Nhà phải có bếp, bếp phải có lửa…

NGUYỄN TIẾN BÌNH (Q.11, TP.HCM)| 20/10/2010 05:48

Nhà phải có bếp, bếp phải có lửa, mỗi ngày phải có bữa cơm”, bí quyết giữ ấm nếp nhà, bảo vệ hạnh phúc gia đình các bà, các mẹ ngày xưa truyền lại đến ngày nay có bao nhiêu đó.

Nhà phải có bếp, bếp phải có lửa…

“Nhà phải có bếp, bếp phải có lửa, mỗi ngày phải có bữa cơm”, bí quyết giữ ấm nếp nhà, bảo vệ hạnh phúc gia đình các bà, các mẹ ngày xưa truyền lại đến ngày nay có bao nhiêu đó. Đơn giản, học dễ nhưng khó thực hiện. Càng khó hơn khi cả hai vợ chồng, hai thành viên chính trong gia đình, đều thành đạt, có nhiều mối quan hệ ngoài xã hội, được nhiều người ngưỡng mộ, nể trọng.

Thể lệ cuộc thi: "Giữ ấm nếp nhà"

Nói như vậy nghe có vẻ mâu thuẫn, lẽ ra hạnh phúc gia đình tỷ lệ thuận với sự thành đạt, giàu có. Nhưng trong thực tế, rất nhiều trường hợp lại là một tỷ lệ nghịch đáng buồn.

Nhà nào mà không có bếp. Tuy nhiên, bếp luôn đỏ lửa để vợ chồng, con cái quây quần bên mỗi bữa cơm là chuyện không phải nhà nào cũng làm được. Thời trai trẻ, lúc mới ra trường đi làm, mỗi chiều tan sở, tôi từng ái ngại khi chứng kiến mấy chị nhân viên đã lập gia đình tất bật, vội vã về nhà chuẩn bị bữa cơm cho chồng con.

Có khi trên xe mấy chị còn treo lủng lẳng miếng thịt, bó rau... tranh thủ mua từ trưa. Các chị hầu như từ chối mọi cuộc vui (đi ăn uống, hát hò...) của cơ quan sau giờ làm việc để chạy về nhà làm tròn nghĩa vụ mà tôi cho là vô cùng nhàm chán ấy. Thỉnh thoảng cực chẳng đã mới thấy họ miễn cưỡng tham gia khi bị đích thân sếp mời, không đi không được.

Trong cuộc vui, mấy chị cứ nhấp nha nhấp nhổm chuyện nhà cửa và luôn là những người về sớm. Lúc đó tôi còn trẻ, lại độc thân nên không hiểu được đó là những “hối hả” của hạnh phúc gia đình. Đôi khi tôi còn trêu chọc: “Quên chồng con một bữa cũng có sao đâu!”. Thường mấy chị chỉ cười trừ: “Sau này có vợ em mới hiểu”.

Không cần đến khi có vợ, chỉ sau đó ít lâu, hạnh phúc gia đình sếp tan vỡ đã giúp tôi hiểu được điều đó. “Nhà phải có bếp, bếp phải có lửa, mỗi ngày phải có bữa cơm”, sếp tôi “lè nhè” giáo huấn trong một bữa nhậu. Tuy nói trong lúc có hơi men, nhưng thực tế sếp đã phải trả một cái giá cay đắng mới rút ra được một “chân lý” như vậy.

Tôi cũng không hiểu rõ chuyện gia đình của sếp, chỉ biết đại khái vợ sếp cũng là sếp một doanh nghiệp lớn. Thế nên, điều không tránh khỏi là những bữa cơm gia đình có đủ mặt bố mẹ, con cái ngày càng thưa dần và hầu như biến mất vì các buổi tiếp khách, gặp gỡ đối tác, tiệc tùng chiêu đãi liên tu bất tận của hai doanh nghiệp.

Bếp lạnh tanh, chuyện ăn uống của thằng con cũng giao cho bên nội lo. Cuối cùng chuyện gì đến phải đến, vợ sếp ngoại tình rồi đòi ly hôn. Sếp tôi suy sụp hẳn khi đối mặt với sự thật và đến lúc đó ông mới nhận ra, chính việc bỏ bê bữa cơm gia đình, chỉ thích tiệc tùng, vui chơi ở bên ngoài để thỏa ý thích cá nhân đã đẩy gia đình ông đến đổ vỡ.

Chứng kiến bi kịch của gia đình sếp, nên điều tôi sợ nhất là không gian lạnh lẽo của nhà bếp với cái bếp không được nổi lửa. Có những ngày vợ đi vắng tôi cũng ráng bật bếp... nấu nước để nhen lên không khí ấm cúng cho ngôi nhà. Có thể sự ấm cúng ấy nhắc cha con tôi nhớ đến bàn tay nội trợ, cái dáng tất tả của vợ và nhớ cả những tiếng càu nhàu của cô ấy...

Để rồi, khi đi đâu xa, hay quá đà trong một cuộc vui nào đấy, bắt gặp hình ảnh của những cái bếp khác (của quán nhậu chẳng hạn), tôi sẽ tự nhắc mình phải buông bỏ tất cả để về với gia đình. 

“Sống cho phải đạo với ký ức”

Người cha trong bài Gia tài trong chiếc hộp già nua của Lương Diễm đã nói với các con “Sống cho phải đạo với ký ức”. Tôi xin mượn lời nói của ông, làm tựa đề cho bài tổng kết các bài dự thi trong tháng 9/2010.

Một chiếc hộp cũ kỹ được người cha nâng niu, gìn giữ. Các con cứ nghĩ người cha đã cất giấu vàng bạc hoặc vật gia bảo, để mai sau truyền lại cho con cháu. Nào ngờ trong chiếc hộp chỉ có những mảnh giấy ố màu. Đó là những thiệp cưới của bạn bè và người thân, nhưng tờ giấy ghi vội ngày giờ sinh của những đứa cháu...

Khi vợ chồng người con lớn bất hòa trong hôn nhân, người cha đã lấy ra chiếc thiệp cưới của họ hai mươi năm trước. Đó là những năm tháng hạnh phúc, sao hai con không biết giữ gìn? Nhìn tấm thiệp đó, những kỷ niệm ngọt ngào ngày xưa ùa về, vợ chồng người con dễ dàng quên đi mối bất hòa hiện nay. Biết sống phải đạo với ký ức, người ta sẽ sống tốt hơn trong hiện tại. Đó là cách giữ ấm nếp nhà rất đặc biệt và sâu sắc mà một người cha đã dạy cho các con.

Yêu thương - phương thuốc nhiệm màu của Đinh Gia viết về một người cô bị bệnh tâm thần. Cô phải sống nhờ gia đình người anh. Tuy phải làm việc nhà vất vả nhưng lúc nào cô cũng tươi cười. Rồi một chiều cô ra sông giặt áo, trượt chân ngã xuống sông và bị nước cuốn trôi ở tuổi 40. Tác giả là một người cháu, thấy họ hàng đối xử với cô thiếu tình yêu thương chỉ vì cô là người không bình thường. Anh nghĩ, chỉ cần tôn trọng và thật lòng yêu thương người không được bình thường, họ sẽ dễ dàng hòa nhập, dễ dàng thể hiện mình...

Có lẽ tác già không sống chung trong một gia đình với người cô bị tâm thần nên nghĩ vậy. Đối với cha mẹ có người con khỏe mạnh và thành đạt, họ hãnh diện về người con đó. Nếu cha mẹ có người con bị khuyết tật và chịu nhiều thất bại, họ sẽ yêu thương người con này hơn. Và trong anh em nếu có người không bình thường, họ nghĩ người đó chịu “tội” thay cho mình, nên họ cũng yêu thương người đó hơn những người khỏe mạnh khác.

Bữa cơm gia đình rất quan trọng trong việc giữ gìn hạnh phúc gia đình. Hiểu được điều đó nên chị Nguyễn Thị Liên viết Giữ tình trong mâm cơm và anh Nguyễn Tiến Bình viết Nhà phải có bếp, bếp phải có lửa...

Một tác giả với tư cách người vợ, lo công việc ở cơ quan xong về nhà chị lại phải lo công việc bếp núc. Mệt mỏi khiến chị thường gắt gỏng và người chồng phải than thở: “Em nói ít một chút thì bữa cơm sẽ ngon”. Chị đã nhận ra mình sai lầm và tự điều chỉnh, để có thời gian tâm sự với chồng con và thư giãn trong bữa cơm chiều.

Một tác giả với tư cách người chồng, rút kinh nghiệm từ vợ chồng sếp, mỗi người vì mải lo tiệc tùng tiếp khách hằng ngày nên để bếp nhà lạnh tanh và cuối cùng họ đã phải chia tay. Anh nhận ra bí quyết để giữ ấm nếp nhà: “Nhà phải có bếp, bếp phải có lửa, mỗi ngày phải có bữa cơm.” Có như vậy mọi người trong gia đình mới gần gũi và thương yêu nhau.

Theo tôi, Gia tài trong chiếc hộp già nua của Lương Diễm có ý nghĩa sâu sắc hơn các bài viết khác trong tháng 9/2010.

ĐOÀN THẠCH BIỀN

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nhà phải có bếp, bếp phải có lửa…
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO