Xử lý chuối để xuất sang Trung Quốc theo đường chính ngạch |
Vì cứ nghĩ thị trường Trung Quốc dễ tính nên nông dân trồng trọt không theo quy trình sản xuất, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân hóa học, hệ quả dễ nhận thấy nhất là nông, thủy sản Việt Nam không có thương hiệu, nên khi phía Trung Quốc thay đổi chính sách kiểm tra, giám sát nghiêm ngặt chất lượng sản phẩm là hàng hóa bị ứ đọng, giá giảm sâu, có khi phải đổ bỏ, nông dân rơi vào tình trạng nợ nần.
Ông Vĩ Tích Thành - Tham tán Thương mại và Kinh tế, Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại TP.HCM khẳng định, với nông, thủy sản Việt Nam, nếu đảm bảo chất lượng sẽ được tiêu thụ rất tốt tại Trung Quốc. Sở dĩ hàng Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc chủ yếu bằng con đường tiểu ngạch vì không đảm bảo được chất lượng. Nếu Việt Nam làm tốt khâu xây dựng chất lượng và đảm bảo quy trình trồng trọt, chăn nuôi thì nông sản nhập khẩu chính ngạch dễ dàng vào thị trường Trung Quốc với giá cao hơn, rất ít rủi ro.
Theo ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký VASEP, không phải dễ dàng mà con cá tra Việt Nam thâm nhập được thị trường Trung Quốc nếu như trước đó doanh nghiệp không nỗ lực đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm khắt khe của thị trường Mỹ, châu Âu hay Nhật Bản.
Việc Trung Quốc đặt nhiều rào cản kỹ thuật sẽ giúp giảm thiểu việc xuất khẩu tiểu ngạch, vốn bị ảnh hưởng bởi việc thương lái thu gom sản phẩm từ con cá tra đến trái thanh long chất lượng thấp, bán giá rẻ sang Trung Quốc khiến thương hiệu có thể bị đe dọa.
Thời gian gần đây, Trung Quốc liên tục áp đặt các tiêu chuẩn chất lượng cho hàng nông, thủy sản Việt Nam. Chẳng hạn, khi doanh nghiệp làm thủ tục thông quan trái cây từ Việt Nam sang Trung Quốc phải cung cấp hình ảnh chụp bao bì chứa thông tin: tên sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ, tên hoặc mã số nhà xưởng đóng gói bằng tiếng Hoa hoặc tiếng Anh để truy xuất nguồn gốc, chất lượng sản phẩm. Doanh nghiệp còn có thể dán thêm nhãn để bổ sung các thông tin mã vạch, QR code hoặc tem chống hàng giả.
Theo nhà nông học, GS. Võ Tòng Xuân, khi Trung Quốc áp đặt các tiêu chuẩn chất lượng đối với nông sản, buộc doanh nghiệp Việt Nam phải thay đổi cách kinh doanh, như xây dựng vùng nguyên liệu theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP để truy xuất được nguồn gốc sản phẩm. "Trung Quốc là thị trường hấp dẫn, vì quy mô tiêu thụ lớn, khoảng cách vận chuyển gần, và nếu cải thiện chất lượng sản phẩm đáp ứng yêu cầu thị trường này thì doanh nghiệp sẽ có lợi nhuận tốt", GS. Võ Tòng Xuân khẳng định.
Nhìn ở góc độ khác, không chỉ đơn thuần về chất lượng, thương hiệu hay độ ổn định đơn hàng, mà theo ông Dương Nghĩa Quốc - Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam (VINAPA), buôn bán được với Trung Quốc thì sản lượng nào họ cũng bao tiêu. Tuy nhiên, thị trường này có thể xuất hiện những động thái bất lợi cho cá tra Việt Nam bất cứ lúc nào, không đoán trước được.