Tiêu chí còn mơ hồ

C.CẦU| 01/04/2010 05:56

Chọn vật phẩm cho 1.000 năm sau là một trong những nội dung dự án Gửi tới mai sau thuộc chương trình Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Nhưng càng đến gần ngày khép lại dự án, càng có nhiều ý kiến băn khoăn.

Tiêu chí còn mơ hồ

Theo dự án, trong 1.000 vật phẩm có 63 vật phẩm của 63 tỉnh, thành phố trong cả nước và 937 hiện vật do nhân dân đề xuất. Vật phẩm có tính chất tiêu biểu và đặc trưng cho cuộc sống hằng ngày giúp người Việt 1.000 năm sau hiểu biết về con người hôm nay; mang đặc trưng của từng vùng, miền và làm cho các thế hệ mai sau thấy được tinh hoa văn hóa và trình độ khoa học, công nghệ của đất nước ở thời điểm Thủ đô tròn 1.000 tuổi.

Vật phẩm có thể là vật dụng đơn giản và gần gũi như những món đồ dùng hằng ngày, nhãn mác các mặt hàng nổi tiếng, báo chí viết về những sự kiện nóng hổi của đời sống, những tấm ảnh kỷ niệm, đồng xu, hay vật phẩm thể hiện sự phát triển của khoa học công nghệ, như đầu thu sóng truyền hình, điện thoại di động...

Các vật phẩm có khối lượng không quá 100cm3 đặt trong thiết bị có dung tích khoảng 1.000 lít, làm bằng chất liệu vĩnh cửu và tạo môi trường chân không do các chuyên gia Hàn Quốc thiết kế. Thiết bị này chôn xuống “Khu lưu giữ vật phẩm” khoảng 1.000m2 thuộc khuôn viên Bảo tàng Hà Nội.

Bề nổi của Khu lưu giữ vật phẩm được thiết kế như một công viên mô phỏng hình một bông hoa sen lớn. 62 cánh sen tượng tưng cho 62 tỉnh thành. Trên mỗi cánh sen bằng đá thể hiện những tác phẩm điêu khắc, những hình vẽ, thông tin, hoặc biểu tượng của mỗi tỉnh thành. “Nhị hoa” là Thủ đô Hà Nội với 999 lỗ nhụy để hằng năm đến ngày 10/10, Hà Nội sẽ tổ chức lễ đặt một viên đá khắc số của năm đó vào một lỗ nhụy hoa. 999 năm sau nữa sẽ lấp đầy 999 lỗ nhụy và lại bắt đầu Đại lễ Thăng Long - thành phố 2.000 năm tuổi...

Mặc dù với ý nghĩa tốt đẹp nhưng do tiêu chí còn mơ hồ và những vật phẩm gợi ý lại thiếu thuyết phục nên dự án gây nên dư luận trái chiều. GS. sử học Lê Văn Lan, nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc... đều lên tiếng phản ứng với báo chí về dự án này. Họ không tin rằng những vật phẩm như gợi ý của dự án sẽ làm cho con cháu đời sau hiểu chúng ta hơn.

GS. sử học Đỗ Văn Ninh nói, nên đặt vấn đề rõ ràng là chọn vật phẩm theo tiêu chuẩn thẩm mỹ, ứng dụng hay cả hai tiêu chuẩn này chứ tiêu chí chọn vật phẩm theo dự án sẽ làm khó cho hội đồng tuyển chọn...

Về lý do không đưa ra tiêu chí cụ thể và rõ ràng, ông Vũ Phương, Giám đốc Quỹ Văn hóa Hà Nội, đơn vị thực hiện dự án này, giải thích: “Chúng tôi muốn người dân tự do đưa ra ý kiến về vật phẩm chứ không bị bất kỳ một giới hạn nào cả. Tôi cho rằng một cây bút hay chiếc đũa là những vật phẩm được xã hội chấp nhận đều có thể xứng đáng trở thành vật phẩm”.

Theo GS - TS. Tô Ngọc Thanh, nên chia nhóm vật phẩm theo những chủ đề khác nhau và tìm được hiện vật phù hợp với chủ để đó để vừa không bỏ sót hiện vật thú vị mà vẫn phản ánh được phong phú và đa dạng các khía cạnh đời sống xã hội hôm nay. “Mô hình một mâm cơm, bức tranh về hiện trạng giao thông đô thị Hà Nội... đều có thể được.

Không nên quan niệm cái gì gửi tới mai sau phải cao siêu mà có thể là những vật dụng bình thường phản ánh đời sống xã hội và con người hôm nay. Có những vật gần gũi hôm nay ta thấy bình thường chứ 1.000 năm sau thành của quý hiếm. Tôi lấy ví dụ, đồ gốm Bát Tràng thì gia đình nào ở Việt Nam hầu như cũng có nhưng với các nước phương Tây thì có được một chiếc bát hay đĩa Bát Tràng người ta quý lắm.

Tất nhiên, chọn những hiện vật gì cũng phải ngồi bàn bạc và chọn lựa kỹ càng”, ông chia sẻ. Còn GS. Đỗ Văn Ninh nói, “Để lại cho đời sau những pho tượng Phật nho nhỏ hay đồ dùng hoặc vật trang trí nào đó trong đình chùa đều có thể chấp nhận được. Đó là một phần hình ảnh đời sống tâm linh của người Việt hôm nay”.

Khi dự án không thống nhất tiêu chí chọn vật phẩm thì chắc chắn sẽ còn xảy ra tranh cãi xung quanh việc chọn vật phẩm này mà không chọn vật phẩm kia. Còn một điểm đáng tiếc nữa của dự án này là việc tổ chức lấy ý kiến đóng góp của nhân dân trên các phương tiện thông tin đại chúng còn hạn chế.

Có ý kiến cho rằng, theo thời gian, trình độ khoa học công nghệ lưu trữ các giá trị sáng tạo của con người cả dạng vật thể và phi vật thể dễ dàng giới thiệu cho hậu duệ chúng ta sau 1.000 năm, thậm chí 2.000 năm nữa biết rõ người Việt thế kỷ XXI sống ra sao. “Để gửi gắm thông điệp thì không có gì tốt bằng gửi gắm nguyện vọng và mong ước của chúng ta trong đời sống hôm nay”, GS - TS. Tô Ngọc Thanh nói. GS sử học Đỗ Văn Ninh bày tỏ: “Nếu để lại được những gì có tính chất như di tích khảo cổ học thì ngàn năm sau vẫn còn hay lắm”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tiêu chí còn mơ hồ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO