà người mua thờ cúng.

Cách đây mấy tháng có một phụ nữ làm công nhân của một xí nghiệp nào đó trong quận Gò Vấp đến ngắm lưở lò của tôi. Bà ấy ưng ý một bộ lư đẹp nhưng không đem đủ tiền. Hiểu ý, tôi sốt sắng bảo: “Bà cứ mang bộ lư về đi, bao giờ đưa tiền đủ cũng được”. Thật bất ngờ, ngày đến trả tiền, bà ấy còn mang tặng tôi hai lít rượu đế ngon.

* Tháng tết này cơ sở của ông sản xuất bao nhiêu bộ lư để vừa bán sỉ, vừa bán lẻ?

- Tháng tết cũng như các tháng khác, lò của tôi vẫn xuất xưởng trung bình khoảng 200 bộ. Số lượng sản xuất ổn định như vậy trong mấy năm nay là nhờ tôi có những mối đại lý sòng phẳng và uy tín nhiều năm, là nguồn tiêu thụổn định bất kể thị trường lên xuống thế nào. Có những đại lý tôi làm việc từ đời cha đến đời con, quý nhau như những người bạn tri kỷ.

Đã có nguồn thu mua ổn định nhưng làm kinh doanh thì chẳng bao giờ đầu óc thanh thản cả, tôi cũng vậy. Từ lúc bước chân vào nghề này, tôi đã ăn với lư đồng, ngủ với lư đồng, thậm chí nhậu với lư đồng. Trong đầu lúc nào cũng tính toán chi phí đầu ra đầu vào rồi phải suy nghĩ tìm kiếm mẫu mã đẹp, đa dạng hơn để thu hút khách hàng, làm hài lòng đại lý.

* Hẳn một người chủ lò như ông cũng lo lắng cả chuyện thợ ăn cắp đồng vì trong lò có đến cả chục người thợ mà đồng lại bỏ khắp nơi không ai quản lý…

- Không đâu, tôi rất ít khi lo lắng chuyện này. Lòng tham của con người thường chỉ thể hiện trong ngày một ngày hai. Những người thợ trong lò đều đã làm việc với tôi lâu năm, có người hơn mười năm gắn bó với lò nên tôi khá tin tưởng.

Cách đây khá lâu, lò Hai Thắng từng có một người thợ hay ăn trộm đồng. Cách ăn trộm của anh ta khá tinh vi. Mỗi ngày, anh ta chỉ lấy trộm hai, ba cục đồng (khoảng nửa ký) giấu trong bao thuốc lá để trên túi áo. Anh ta nhanh chóng bị tôi bắt quả tang và bị đuổi việc.

Sau đó, người thợ ấy vẫn tiếp tục hành vi trộm cắp khi được nhận vào làm ở lò của em trai tôi. Câu chuyện này được tôi thường xuyên kể lại khi có dịp ngồi trò chuyện cùng đám thợ, vừa để vui vừa để cảnh báo rằng không khó để phát hiện ra việc trộm cắp dù tôi không có thói quen quản lý chặt chẽ mỗi ngày.

* Quay trở lại những ngày ông mới bắt đầu làm quen với nghề. Hồi đó ông học nghề từ ai và trong bao lâu thì nên nghề?

- Nghề đúc đồng chỉ đào tạo về căn bản. Muốn phát triển thì mỗi người thợ phải tự tìm tòi, học hỏi và sáng tạo ra các tác phẩm cho riêng mình. Riêng khâu chạm trổ luôn đòi hỏi sự làm việc công phu, tỉ mỉ.

Để có thể chạm trổ được chiếc lư, ngoài sự tinh tế, chuẩn xác người thợ còn phải học cách tính toán các hình ảnh, đường nét sao cho hài hòa và có tính thẩm mỹ, nhất là các hình “tứ linh”.

Do đó không phải ai cũng có thể trở thành thợ chạm, vì nó vừa là công việc của người thợ thủ công, vừa là công việc của một nghệ nhân có năng khiếu thẩm mỹ và vững tay nghề.

Làm lư đồng là nghề gia truyền của dòng họ bốn đời nhà tôi, ông cố truyền cho ông nội, ông nội truyền cho người bác ruột. Nhà bác lại không có con, thấy tôi mê nghề đúc đồng nên bác đã truyền lại cho tôi.

Tôi học nghề này khá gian nan vì nghề cực mà thầy lại rất khó tính. Đổi lại, tôi vừa chịu khó vừa mê nghề nên bác truyền nghề rất kỹ, cả những bí quyết riêng ông cũng không giấu.

Tôi bắt đầu theo học từ năm 16 tuổi, đến năm 18 tuổi thì học xong. Sau đó, tôi về mở lò đúc đồng và dạy nghề cho năm em trai ruột. Kết quả là mỗi người em đều có một lò riêng trong làng nghề An Hội.

Trong nghề đúc đồng, người rành nghề mới mở lò được vì chủ không biết nghề thì thợ sẽ phá hư đồ nghề. Hơn nữa, chủ biết nghề thì mới biết tiếp thu những góp ý hay từ thợ. Không vì mình là người lâu năm mà đi theo lối mòn, kỹ thuật cũ.

Mặc dù gần năm mươi năm trong nghề nhưng tôi vẫn luôn phải tìm tòi, học hỏi kỹ thuật mới, tìm kiếm những hình chạm trổ mới mẻ, đặc sắc. Nghề nào cũng vậy, phải học hỏi liên tục mới tiến bộ được. Đến tuổi này tôi vẫn xắn tay áo cùng làm với con và thợ, mặc dù mình đã dạy nghề rất kỹ, ngay cả những bí quyết gia truyền tôi cũng đã truyền hết cho thợ.

* Bí quyết gia truyền của từng lò thường được giữ gìn rất kỹ, chỉ truyền lại cho người trong gia đình, dòng họ. Từng có một nghệ nhân đúc đồng ở quận Ba Đình (Hà Nội) nói rằng có đưa tiền tỉ cũng không “bán” bí quyết đúc đồng… Vì sao ông không giữ lại bí quyết riêng cho mình mà truyền hết cho thợ?

- Việc giữ khư khư bí quyết đúc đồng đã “lạc hậu”, không còn phù hợp với ngày nay nữa. Xu thế mới là cùng mở rộng, trao đổi, học hỏi lẫn nhau. Người chủ dù rành nghề và nhiều kinh nghiệm đến đâu phải biết lắng nghe những đóng góp từ thợ.

Tôi nay đôi mắt không còn tinh tường nhưng vẫn thường xuyên xuống lò. Làm lư có đến bảy công đoạn, quan trọng ngày đổ lư, phải coi khuôn, thử đồng, lấy màu. Không cẩn thận là hư “như chơi”, vì vậy tôi cũng hay cùng làm với thợ để vừa nhắc nhở họ, vừa tìm cảm hứng, ý tưởng cho mình.

* Ý tưởng của ông thường xuất hiện lúc nào?

- Có lẽ dễ có ý tưởng nhất là sau khi thưởng thức nửa xị rượu ngon. Uống nhiều hơn thì đầu óc tôi sẽ không còn đủ tỉnh táo để có thể cho ra một ý tưởng nào.

* Các công đoạn làm lư mà ông mới nói đến là gì, xin ông giải thích thêm…

Lư muốn đẹp thì nguyên vật liệu phải được tinh lọc kỹ càng, đất làm khuôn muốn đảm bảo chất lượng phải chịu khó xuống lấy tận Bình Dương, Đồng Nai. Đất được xay nhuyễn trước khi đổ lên khuôn.

Khuôn gồm ba lớp, gồm hai lớp đất bao bọc một lớp sáp (sáp mật ong trộn lẫn sáp đèn cầy) ở giữa. Khuôn đất làm xong thì mang đi phơi từ một đến hai nắng. Trước khi đưa vào lò nung phải tráng thêm hai lớp đất sét bên ngoài để tránh sản phẩm kém mịn.

Công đoạn khó nhất chính là nấu đồng chảy lỏng rồi đổ vào khuôn rồi canh chừng kỹ lưỡng để đồng vừa “chín” là đưa ra khỏi lò ngay. Khi khuôn nguội, các lớp vỏ đất sẽ được đập bỏ để sản phẩm chỉ còn lại lớp đồng ánh sáng.

Cuối cùng, nghệ nhân của nghề thể hiện sẽ tỉ mỉ chạm trổ từng họa tiết, hoa văn độc đáo, làm nên bộ mặt của sản phẩm lư như rồng, lân, phượng… Mỗi cơ sở, từng nghệ nhân sẽ có một bí quyết nghề riêng, đó là cách pha chế các nguyên liệu cũng như kỹ thuật nấu đồng và cả sự tinh xảo trong từng đường nét để có những sản phẩm có chất lượng và tính thẩm mỹ riêng.

Hiện nay, các sản phẩm lư thủ công ngày càng bị sự cạnh tranh gay gắt của lư công nghiệp, kết quả đáng buồn là lư thủ công mỗi ngày một mất ưu thế trên thị trường. Nhiều đại lý cho rằng lư công nghiệp dễ bán hơn lư thủ công vì giá rẻ hơn, các sản phẩm có tính đồng nhất cao hơn.

Chỉ có những người mê lư đồng thật sự mới nhận thấy rằng sản phẩm công nghiệp có hoàn hảo đến mấy vẫn không đủ độ tinh xảo như sản phẩm thủ công, đó là chưa kể đến tình cảm, tâm hồn của người thợ truyền vào trong chiếc lư.

* Chiếc lư đồng thủ công và chiếc lư đồng công nghiệp khác nhau thế nào, thưa ông?

Cách để phân biệt giữa lư đồng thủ công và lư đồng công nghiệp cũng không khó lắm. Lư sản xuất công nghiệp thường có màu vàng xanh, sau vài năm sử dụng sẽ bị xuống màu, không còn đẹp như trước. Còn lư thủ công có vàng sậm, càng lau chùi thì càng bóng và giữ được màu theo năm tháng.

Đặc biệt, lư đồng An Hội có hình dáng đẹp, đường nét tinh xảo, càng nhìn lâu càng có hồn, nhiều người Việt ở nước ngoài thường tìm đến tận lò đặt mua để trưng bày trên bàn thờ tổ tiên và những nơi thờ phụng trang nghiêm.

Có lẽ không nên nói rằng nhờ những người thợ đúc đồng như tôi thì làng nghề mới tồn tại đến hôm nay. Cách nói đúng hơn là nhờ những người còn yêu thích sản phẩm lư đồng làm tay mới giúp giữ những giá trị bất tử của nghề đúc thủ công.

* Nghề đúc đồng cực nhọc dường như không phù hợp với người lớn tuổi như ông. Vợ và các con ông có khuyên ông nên “giải nghệ” để có thời gian vui thú điền viên?

Vợ tôi biết tôi mê nghề từ lúc trẻ nên không “than phiền” gì. Còn với các con, tôi hay nhắc nhở rằng nhờ nghề đúc đồng mà tôi có thể nuôi chúng lớn khôn, trở thành cử nhân kinh tế, kỹ sư điện lực… chính vì lẽ đó mà tôi không thể phụ nghề và các con không thể khuyên tôi bỏ nghề.

* Cảm ơn ông về buổi trò chuyện thú vị. Chúc ông nhiều sức khỏe để tiếp tục công việc truyền nghề, tránh để nghề đúc đồng thủ công mai một theo thời gian.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cho thiếu nợ, không lo mất tiền
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO