"Lưỡng bại câu thương"

LAM HỒNG| 25/09/2012 04:16

Cuộc tranh chấp đảo Senkaku/Điếu Ngư giữa Nhật Bản và Trung Quốc đã châm ngòi cho làn sóng biểu tình dâng cao tại đại lục.

Cuộc tranh chấp đảo Senkaku/Điếu Ngư giữa Nhật Bản (NB) và Trung Quốc (TQ) đã châm ngòi cho làn sóng biểu tình dâng cao tại đại lục. Trong khi nguy cơ của một cuộc chiến quân sự còn lởn vởn thì một cuộc chiến về kinh tế và thương mại đã hình thành, đe dọa hòa bình và thịnh vượng của khu vực.

Đọc E-paper

Người Nhật biểu tình chống TQ

Toyo Tire & Rubber, nhà cung cấp lốp của Toyota, cho biết đang cân nhắc thu hẹp sản xuất tại TQ khi làn sóng biểu tình chống Nhật ở đây ngày càng tăng.

Ông Kenji Nakakura, CEO của công ty này, cho biết: “Cuộc biểu tình có thể ảnh hưởng đến quyết định đầu tư mạnh hơn vào TQ của chúng tôi. Đây vẫn là một thị trường quan trọng, vì vậy, chúng tôi không muốn rút lui hoàn toàn. Tuy nhiên, nếu phải mở rộng sản xuất, Toyo Tire sẽ cân nhắc các nước khác, ví dụ như Malaysia”.

Toyo Tire & Rubber là một trong số rất nhiều các công ty Nhật đang phải đối mặt với quyết định rút khỏi TQ trước làn sóng bài Nhật đang diễn ra dữ dội tại đây. Các cuộc biểu tình đã chuyển sang bạo lực làm dấy lên nạn đập phá, cướp bóc các cơ sở kinh doanh của NB tại TQ.

Trong bối cảnh các cuộc công kích truyền thông diễn ra ở cả hai phía, một tờ báo của TQ đã đề nghị bãi bỏ quan hệ ngoại giao với NB và thậm chí tấn công NB bằng vũ khí nguyên tử!

Lo ngại làn sóng bạo lực lan rộng, siêu thị Aeon của Nhật đã phải đóng 30 cửa hàng trên toàn TQ. Hãng sản xuất xe Toyota cũng đã ngưng một vài hoạt động sản xuất, trong lúc nhà sản xuất hàng điện tử khổng lồ Sony đóng cửa 2 trong số 7 nhà máy tại TQ.

“Đây là sự việc đáng lo ngại. Điều đáng lo ở đây là nếu vấn đề không được giải quyết thỏa đáng và nhanh chóng, tình hình có thể vượt tầm kiểm soát,” ông Martin Schulz thuộc Viện Nghiên cứu Fujitsu bình luận.

Nissan Motors cũng tuyên bố tạm ngưng hoạt động tại 2 trong số những nhà máy của hãng này, trong lúc Canon tạm ngưng hoạt động tại 3 cơ sở sản xuất tại TQ.

Làn sóng biểu tình phản đối NB vì tranh chấp đảo Senkaku/Điếu Ngư đã lan rộng ra 85 tỉnh, thành của TQ với những cuộc biểu tình lên đến hàng trăm ngàn người tham gia. Vì thế, việc đảm bảo đầu tư của Nhật được tồn tại là vấn đề rất lớn đối với Chính phủ TQ do biểu tình tiếp tục leo thang.

Hãng đánh giá tín nhiệm Fitch cũng cảnh báo sẽ hạ xếp hạng hàng loạt doanh nghiệp xuất khẩu NB nếu tình hình này vẫn tiếp tục. Fitch cho biết, Nissan đang gặp rủi ro lớn nhất khi doanh số ô tô tại TQ đã giảm 26%, theo sau là Honda với 20%.

Cả Sharp và Panasonic cũng trong tình trạng tương tự. Căng thẳng chính trị giữa hai nước lại rơi vào thời điểm kinh tế Nhật đang ở thời điểm vô cùng nhạy cảm.

Cuối tháng 8, Bộ trưởng Tài chính Jun Azumi nhìn nhận: “Chính phủ sẽ thiếu hụt tiền. Đó không phải là một kịch bản hoang đường, mà là một thực tế đang đe dọa NB”.

Người TQ biểu tình chống Nhật

Cùng lúc cán cân thương mại của NB bị thâm hụt nặng, chủ yếu do xuất khẩu sang TQ và châu Âu suy giảm. Nhập siêu của Nhật lên tới 5,2 tỷ euro, cao gấp đôi so với chờ đợi.

Tuy nhiên, các nhà ngoại giao cho rằng phong trào biểu tình chống Nhật sẽ là con dao hai lưỡi đối với TQ, nhất là khi kinh tế nước này đang trong giai đoạn “hụt hơi”.

Ông Christian Le Miere từ Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (Anh), nhận định: “Việc này rất khó kiểm soát vì chủ nghĩa dân tộc có thể phản tác dụng với chính phủ”. NB hiện là thị trường tiêu thụ hàng quan trọng thứ ba của TQ, sau EU và Mỹ.

Năm 2011, tổng trao đổi mậu dịch hai chiều lên tới hơn 340 tỷ USD. Trong 7 tháng đầu năm, đầu tư trực tiếp của Nhật vào TQ tăng 19% so với 7 tháng đầu năm 2011.

Vì thế, căng thẳng sẽ ảnh hưởng tới kinh tế của cả hai nước theo chiều hướng tiêu cực nhất. Các nhà đầu tư NB từ lâu đã duy trì chính sách đầu tư TQ+1, nay có thể quyết liệt hơn trong việc dịch chuyển nhà máy khỏi TQ và đầu tư nhiều hơn cho các thị trường như Indonesia, Thái Lan hoặc Việt Nam.

Tuy nhiên, trong thị trường toàn cầu hóa với sự liên kết mạnh mẽ, tranh chấp giữa hai nền kinh tế lớn như Nhật và TQ là đòn mạnh giáng vào không chỉ các nước châu Á mà còn cả đối với kinh tế toàn cầu.

Ông Setsuo Iuchi, Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu Nhật tại Thái Lan (Jetro) và ông Joe Mannix, Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ tại Thái Lan (AmCham) đều tỏ ra lo lắng về việc tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư giữa 2 nước: “Ảnh hưởng của xung đột này tới nền kinh tế châu Á còn tùy thuộc diễn biến và thời gian của các cuộc biểu tình và tranh chấp giữa 2 bên”.

Một cuộc thăm dò tại TQ gần đây cho thấy, hơn một nửa người dân TQ cho rằng, trong vài năm tới sẽ chứng kiến một “tranh chấp quân sự với NB”. Vì thế, mỗi sự cố dù nhỏ đều có nguy cơ tạo ra một tiền lệ xấu.

NB, Việt Nam và Philippines lo ngại, nếu nhượng bộ, TQ sẽ lấn tới và có những hành động bành trướng mạnh bạo hơn. Trong khi đó, TQ lo ngại nếu không có những hành động cứng rắn thì Mỹ và những nước láng giềng sẽ đe dọa sự trỗi dậy của TQ.

Do đó, trong làn sóng chủ nghĩa dân tộc đang diễn ra mạnh mẽ ở các nước châu Á, các tranh chấp như Senkaku/Điếu Ngư sẽ ngày càng trở nên nguy hiểm hơn nếu không được dập tắt kịp thời.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
"Lưỡng bại câu thương"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO