ASEAN tăng tốc

HÀ CÚC| 16/04/2010 04:57

Hội nghị thượng đỉnh các nước Đông Nam Á lần thứ 16 khai mạc tại Hà Nội (8/4) với trọng tâm thúc đẩy tiến trình thành lập cộng đồng ASEAN. Dù còn nhiều trở ngại nhưng ASEAN đang đi nhanh hơn trong lộ trình liên kết nội khối.

ASEAN tăng tốc

Hội nghị thượng đỉnh các nước Đông Nam Á lần thứ 16 khai mạc tại Hà Nội (8/4) với trọng tâm thúc đẩy tiến trình thành lập cộng đồng ASEAN. Dù còn nhiều trở ngại nhưng ASEAN đang đi nhanh hơn trong lộ trình liên kết nội khối.

Xu thế hội nhập tiếp tục đẩy con thuyền ASEAN đi nhanh hơn trong quá trình thiết lập mô hình nội khối như Liên minh Châu Âu (EU), đặc biệt là những động lực kinh tế đã tập hợp các nước theo những mục tiêu chung. Dự thảo văn kiện "Bản phúc trình theo dõi ASEAN" đánh giá kinh tế của khối dự kiến sẽ tăng từ 4,9 đến 5,6% trong năm 2010, so với mức 1,9% năm ngoái.

Lãnh đạo các nước trong khối ASEAN

Sáng kiến Chiang Mai đa phương và sáng kiến phát triển thị trường trái phiếu châu Á là hai điểm mốc trên con đường hội nhập kinh tế và tài chính của khu vực 10 thành viên ASEAN và của ASEAN +3. Quỹ Ngoại hối Châu Á (CMIM) vừa chính thức thức đi vào hoạt động hôm 24/3, đồng thời thảo luận về sáng kiến phát triển thị trường trái phiếu châu Á (Asian Bound Market Initiavive) đã được các bên xúc tiến thực hiện.

CMIM có sự đóng góp của 10 nước ASEAN và ba nước Đông Á, trong đó Nhật Bản và Trung Quốc góp 32% trên tổng số 120 tỷ USD. (Riêng Việt Nam góp 1 tỷ USD). Quỹ được thiết lập nhằm mục đích cung ứng ngoại tệ cho các nước thành viên khi gặp khó khăn nhưng có thể thấy đây là bước đầu trên con đường hội nhập tài chính của khu vực.

Thông qua hoạt động của Quỹ, 10 quốc gia ASEAN cùng ba nước Đông Á (Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc) đã chính thức cho áp dụng thỏa thuận hoán đổi ngoại tệ có quy mô như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Theo quy định, khi cần đến ngoại tệ để đối phó với thiếu hụt nghiêm trọng, một nước có thể xin Quỹ này tài trợ.

Trong khi đó, thị trường trái phiếu châu Á sẽ giúp các nước thành viên có thể thu hút vốn một cách hiệu quả hơn và quay vòng vốn một cách dễ dàng. Ví dụ, nếu Malaysia hay Singapore có nhiều vốn hơn Việt Nam, khi đó Việt Nam có thể phát hành trái phiếu ra thị trường ASEAN, các nhà đầu tư Malaysia và Singapore có thể mua trái phiếu chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp của Việt Nam.

Tuy nhiên, vẫn còn quá sớm để cho rằng ASEAN có thể nhanh chóng tiến đến một khối thống nhất dựa theo mô hình của Liên minh Châu Âu. Bên cạnh đó thì đối tác giữa ASEAN với ba nước lớn trong khu vực trong các lĩnh vực thương mại, kinh tế và đầu tư “tương đối khá cân bằng”.

ASEAN cần duy trì thế cân bằng đó để tránh tự bó tay trước một đối tác có trọng lượng quá lớn. Theo giới quan sát, tiến trình hội nhập, xây dựng cộng đồng của ASEAN rất phức tạp và khó khăn do trình độ phát triển không đồng đều giữa các thành viên. Hơn nữa, ASEAN là một khối nước không đồng nhất về thể chế chính trị. Khó khăn này càng được nhấn mạnh trong bối cảnh cuộc khủng hoảng chính trị tại Thái Lan vẫn tiếp tục leo thang và vấn đề bầu cử Myanmar chưa được giải quyết...

Mặc dù vậy, Hội nghị Cấp cao ASEAN 16 nhất trí tăng cường vai trò trung tâm của ASEAN trong một cấu trúc khu vực đang nổi lên. ASEAN sẽ nghiên cứu cách thức cụ thể để Nga và Mỹ có thể tham gia vào cấu trúc khu vực, kể cả khả năng gắn kết với Cấp cao Đông Á (EAS) theo mức độ và hình thức phù hợp. Cuộc khủng hoảng kinh tế đã cho thấy vai trò nổi bật của các nền kinh tế ASEAN và tất cả các quốc gia này đều nhận thấy: hội nhập là một cơ hội lớn để ASEAN nhanh chóng trở thành một đối trọng mới trong bản đồ toàn cầu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
ASEAN tăng tốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO