“Quyền lực thông minh” - Lựa chọn khôn ngoan

LAM HỒNG| 06/06/2009 09:14

Lần đầu tiên trong vòng 60 năm qua, một bộ trưởng ngoại giao Mỹ đã chọn châu Á làm điểm đến đầu tiên sau khi nhậm chức. Cũng giống như Obama, nữ Ngoại trưởng Hillary Clinton đang muốn đưa nước Mỹ tới những điều chưa từng có bằng chiến lược theo đuổi đường lối ngoại giao “quyền lực thông minh”-lấy cân bằng và hòa hợp làm trọng.

“Quyền lực thông minh” - Lựa chọn khôn ngoan

Lần đầu tiên trong vòng 60 năm qua, một bộ trưởng ngoại giao Mỹ đã chọn châu Á làm điểm đến đầu tiên sau khi nhậm chức. Cũng giống như Obama, nữ Ngoại trưởng Hillary Clinton đang muốn đưa nước Mỹ tới những điều chưa từng có bằng chiến lược theo đuổi đường lối ngoại giao “quyền lực thông minh”-lấy cân bằng và hòa hợp làm trọng.

Châu Á – chuyến đi lắng nghe

Chỉ trong một tuần, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton đã có chuyến thăm bốn nước châu Á gồm Nhật Bản, Indonesia, Hàn Quốc và kết thúc tại Trung Quốc vào ngày 22/2. Chọn điểm đến đầu tiên là châu Á thay vì các mối quan hệ truyền thống như Trung Đông hay châu Âu, bà Clinton muốn gửi thông điệp rằng các đồng minh tại lục địa này sẽ ngày càng quan trọng đối với Hoa Kỳ.

Elizabeth Economy, Giám đốc nghiên cứu châu Á của Hội đồng Đối ngoại nói chuyến thăm của bà Clinton là “chuyến đi lắng nghe”. Trong buổi sáng 17/2, bà Clinton đã tới thăm đền thờ Hoàng đế Minh Trị ở Tokyo, nơi bà được vị thủ từ giảng giải “về tầm quan trọng của sự cân bằng và hòa hợp”. Mượn nội dung mang màu sắc tôn giáo này, bà Clinton không giấu giếm người đồng minh châu Á của mình về đường lối ngoại giao mới của Mỹ: “Không chỉ là một ý niệm tôn giáo, mà còn là một khái niệm tốt cho vai trò của nước Mỹ trên thế giới”.

Rõ ràng, trọng tâm của chuyến đi đầu tiên ra nước ngoài và tại châu Á của vị ngoại trưởng đại cường số một là cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, đe dọa hạt nhân và thay đổi khí hậu. Vấn đề không mới nhưng nhiều nhà quan sát cho rằng bà Hillary sẽ mang đến một cách thức giải quyết mới. Ông Michael Green, một chuyên gia châu Á, nguyên là cố vấn của cựu Tổng thống G.W Bush phải thừa nhận là bà Clinton đã chọn đúng hướng, tập trung nỗ lực của chính phủ Mỹ vào những thử thách và cơ hội tại Á châu.

Theo giới phân tích Hoa Kỳ, Ngoại trưởng Mỹ mang đến Á châu thông điệp của “quyền lực mềm”, dùng kinh tế, văn hóa và ngoại giao để phát huy ảnh hưởng thay vì sử dụng sức mạnh quân sự như người tiền nhiệm đã làm tại Trung Đông. Khi thông báo chuyến công du của Ngoại trưởng Mỹ, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Robert Wood nhận định: “Chọn châu Á để viếng thăm đầu tiên là một tín hiệu mạnh mẽ để chứng tỏ Hoa Kỳ xem châu lục này rất quan trọng trong chính sách ngoại giao trước những thách thức mà cả thế giới phải đương đầu, từ khủng hoảng kinh tế đến thay đổi khí hậu và an ninh”.

Chọn Tokyo là điểm đến đầu tiên, Washington muốn trấn an Nhật Bản rằng Hoa Kỳ sẽ không bắt tay với Trung Quốc thành lập nhóm G2, đi trước nhóm G7. Ưu tiên hàng đầu của bà Hillary Clinton vẫn là cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Nhật Bản là chủ nợ của Hoa Kỳ. Bà Hillary Clinton hy vọng cường quốc châu Á này tiếp tục mua công trái phiếu của Mỹ, tránh để cho kinh tế Hoa Kỳ lún sâu thêm vào suy thoái.

Trong khi đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nhấn mạnh đến chặng Indonesia, nước Hồi giáo đông dân nhất thế giới. Trong lúc Đông Nam Á ngày càng chứng kiến sự mở rộng hoạt động thương mại của Trung Quốc, cũng sẽ có lý để Mỹ thường xuyên thăm châu Á, gồm cả Indonesia, để chống lại ảnh hưởng gia tăng của Trung Quốc “một cách tế nhị và có trách nhiệm”. Bà Clinton nhận định: “Phải nhanh chóng và sẽ nhanh chóng bắt tay với quốc gia này.

Những thay đổi của Indonesia trong thời gian qua chứng minh rằng đạo Hồi, nền dân chủ và sự hiện đại chẳng những có thể chung sống, mà hơn nữa đơm hoa kết trái để cùng nảy nở”. Indonesia được xem là một trong những con đường gần nhất để chính quyền ông Obama có thể thay đổi cách nghĩ của thế giới Hồi giáo đối với nước Mỹ.

Thuận theo thời thế

Người tiền nhiệm của bà Clinton như Colin Powell và Condoleezza Rice đều theo chủ thuyết dùng sức mạnh quân sự để can thiệp vào nhiều vấn đề quốc tế. Hành động cứng rắn này khiến hình ảnh nước Mỹ bị hoen ố nhiều trong cuộc chiến tại Iraq, Pakistan và chảo lửa Trung Đông.

Giới phân tích cho rằng, Ngoại trưởng Clinton mang sứ mệnh khôi phục lại hình ảnh Mỹ bằng đường lối xây dựng một thứ “quyền lực mềm” thực sự. Không chỉ muốn bắt tay với Indonesia, Ngoại trưởng Hillary Clinton còn tuyên bố rằng, chính quyền Mỹ sẵn sàng bình thường hóa quan hệ với CHDCND Triều Tiên và thậm chí sẽ tăng cường trợ giúp đối với quốc gia này. “Nếu Bắc Triều Tiên thực sự chuẩn bị giải trừ vũ khí hạt nhân thì chính quyền Obama sẵn sàng bình thường hóa quan hệ song phương”. Đây là một tuyên bố chưa từng được nghe từ tất cả các bài phát biểu của ba đời ngoại trưởng Mỹ trước đây.

Theo Reuters, các nhà phân tích đã cố vấn cho bà Hillary Clinton không nên đối đầu với lãnh đạo Trung Quốc trong chuyến viếng thăm đầu tiên của bà nơi đây, với tư cách tân Ngoại trưởng Hoa Kỳ. Theo họ, hiện nay hơn bao giờ hết, bà phải tỏ ra mềm mỏng để tranh thủ sự hợp tác của Trung Quốc. Tham vọng của bà Hillary Clinton, nâng quan hệ lên tầm cao mới, có lẽ sẽ kéo theo hệ quả là các hồ sơ nhạy cảm như Tây Tạng và nhân quyền sẽ bị gác xuống hàng thứ yếu trong các cuộc tiếp xúc của Ngoại trưởng Mỹ tại Bắc Kinh.

Giới phân tích cho rằng chính quyền mới Hoa Kỳ đang cố bắt kịp những thay đổi về địa chính trị và kinh tế trên toàn cầu khi Nhật Bản tiếp tục là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, Trung Quốc vươn lên số ba và Hàn Quốc ở vị trí 11. Vai trò của ba cường quốc châu Á trên ngày càng trở nên quan trọng trong các vấn đề nóng bỏng của thế giới.

Trong bối cảnh hiện nay, các nhà quan sát đều thừa nhận một thực tế là Washington cần sự hợp tác của Bắc Kinh để ngăn chặn khủng hoảng tài chính. Năm ngoái, trong chiến dịch tranh cử, bà Clinton nhấn mạnh rằng mối quan hệ song phương quan trọng nhất của Hoa Kỳ trong thế kỷ này là Trung Quốc. Bắc Kinh đang nắm trong tay 700 tỷ USD công trái của ngân khố Mỹ.

Điều này đủ nói lên tầm mức phụ thuộc lẫn nhau giữa siêu cường số 1 là Mỹ và cường quốc đang trỗi dậy là Trung Quốc. Việc Bắc Kinh vẫn duy trì 70% trữ lượng ngoại tệ của mình bằng USD, có thể xem như lá bài tủ để gây áp lực lên Washington, nếu quan hệ đôi bên căng thẳng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
“Quyền lực thông minh” - Lựa chọn khôn ngoan
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO