Người bệnh được gì khi quỹ BHYT dư tiền?

27/12/2010 01:02

Sau bốn năm bội chi, năm 2010 quỹ bảo hiểm y tế đã có dư 3.500 tỉ đồng. Do mức đóng tăng hay do quyền lợi người bệnh chưa tương xứng với mức đóng mới? Tuổi Trẻ trao đổi với ông Nguyễn Văn Tiên - phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội.

Người bệnh được gì khi quỹ BHYT dư tiền?

(ảnh chụp tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định, TP.HCM) - Ảnh: T.ĐẠM

Sau bốn năm bội chi, năm 2010 quỹ bảo hiểm y tế đã có dư 3.500 tỉ đồng. Do mức đóng tăng hay do quyền lợi người bệnh chưa tương xứng với mức đóng mới? Tuổi Trẻ trao đổi với ông Nguyễn Văn Tiên - phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội.

Ông Tiên nói:

- Có bốn nguyên nhân khiến quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) dư tiền: năm 2010 là năm tăng gấp rưỡi mức đóng, từ 3% lương cơ bản lên 4,5% lương; Nhà nước tăng hỗ trợ cho người nghèo, trước dưới 100.000đ/người nay lên hơn 300.000đ; cơ chế cùng chi trả hạn chế tình trạng lạm dụng, nếu không cùng chi trả cả bệnh viện và bệnh nhân cùng lạm dụng; bệnh viện có quy trình chặt chẽ hơn, góp phần quỹ dư tiền.

Để “1 đồng phòng bệnh bằng 8 đồng chữa bệnh”

* Thưa ông, dư 3.500 tỉ đồng, một số tiền rất lớn với những người đã tham gia đóng góp cho quỹ. Ông có nghĩ đến nguyên nhân quyền lợi của người tham gia chưa tăng khi mức đóng lại tăng gấp rưỡi không?

- Các kỹ thuật y tế mới ra nhiều, như mổ thoát vị cột sống cổ bằng sóng siêu cao tần lẽ ra phải đưa vào danh mục BHYT chi trả, Bệnh viện Việt Đức - nơi thực hiện kỹ thuật - đã đề nghị vài lần nhưng vẫn chưa được xem xét. Tiền đóng tăng rồi, quyền lợi của người tham gia cũng phải tăng mới khích lệ người chưa tham gia BHYT tham gia. Năm qua người cận nghèo tham gia BHYT rất ít. Những địa phương hỗ trợ nhiều, người cận nghèo còn tham gia.

Còn địa phương không hỗ trợ (chỉ có phần hỗ trợ của ngân sách nhà nước là 50% mệnh giá thẻ - PV) chỉ 1-2% người cận nghèo tham gia, mà chỉ là những người ốm nặng, cần mổ tim, chạy thận... mới tham gia. Quy định BHYT chi trả cho việc tầm soát, chẩn đoán sớm một số bệnh cũng chưa thực hiện được, theo tôi biết thì sắp tới sẽ bắt đầu chi tầm soát ung thư vú, ung thư cổ tử cung. Rất nên thực hiện sớm dịch vụ này vì chi 1 đồng phòng bệnh tương đương với chi 8 đồng cho chữa bệnh. Các chẩn đoán sớm tiểu đường, tăng huyết áp cũng cần đưa vào quỹ BHYT chi trả, tăng chi cho y tế cộng đồng để phát hiện bệnh sớm.

* Thưa ông, nhưng mức dư này lại chưa đáng kể so với mức đóng tăng mạnh trong năm 2010, liệu có phải do chi phí BHYT tăng vọt liên quan đến việc lạm dụng dịch vụ hay không?

Ông Nguyễn Văn Tiên - Ảnh: VIỆT DŨNG

- Một trong những điều Quốc hội đã nói nhiều mà ngành y tế chưa đưa ra được là chuẩn hóa xét nghiệm. Từ bệnh viện này sang bệnh viện khác có cần xét nghiệm lại không, hay từ tỉnh xét nghiệm, lên T.Ư lại xét nghiệm, sang bệnh viện T.Ư khác lại xét nghiệm vì không công nhận lẫn nhau? Cái đó đáng quan tâm, cơ quan quản lý nhà nước phải xem xét, ví dụ như bệnh viện nào thì được công nhận chuẩn xét nghiệm. Tất nhiên là có vấn đề xét nghiệm nào cũng cần phải có người đọc xét nghiệm, nhìn một cái phim có khi mỗi bác sĩ đọc ra những vấn đề khác nhau và cơ sở y tế lấy lý do như vậy.

Loay hoay và chưa hấp dẫn

* Tăng thu từ xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh khiến bệnh viện có lãi nhiều, nhưng gần đây tại hội nghị tài chính y tế, bệnh viện nào cũng kêu lỗ?

- Tài chính y tế phải ở hiệu quả đầu ra, chi mấy ngàn tỉ cho người nghèo nhưng bao nhiêu người nghèo được khám chữa bệnh? Nên chuyển sang cơ chế giảm chi cho bệnh viện, hiện bệnh viện huyện được ngân sách chi 40 triệu đồng/năm/giường bệnh, bệnh viện tỉnh được chi 70 triệu đồng/năm/giường, nhưng sau này chuyển sang tăng hỗ trợ trực tiếp cho bệnh nhân, hỗ trợ rất cao cho người nghèo, để bệnh viện tự xoay theo cơ chế, bệnh nhân không phải đi xin. Muốn thế phải có thêm nhiều cơ sở y tế tư nhân, cơ sở dịch vụ công không thuộc Nhà nước mà Bệnh viện Bưu điện là một ví dụ, lúc đó người dân sẽ lựa chọn. Nhưng theo tôi phải 10-15 năm nữa.

* Năm 2011 viện phí sẽ tăng, mà năm 2010 riêng BHYT người cận nghèo phải trả lại Nhà nước hơn 1.000 tỉ đồng vì không tiêu được. Theo ông, tăng viện phí trong tình huống BHYT cho đối tượng chính sách chưa thực hiện xong có là phù hợp?

- Tôi đi hai tỉnh Bạc Liêu, Bắc Giang thấy bảo hiểm xã hội thông báo tài chính còn đang nợ 10 tỉ đồng ngân sách hỗ trợ học sinh tham gia BHYT, thẻ đã mua mà tiền thì tài chính không chi. Tiền Nhà nước đã cho, nhưng địa phương không thực hiện, một phần lỗi của ngành y tế. Trách nhiệm của quản lý nhà nước là kiểm tra, thanh tra. Một phần lý do là do tuyên truyền, chính sách BHYT ưu việt, nhưng đi các địa phương tôi để ý thấy rất ít cổ động cho chính sách BHYT.

Về viện phí, theo tôi được biết mức tăng sẽ thấp hơn dự kiến đã công bố tháng 7-2010, vì sau khi lấy ý kiến các ban ngành, xét các điều kiện, trong đó có lộ trình BHYT toàn dân, sẽ tăng viện phí theo lộ trình. Chỉ đảm bảo đến năm 2014 thực hiện BHYT toàn dân, với cơ chế lúc đó là thực hiện BHYT bắt buộc cho hầu hết các nhóm và viện phí lúc đó sẽ tăng cao.

* Có một vấn đề là người bệnh đi khám chữa bệnh hiện gặp rất nhiều khó khăn, BHYT lại thêm quy định về khám theo tuyến, càng khó khăn với người bệnh vì họ có bảo hiểm là phải được khám theo nhu cầu. Ông nghĩ sao về điều này?

- Luật quy định người bệnh có thể khám từ tuyến xã hoặc tuyến huyện, khi thi hành luật, người ta tập trung hơn cho nhóm nội trú, bệnh nặng, nhưng nhóm bệnh nhân bệnh mãn tính, tuổi cao chăm sóc ngoại trú lại không tốt. Thực tế bệnh nhân nhẹ chạy thẳng lên tuyến T.Ư, gây quá tải bệnh viện, mà nghị định 43 cho phép bệnh viện tự chủ về tài chính, vì thế càng quá tải thì bệnh viện càng thích vì sẽ thu được nhiều.

Thật ra tuyến y tế chỉ có vai trò ở giai đoạn này, còn nếu cơ sở y tế tuyến dưới mạnh lên, tăng khả năng lựa chọn, người dân phải được vào tất cả các bệnh viện trong bảo hiểm của mình. Các nước có vai trò bác sĩ gia đình, một bác sĩ chăm sóc vài trăm gia đình và khi có bệnh thì bác sĩ này sẽ chỉ định bệnh viện chữa trị. Của ta thì mới có một vài địa phương manh nha hình thức này. Cái chính là Bộ Y tế phải có chính sách, vận động các bác sĩ về hưu tiếp tục làm việc trong vai trò bác sĩ gia đình và BHYT sẽ chi trả.

* Chúng ta đang nói nhiều đến tính chưa hấp dẫn của BHYT ở VN. Theo ông, cái chưa được, cái được của mô hình BHYT VN là gì?

- Khi xem xét BHYT, Mỹ, Anh chi rất cao, 7.000 USD/người/năm, nhưng Mỹ vẫn có 40 triệu người chưa có BHYT, nếu đã đặt stent động mạch vành rồi thì lần sau phí BHYT sẽ rất cao. Cái đó là do BHYT tư nhân là chủ yếu. Nhưng nhiều nước không cần chi nhiều, BHYT vẫn công bằng và hiệu quả hơn, Nhật chỉ chi có 2.800 USD/người/năm, chỉ có BHYT nhà nước, còn tư nhân hạn chế, chỉ là phụ thêm cho những ai có yêu cầu cao hơn. Nhà nước áp dụng cái “sàn” ba sao cho tất cả mọi người, chứ không như Mỹ có tiền là 4-5 sao, không có thì thôi.

Nhưng ở ta còn đang lẫn lộn, vẫn chi cho bệnh viện, chi cho bệnh nhân, mà lẽ ra phải giảm chi bệnh viện, tăng chi cho bệnh nhân. Lộ trình từ nay đến năm 2014 sẽ chuyển sang bệnh nhân nhiều hơn. Nhưng chuyển hết phải 5-10 năm nữa, khi bệnh viện phải thật sự độc lập tự chủ. Nhiều người nghi ngờ khả năng tăng số lượng bệnh viện chất lượng cao ở VN, như Hàn Quốc trước đây họ cũng giống VN, chỉ có một Bạch Mai, một Việt Đức, nhưng giờ họ có mấy chục Bạch Mai, Việt Đức.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Người bệnh được gì khi quỹ BHYT dư tiền?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO