Trung Quốc trước làn sóng tư nhân hóa quốc doanh

THỤY KHA| 11/09/2014 07:05

Trung Quốc (TQ) dưới thời ông Tập Cận Bình đang thực hiện những cải cách quyết liệt khu vực doanh nghiệp (DN) quốc doanh.

Trung Quốc trước làn sóng tư nhân hóa quốc doanh

Trung Quốc (TQ) dưới thời ông Tập Cận Bình đang thực hiện những cải cách quyết liệt khu vực doanh nghiệp (DN) quốc doanh.

Đọc E-paper

Jin Jiang là một trong những tập đoàn khách sạn lớn nhất tại TQ, quản lý hơn 123.000 phòng tại 40 thành phố. Jin Jiang, do chính quyền Thượng Hải quản lý, từng tổ chức đón tiếp 350 nguyên thủ nước ngoài tới TQ trong thế kỷ qua, bao gồm Tổng thống Mỹ Richard Nixon vào năm 1972. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Jin Jiang đang rơi vào tình trạng ế khách vì cơ sở vật chất không được khách VIP đánh giá cao. Jing Jiang đang trong kế hoạch cải tổ và đi đến quyết định chưa từng có là bán một phần cho tư nhân.

Khi mọi người nghĩ đến các công ty nhà nước ở TQ, họ thường nghĩ đến các ngân hàng hoặc các công ty dầu mỏ khổng lồ. Nhưng thực tế, đa số trong 155.000 DN thuộc sở hữu nhà nước có hoạt động giống như Jin Jiang. Đây là những DN mặc dù có đặc quyền nhưng lại đang bị các đối thủ khu vực tư nhân vượt mặt.

Có hai vấn đề chính mà doanh nghiệp nhà nước (DNNN) của TQ hiện nay đang phải đối mặt. Đầu tiên, họ hoạt động tập trung vào những lĩnh vực được coi là "khu vực chiến lược" như hàng không, năng lượng và viễn thông. Đây là những ngành công nghiệp mà Chính phủ TQ tin rằng phải chiếm lĩnh để duy trì quyền kiểm soát của một nền kinh tế ngày càng phức tạp. Thực tế, chỉ có chưa đầy một nửa số DNNN hoạt động trong những lĩnh vực đặc thù này.

Trong khi đó, có đến khoảng 80.000 DN hoạt động trong lĩnh vực kiếm lời nhanh như khách sạn, bất động sản, nhà hàng và trung tâm mua sắm... Hưởng lợi từ nguồn tài chính rẻ hơn từ ngân hàng nhà nước, các ưu đãi về thuế, đất đai... khiến hầu hết DNNN nhảy vào những lĩnh vực "không thuộc về mình" để thu lời nhanh.

Thứ hai, mặc dù có những lợi thế này, nhưng DNNN ngày càng sa sút và yếu thế hơn các DN tư nhân. Theo cuộc tổng điều tra kinh tế do TQ thực hiện năm 2008, DNNN chỉ chiếm 3% tổng số DN trên cả nước nhưng kiểm soát đến 30% tổng tài sản của khu vực DN phi nông nghiệp. Nếu xét tỷ lệ lợi nhuận trên tài sản, DNNN kém hiệu quả là vấn đề bất thường.

Công ty Nghiên cứu Kinh tế Gavekal Dragonomics, trụ sở tại Bắc Kinh, ước tính sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu mới đây, chênh lệch năng suất giữa DNNN và DN tư nhân tại TQ đã mở rộng. Hiện, tỷ lệ lợi nhuận trung bình trên tài sản của DNNN khoảng 4,6%, trong khi DN tư nhân khoảng 9,1%.

Vì vậy, cải cách khu vực DNNN được các chuyên gia đánh giá là "một trong những cải cách quan trọng nhất đối với TQ". Một loạt các thông báo trong vài tháng qua cho thấy, cải cách đang tiếp tục. Tháng 3, Tập đoàn Tài chính Citic, một trong những DNNN lớn nhất của TQ, công bố kế hoạch bán 37 tỷ USD cổ phần của công ty con tại Hồng Kông là Citic Pacific. Tháng 5, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia TQ (PetroChina) thông báo sẽ chuyển nhượng cổ phần của Công ty Đường ống Miền Đông, công ty con của PetroChina vừa được thành lập, và sẽ tiếp tục chuyển nhượng tài sản của PetroChina trong thời gian tới.

PetroChina hiện là tập đoàn lớn nhất TQ và đứng thứ ba thế giới trong số 50 tập đoàn dầu khí toàn cầu. Trong tháng 5, Tập đoàn Hóa chất và Dầu khí TQ (Sinopec) cũng công bố bán 30% cổ phần của công ty con là Công ty TNHH Hóa dầu TQ cho tư nhân. Đến tháng 7, Chính phủ TQ công bố cho tư nhân đầu tư vào 6 DNNN trực thuộc trung ương, trong đó có Công ty Khai thác và Đầu tư Quốc gia TQ. Các nhà hoạch định chính sách hy vọng việc tư nhân hóa DNNN trong khu vực phi chiến lược sẽ giúp nâng cao hiệu quả của DN.

Trước đó, cuối năm 2013, Chính phủ TQ đã cho tiến hành cải cách DNNN nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh. Theo đó, các thành phố Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Đông, Trùng Khánh... bắt đầu thực hiện thí điểm chương trình cải cách DNNN. Đặc biệt, Thượng Hải có kế hoạch tư nhân hóa hơn 60% DNNN.

Các tỉnh miền nam Quảng Đông gần đây đã tổ chức một cuộc họp công bố cổ phần trong 50 DNNN. Thượng Hải trong tháng 6 đã bán 12% cổ phần của tập đoàn khách sạn Jin Jiang cho Hony Capital, một công ty tư nhân địa phương...

Trước các động thái trên, các chuyên gia phương Tây chú ý đến chính sách kinh tế đầy tham vọng khi TQ tuyên bố mở rộng quyền hạn kinh tế cho tư nhân, giải tỏa khu vực tài chính và ngân hàng, hiện đại hóa thủ tục tham gia thị trường chứng khoán... giảm bớt các rào cản đối với doanh nghiệp nước ngoài trong một số lĩnh vực.

Riêng đối với khu vực quốc doanh, Trung Quốc dưới thời ông Tập Cận Bình, từng bước thu hẹp vai trò và thế lực của các tập đoàn DNNN. Giới quan sát đánh giá cao lộ trình kinh tế của Bắc Kinh nhưng câu hỏi đặt ra là những mục tiêu đầy tham vọng đó liệu sẽ được thực hiện tới đâu?

>Doanh nghiệp Trung Quốc ‘đổ bộ’ vào châu Phi
>Myanmar: Doanh nghiệp Trung Quốc bị xua đuổi khắp nơi
>
Doanh nghiệp Trung Quốc vay nợ kỷ lục

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Trung Quốc trước làn sóng tư nhân hóa quốc doanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO