Tinh giản biên chế: Cắt ai, ai cắt?

Chuyên gia kinh tế BÙI KIẾN THÀNH| 18/02/2014 03:40

Thực tế, Việt Nam có quá nhiều công chức. Theo số liệu của các cơ quan trung ương, Việt Nam có 90 triệu dân nhưng có tới 2,8 triệu công chức, một con số quá lớn.

Tinh giản biên chế: Cắt ai, ai cắt?

Thực tế, Việt Nam có quá nhiều công chức. Theo số liệu của các cơ quan trung ương, Việt Nam có 90 triệu dân nhưng có tới 2,8 triệu công chức, một con số quá lớn.

>6 năm, cắt giảm 100.000 biên chế vẫn khả thi
>Chuẩn bị tinh giản biên chế 100.000 công chức

Công chức làm những việc chồng chéo lên nhau, công việc bộ, ngành này chồng chéo lên bộ, ngành kia. Vì vậy, Chính phủ và các cơ quan hành chính từ trung ương đến địa phương cần tổ chức lại cho gọn nhẹ. Giảm biên chế không phải chỉ dừng lại ở con số 100.000 mà có thể còn nhiều hơn nữa, nhưng quan trọng nhất là tổ chức bộ máy hành chính như thế nào cho phù hợp.

Bộ Nội vụ mới đây đã công bố dự thảo nghị định của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế để lấy ý kiến các bộ, ngành và người dân. Việc tinh giảm biên chế không mới nhưng lần này Nhà nước quyết tâm làm, nên đó là cơ hội để tổ chức lại hệ thống hành chính.

Tuy nhiên, việc thực hiện không đơn giản, bởi công chức không muốn làm viêc nhiều, không muốn làm những việc thực sự họ phải làm, không ít người đã và đang làm việc "tay trái" để có tiền riêng, hay chỉ làm những việc theo "đơn đặt hàng".

Cắt giảm được 100.000 biên chế, ngân sách không bớt được bao nhiêu áp lực, vì lương công chức bây giờ quá thấp, Bộ trưởng chỉ 8-9 triệu đồng/tháng. Lương như thế, người ta không sống được nên phải có những thu nhập khác.

Theo nghĩa đó, người tử tế thì "ăn cắp thời gian" để làm việc khác trong giờ hành chính, người không tử tế thì bán quyền lấy lợi, miễn là có thêm thu nhập. Nhà nước không giải quyết được vấn đề lương cho công chức thì không "trị” người ta được.

Chỉnh đốn lại bộ máy hành chính để nó hiệu quả hơn, giảm biên chế là một trong những việc phải làm, nhưng sẽ thực hiện như thế nào khi Việt Nam không chỉ có một bộ máy hành chính mà còn có bộ máy của Đảng. Nếu giảm biên chế hành chính, có giảm biên chế bộ máy của Đảng không và giảm như thế nào?

Việc đánh giá cán bộ có hai phần, bên hành chính họp lại và bỏ phiếu xác định người làm việc không hiệu quả, sau đó, chi bộ Đảng sẽ đánh giá lại. Hai việc đó phải giải quyết như thế nào, nếu người ta vẫn nể nang mà bỏ phiếu cho nhau, thậm chí móc ngoặc với nhau để được ở lại trong biên chế, bởi việc chấp nhận bỏ đi quyền lợi của mình là rất khó.

Trên thực tế, chi phí quản lý của Việt Nam bây giờ là ảo vì lương công chức lãnh từ ngân sách chỉ là một phần thu nhập, còn đối với quốc gia, công chức ấy thu vào bao nhiêu thì vẫn là "cái phí” của Nhà nước dù "cái phí” thu vào đó không hợp pháp, không hợp lệ nhưng đủ để những công chức ấy sống và làm công việc quản lý nhà nước.

Bộ Nội vụ dự kiến từ 2014-2020, tinh giản biên chế khoảng 100.000 người, trong đó khoảng 80% giải quyết nghỉ hưu trước tuổi và 20% giải quyết thôi việc. Tổng kinh phí thực hiện tinh giản biên chế số cán bộ, công chức, viên chức dự kiến khoảng 8.000 tỷ đồng.

Như vậy, để có một bộ máy hoạt động hiệu quả, chỉ còn cách chờ công chức đến tuổi nghỉ hưu và không tuyển thêm nữa hoặc pháp luật có những quy định mới để cắt giảm những thành phần "củi mục".

Một vấn đề nữa không dễ thực hiện. Bên hành pháp không hoàn toàn có quyền để xử lý vấn đề nhân sự, bởi quy định ở Việt Nam là không đuổi việc người đã vào biên chế. Ông bộ trưởng không có quyền cắt chức, hay cho nghỉ việc một nhân viên trong chính cơ quan mình quản lý khi họ được biên chế.

Ông bộ trưởng cũng không có quyền thuyên chuyển một công chức từ vị trí này sang vị trí khác một khi bên tổ chức Đảng đã quyết định vị trí cho nhân sự này.

Bộ Tài chính năm ngoái từng đề xuất giảm lương công chức nhằm giảm áp lực cho ngân sách và bây giờ Bộ Nội vụ đề xuất cắt giảm 100.000 công chức. Nhưng nếu cứ nói giảm biên chế một cách duy ý chí thì không giải quyết được vấn đề sinh sống cho công chức và càng không xử lý được tham nhũng.

Từ thực tế hiện nay, cải cách hành chính phải được tính lại. Hiện nay, Việt Nam có bao nhiêu công chức, Nhà nước phải biết nền kinh tế cần phải chi ra bao nhiêu tổng sản phẩm quốc nội cho vấn đề hành chính. Như vậy, Nhà nước phải biết sẽ cần dùng bao nhiêu công chức, mức lương như thế nào để công chức có thể sống được mà vẫn phù hợp với ngân sách và mang lại hiệu quả cho xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tinh giản biên chế: Cắt ai, ai cắt?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO