Trung Quốc: Cường quốc thương mại

THỊNH NGỌC| 14/01/2014 04:35

Với tổng kim ngạch thương mại đạt 4,16 ngàn tỷ USD trong năm 2013, Trung Quốc (TQ) lần đầu tiên trong lịch sử vượt qua Mỹ, trở thành quốc gia giao thương lớn nhất thế giới.

Trung Quốc: Cường quốc thương mại

Với tổng kim ngạch thương mại đạt 4,16 ngàn tỷ USD trong năm 2013, Trung Quốc (TQ) lần đầu tiên trong lịch sử vượt qua Mỹ, trở thành quốc gia giao thương lớn nhất thế giới.

TQ chính thức trở thành cường quốc thương mại

Số liệu của Chính phủ TQ cho biết, trong năm 2013, TQ đã tăng kim ngạch xuất khẩu lên 2,21 ngàn tỷ USD, nhập khẩu tăng 1,95 ngàn tỷ USD, nâng tổng số kim ngạch thương mại nước này lên 4,6 ngàn tỷ USD, tăng 7,6% so với năm trước. Đây được xem là một chuyển biến quan trọng đưa nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này đứng vào hàng ngũ các cường quốc kinh tế lớn nhất trên thế giới. Hiện nay, lượng nhập khẩu và xuất khẩu của quốc gia này chiếm hơn 1/10 tổng kim ngạch thương mại của cả thế giới.

> Trung Quốc: Tận dụng khủng hoảng mua lại công ty nước ngoài
> Trung Quốc có tiến gần kinh tế thị trường?
> Trung Quốc : Rải tiền “mua châu Á”
> “Mua hàng Trung Quốc”: Thêm dầu vào lửa bảo hộ

Thực tế, TQ đã trở thành quốc gia xuất khẩu lớn nhất thể giới vào năm 2009. Tuy nhiên, giới quan sát cũng nghi ngờ về độ chính xác trong thống kê xuất khẩu của TQ, đặc biệt là tình trạng các nhà xuất khẩu của nước này đã nâng khống tổng giá trị hàng xuất để luồn lách quy định về ngoại hối. Mặc dù vậy, một số nhà phân tích cho rằng, thống kê của TQ có bị thổi phồng đi chăng nữa, nước này cũng vẫn sẽ soán vị trí số 1 của Mỹ trong thương mại.

Theo Bộ Thương mại Mỹ, trong 11 tháng của năm 2013, xuất nhập khẩu của Mỹ đạt tổng cộng 3,5 ngàn tỷ USD. Để giữ lại vị trí hàng đầu, Mỹ sẽ phải tăng gấp đôi hiệu suất trung bình hằng tháng trong tháng 12. "Khoảng cách về tổng kim ngạch thương mại giữa TQ và Hoa Kỳ có thể đã lên đến 250 tỷ USD trong năm 2013. Đây là một khoảng cách khá lớn và khó có khả năng bất kỳ sự điều chỉnh về số liệu nào có thể thay đổi vị trí của hai nước", ông Rajiv Biswas, kinh tế gia tại hãng IHS, nhận định.

TQ hiện là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và là cỗ máy tăng trưởng toàn cầu. Song, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán tăng trưởng của TQ năm nay sẽ giảm còn 7,8% và không thể quay lại mức hai chữ số trong thời gian ngắn. Tuy vậy, theo GS. Richard DAveni từ Đại học Dartmouth (Mỹ), tác giả của cuốn "Tư bản chiến lược: Chiến lược kinh tế mới để giành thắng lợi trong chiến tranh lạnh", TQ vẫn là đối thủ chính của thương mại của Mỹ và Mỹ có thể thua trong cuộc cạnh tranh này. Chính sách thương mại tự do của Mỹ khó có thể cạnh tranh được với cơ chế kinh tế được chính phủ hỗ trợ của TQ.

Với sự hỗ trợ của chính phủ, TQ có thể làm bất kỳ điều gì họ muốn. Chẳng hạn, có thể dùng quy mô sản xuất lớn và doanh thu khổng lồ để đưa giá thép xuống dưới mức thực tế của thị trường, từ đó gây sức ép cạnh tranh toàn cầu. Kể từ khi TQ gia nhập WTO vào năm 2001, chính quyền Mỹ đã nhiều lần đệ đơn kiện TQ về các biện pháp, chính sách thương mại, kinh tế trái ngược với các quy định của tổ chức này.

Từ nhiều năm qua, Mỹ bị nhập siêu nặng nề trong trao đổi thương mại với TQ. Vì vậy, Richard DAveni đề nghị Mỹ nên "dẹp bỏ thương mại tự do" với TQ. Đồng thời, Mỹ phải cứng rắn với TQ và nhận thức được rằng "thương mại tự do chỉ dành cho bạn bè mà thôi".

Một trong các yếu tố dẫn đến sự thay đổi trong cán cân thương mại của TQ là việc TQ đang đẩy nhanh tốc độ quốc tế hóa đồng nhân dân tệ. Trong 8 năm qua, đồng nội tệ của nước này đã tăng giá 35%. Hiện nay, 16% mậu dịch nước ngoài của TQ đã được niêm yết bằng đồng nhân dân tệ, dự báo sẽ tăng lên tới 30% từ nay tới năm 2020.

Như vậy, đồng nhân dân tệ trở thành đồng tiền thứ hai trong thanh toán thương mại đối với nhập khẩu, chỉ sau đồng đô la Mỹ. Còn trên toàn bộ thanh toán thương mại quốc tế, đồng nhân dân tệ vẫn chỉ chiếm 2%. Kết quả này phản ánh nỗ lực và nguyện vọng của Bắc Kinh nhằm biến đồng nhân dân tệ thành một trong những đồng tiền lớn trong trao đổi thương mại quốc tế, tìm cách thoát khỏi sự phụ thuộc vào đồng USD.

Thế nhưng, hai vấn đề nổi cộm đang khiến nhà cầm quyền TQ phải suy nghĩ. Vấn đề thứ nhất liên quan tới biến động của đồng đô la và chi phí giao dịch chuyển đổi. Cả hai yếu tố này đều tác động tới các công ty TQ có giao dịch với quốc tế. Vấn đề thứ hai là việc tích trữ đồng đô la tại ngân hàng trung ương kéo theo thặng dư thương mại TQ. Với dự trữ ngoại tệ trị giá hơn 3.600 tỷ USD, TQ sẽ là nạn nhân đầu tiên nếu đồng USD bị xuống giá.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Trung Quốc: Cường quốc thương mại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO