Phải có báo cáo về tác động môi trường

18/08/2010 08:11

Kể từ nay, chính quyền Mỹ yêu cầu mọi kế hoạch khoan dầu dưới đáy biển ngoài khơi các vùng biển của nước Mỹ đều phải có các nghiên cứu chi tiết về tác động môi trường kèm theo.

Phải có báo cáo về tác động môi trường

Kể từ nay, chính quyền Mỹ yêu cầu mọi kế hoạch khoan dầu dưới đáy biển ngoài khơi các vùng biển của nước Mỹ đều phải có các nghiên cứu chi tiết về tác động môi trường kèm theo.

Lực lượng cứu hỏa di tản người bị thương trong một đợt diễn tập chống cháy nổ tại trung tâm xử lý dầu Pemex Ku-S ngoài khơi vịnh Mexico, thuộc bang Campeche, Mexico ngày 5/8 - Ảnh: AFP

Chính sách này được công bố ngày 16/8 sau khi một ủy ban của Nhà Trắng tiết lộ dự án khoan dầu ở giàn khoan Deepwater Horizon của BP đã được miễn nghiên cứu về tác động môi trường dựa trên các số liệu quá cũ. Vụ nổ ngày 20/4 ở giàn khoan này làm 11 công nhân thiệt mạng và khởi đầu vụ tràn dầu tồi tệ nhất lịch sử nước Mỹ đến nay vẫn chưa giải quyết xong.

Tăng cường giám sát môi trường

“Trong bối cảnh mức độ phức tạp và rủi ro gia tăng, cũng như các ảnh hưởng tiềm năng đối với môi trường, liên quan đến việc khoan dầu dưới đáy biển sâu, chúng tôi đã xem xét lại quy trình (bảo vệ môi trường) và những loại báo cáo đánh giá tác động môi trường cần thiết cho các hoạt động khoan dầu ngoài khơi. Kể từ nay, tiến trình ra quyết định của chúng ta phải được thông tin đầy đủ về những hệ quả tiềm ẩn đối với môi trường trước khi cấp phép cho các dự án dầu mỏ và khí đốt” - AFP dẫn lời Bộ trưởng nội vụ Mỹ Ken Salazar nhấn mạnh trong một tuyên bố được đưa ra.

Ủy ban chất lượng môi trường của Nhà Trắng ngày 16/8 đã công bố một báo cáo kêu gọi các ngành chức năng của Washington siết chặt các quy định giám sát môi trường đối với những kế hoạch khoan dầu dưới biển sâu. Bản báo cáo đặc biệt chú ý đến những trường hợp miễn có nghiên cứu và đánh giá về tác động môi trường của BP trong giai đoạn 1981-1986. Bản báo cáo nhấn mạnh cho đến trước vụ Deepwater Horizon, đã có nhiều vụ tràn dầu do khoan dầu dưới biển sâu trong những thập niên gần đây, nhưng các nhà chức trách đều bỏ qua vì các vụ tai nạn đó không xảy ra ở các vùng biển Mỹ.

Các dự án khoan dầu dưới biển sâu hiện vẫn chưa được phép thực hiện ở Mỹ sau một lệnh đình chỉ tạm thời của chính quyền vào tháng 7.

Để chấm dứt nạn “thủy triều đen”

Tuy nhiên, báo chí cũng như dư luận Mỹ cho rằng biện pháp mới này chẳng khác “mất bò mới lo làm chuồng”. Vấn đề là chính quyền Mỹ cần phải thay đổi chính sách năng lượng, bởi nếu không nước Mỹ sẽ còn phải gánh chịu nhiều thảm họa môi trường trong tương lai. Báo Los Angeles Times viết: “Nếu vụ nổ giàn khoan trong vịnh Mexico buộc chúng ta phải đặt lại vấn đề khai thác dầu ở độ sâu, thì vụ vỡ đường ống dẫn dầu cuối tháng 7 làm 4 triệu tấn dầu đổ xuống sông Kalamazoo, bang Michigan lại buộc chúng ta phải suy nghĩ lại việc xây dựng các đường ống dẫn dầu mới. Cả hai tai họa cho thấy có điều gì đó bất ổn trong chiến lược năng lượng của Mỹ”.

Tờ báo mô tả: sông Kalamazoo bị ô nhiễm suốt 50km chiều dài. Chim, cá và nhiều động vật khác đã bị chết hoặc dính đầy dầu. Nhiều người dân phải sơ tán đi nơi khác vì lượng benzen quá cao trong không khí. Khi dầu trôi trên sông đến thành phố Battle Creek, Xí nghiệp Kellogg’s cũng đã ngưng sản xuất bánh ngô nướng.

Sông Kalamazoo đổ nước trực tiếp vào hồ Michigan. Nếu dầu chảy tới tận hồ thì đó sẽ là một “thảm họa lịch sử” - như bà Jennifer Granholm, thống đốc bang Michigan, nói. Đường ống dẫn dầu bị vỡ ở Michigan thuộc một trong các mạng ống dẫn dầu lớn nhất trên thế giới.

Chính các đường ống này dẫn dầu từ các vùng cát có dầu của Canada đến các nhà máy lọc dầu trong các thành phố miền Trung Tây của Mỹ. Để khai thác “vàng đen” từ vùng cát có dầu, trước tiên phải triệt hạ các khu rừng cổ vùng Bắc cực, rồi sử dụng một lượng rất lớn năng lượng và nước nhằm nghiền đất và thu lại một lượng nhỏ dầu thô. Tiến trình sản xuất này lớn đến nỗi người ta có thể nhìn thấy chúng từ trên cao vũ trụ.

Tờ báo kết luận: “Các thảm họa dầu có thể xảy ra bất cứ nơi nào và không nơi nào trên nước Mỹ là an toàn khi nước Mỹ cứ tiếp tục hậu thuẫn Big Oil (Ông lớn), tên đặt cho nhóm các hãng khai thác dầu hàng đầu thế giới”.

Câu lạc bộ Sierra, một tổ chức môi trường hàng đầu của Mỹ, cho rằng nước Mỹ cần phát triển mạnh nguồn năng lượng sạch.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Phải có báo cáo về tác động môi trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO