Cuộc đua chạy trốn một thảm họa hạt nhân

15/03/2011 04:37

Đài NHK ngày 15/3 mô tả Nhật Bản đang chạy đua với thời gian để ngăn chặn việc các thanh năng lượng tan chảy đang diễn ra với tốc độ khẩn trương nhất từ tối ngày 14 đến nay.

Cuộc đua chạy trốn một thảm họa hạt nhân

Đài NHK ngày 15/3 mô tả Nhật Bản đang chạy đua với thời gian để ngăn chặn việc các thanh năng lượng tan chảy đang diễn ra với tốc độ khẩn trương nhất từ tối ngày 14 đến nay.

Tokyo đã xin sự trợ giúp từ Mỹ và cộng đồng quốc tế để kiểm soát ba lò phản ứng đang có dấu hiệu nóng lên nhanh chóng vì hậu quả của trận động đất kinh hoàng ngày 11/3.

Các khả năng: Sơ đồ này cho thấy nhiên liệu phóng xạ có thể bị thổi lên các tầng khí quyển bên trên và được các luồng gió mang đi khắp Thái Bình Dương.

Báo Anh Daily Mail mô tả một kịch bản tồi tệ nhất có thể là vụ tan chảy hoàn toàn các thanh nhiên liệu hạt nhân và gió mùa theo hướng từ đông sang tây sẽ kéo theo những đám mây hạt nhân lan đi khắp Thái Bình Dương.

Thủ tướng Naoto Kan trong ngày 15-3 đã lên truyền hình hối thúc người dân sống trong vòng bán kính 30 km của nhà máy hạt nhân Fukushima số một không ra khỏi nhà. “Mức phóng xạ rất cao, và có khả năng sẽ còn tiếp tục rò rỉ”, ông Kan cảnh báo dân chúng.

Chánh văn phòng nội các Yukio Edano cũng thừa nhận mức độ phóng xạ hiện giờ có thể ảnh hưởng tồi tệ đến sức khỏe con người và cảnh báo có những dấu hiệu cho thấy các thanh nhiên liệu đã tan chảy ở cả ba lò phản ứng trong nhà máy.

“Chúng tôi không thể kiểm tra trực tiếp, nhưng rất có khả năng điều này đã xảy ra”, ông Edano nói. Trong một thông báo tại Tokyo, Đại sứ quán Pháp nói những đợt gió mang theo chất phóng xạ với mật độ thấp có thể tràn tới Tokyo trong vòng 10 tiếng đồng hồ.

Kịch bản ác mộng

Các chuyên gia cho rằng kịch bản ác mộng sẽ là việc tan chảy các thanh nhiên liệu làm gia tăng áp lực bên trong thùng chứa. Nếu thùng chứa vỡ, bụi và chất phóng xạ có thể bị phát tán hàng trăm km vào trong không khí. Kịch bản này được tính đến sau khi vụ nổ ở lò phản ứng hạt nhân số ba làm hỏng hệ thống làm lạnh.

Sơ đồ cho thấy gió có thể thổi các đám bụi hạt nhân vượt qua Thái Bình Dương và tràn vào lãnh thổ Hoa Kỳ ra sao, trong kịch bản tồi tệ nhất

“Đi ra ngoài lúc này là quá nguy hiểm, còn là bởi người dân khó có thể đến được nơi an toàn do thiếu thốn nhiên liệu. Chúng tôi cần thêm thông tin từ chính quyền trung ương, nhưng tôi cảnh báo người dân thậm chí không ra khỏi nhà để phơi quần áo và nếu đã giặt và phơi quần áo thì đừng mang vào trong nhà, nó có thể bị nhiễm xạ”, Thị trưởng Fukushima, Tananori Seto, nói với Reuters.

Ngoài vụ nổ, ngày 15/3 cũng đã bắt đầu với rất nhiều tin xấu cho Nhật Bản. Chính thức đến lúc này 2.800 người đã được xác nhận thiệt mạng, nhưng đợt dư chấn, dù với cường độ yếu dần, vẫn tiếp tục xảy ra, gần nửa triệu người đã phải sơ tán trên toàn quốc. 

Nhật kêu gọi hỗ trợ

Sau khi Nhật Bản chính thức yêu cầu hỗ trợ từ Hoa Kỳ, Ủy ban điều phối hạt nhân Mỹ đã tuyên bố họ sẽ xem xét đưa ra những lời khuyên về mặt kỹ thuật cho Nhật Bản, trong khi Tổng thống Barack Obama lặp lại cam kết sẽ “giúp đỡ bất cứ điều gì có thể”.

Hòa bình xanh, một tổ chức vận động lâu dài chống năng lượng hạt nhân, nói thảm họa này cho thấy năng lượng hạt nhân khó bao giờ có thể được coi là an toàn.

“Điều này cho thấy một lần và mãi mãi là năng lượng hạt nhân không thể an toàn. Các nhà máy hạt nhân của Nhật Bản được xây dựng với công nghệ mới nhất, đặc biệt để đối phó thiên tai, nhưng vẫn đứng trước nguy cơ tan chảy”, Daily Mail dẫn lời Steve Campbell của Hòa bình xanh.

Nhưng các nhà khoa học nguyên tử lại nhìn thấy điều ngược lại. Giáo sư Paddy Regan, một nhà vật lý học nguyên tử tại Surrey, Anh, bình luận:

“Chúng ta có một trận động đất kinh hoàng ở một quốc gia có tới 55 nhà máy điện nguyên tử, và tất cả đã được ngừng hoạt động một cách hoàn hảo, dù vẫn còn lại ba nhà máy gặp trục trặc. Đó là một trận động đất lớn, một thử nghiệm cho sự ổn định và vững vàng của các nhà máy điện nguyên tử và cho đến giờ, có vẻ như chúng đã đứng vững”. 

Lò phản ứng hoạt động ra sao

1. Lò phản ứng được đặt trong một lồng chứa bằng bê tông và sắt dày 2 mét.

2. 100 thanh nhiên liệu uranium và plutonium bọc kẽm được đặt cạnh nhau tạo ra nhiệt độ cao.

3. Nhiệt độ cao làm sôi nước, tạo ra hơi nước làm quay các turbine và tạo ra điện.

4. Lò phản ứng được kiểm soát hoặc ngừng hoạt động bằng cách nhúng những thanh kim loại hấp thụ neutron từ các thanh năng lượng.

Cuộc chiến chống thảm họa

1. Động đất kích hoạt chức năng ngừng hoạt động tự động của các lò phản ứng. Những thanh nhiên liệu sẽ mất một tuần lễ để nguội hoàn toàn.

2. Sóng thần làm hỏng hệ thống bơm nước để làm nguội các thanh nhiên liệu.

3. Khi áp lực do nước sôi và hơi nước tăng lên, hơi nước thoát ra từ các lò phản ứng số một và số ba.

4. Hơi nước quá nóng và bị dồn nén quá mức gây nên những vụ nổ phá hỏng các phần lồng chứa trong mấy ngày qua.

5. Hiện nước biển đang được bơm vào trong lò phản ứng, nhưng có vẻ như không đủ để làm nguội các thanh nhiên liệu.

Một trở ngại nữa của cuộc chiến là không thể sử dụng người trực tiếp tiếp xúc với lò phản ứng, vì nguy cơ nhiễm xạ là quá cao. 

Lõi nhiên liệu nóng chảy

1. Nếu các thanh nhiên liệu quá nóng, đến mức khoảng hơn 800 độ C, lớp vỏ bọc bằng kẽm có thể vỡ.

2. Ở nhiệt độ 1090 độ C, hơi nước sẽ gây ra áp lực cực lớn lên lồng chứa.

3. Ở nhiệt độ 1870 độ C, các thanh nhiên liệu và lớp vỏ bọc sẽ tan chảy và rơi xuống đáy lồng chứa. Đây chính là hiện tượng tan chảy.

4. Trong kịch bản tồi tệ nhất, lồng chứa nổ tung và các thanh nhiên liệu đã nóng chảy thành chất khí, sẽ bay khắp nơi trong không khí.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cuộc đua chạy trốn một thảm họa hạt nhân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO