Doanh nghiệp nông nghiệp đối diện ba thử thách

NGUYỄN XUÂN CƯỜNG (*)| 19/08/2018 03:35

Kết quả 30 năm đổi mới về lĩnh vực nông nghiệp, nước ta đã chuyển đổi thành công một nền nông nghiệp cung không đủ cầu sang nền nông nghiệp đáp ứng cơ bản thực phẩm cho gần 100 triệu dân và thừa để xuất khẩu.

Doanh nghiệp nông nghiệp đối diện ba thử thách

Năm 2017, xuất khẩu nông sản đạt 36,5 tỷ USD, năm 2018 dự báo đạt khoảng 40 tỷ USD, trở thành nước đứng thứ 16 trên thế giới về xuất khẩu nông sản, trong đó có 10 nhóm mặt hàng kim ngạch trên 1 tỷ USD.

Nhiều chính sách về phát triển nông nghiệp đã được Chính phủ ban hành, như Nghị định 55/2015 về tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, Nghị định số 98/2018 về chính sách hỗ trợ DN trong hợp tác, liên kết sản xuất quy mô lớn, gói tín dụng 100.000 tỷ cho nông nghiệp công nghệ cao, Nghị định số 58/2018 về bảo hiểm nông nghiệp.

Gần đây nhất, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 57/2018/NĐ-CP tập trung vào cơ chế chính sách ưu đãi về sử dụng và thuê đất, mặt bằng kinh doanh, ưu đãi về thuế, hỗ trợ tín dụng, đào tạo lao động, phát triển thị trường, đầu tư cơ sở hạ tầng đến hàng rào DN, ưu tiên hỗ trợ một số chương trình đầu tư vào nông nghiệp, nhất là các chương trình về liên kết, chế biến sâu, ứng dụng khoa học công nghệ cao.

Link bài viết

Trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế đã xác định doanh nghiệp (DN) là hạt nhân, không có DN, không tổ chức thành công một nền kinh tế hàng hóa hội nhập. Hiện nay, cả nước có khoảng 49.600 DN đầu tư vào nông nghiệp, chiếm 8% tổng số DN đang hoạt động trên cả nước, trong đó có 7.600 DN trực tiếp sản xuất sản phẩm nông, lâm, thủy sản, chiếm khoảng 1%.

Về cơ cấu, khoảng 90% DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp là DN tư nhân, còn lại là DN nhà nước, DN FDI. Xét theo quy mô lao động, 96% DN đầu tư vào nông nghiệp chủ yếu có quy mô nhỏ và siêu nhỏ. So với số lượng DN của cả nước, những con số này là khiêm tốn, nhưng với ngành nông nghiệp được nhìn nhận là rất tích cực.

Những thành tựu của nông nghiệp Việt Nam được quốc tế đánh giá cao nhưng vẫn đứng trước ba thách thức lớn.
Một là, nông nghiệp Việt Nam vẫn dựa trên nền tảng quy mô hộ nhỏ lẻ. Tính đến nay, nước ta có 8,6 triệu hộ nông dân với gần 70 triệu mảnh ruộng nhỏ. Đó là một thách thức rất lớn khi tổ chức lại nền sản xuất theo hướng tập trung, là nguyên nhân cơ bản giải thích tại sao năng suất sinh học Việt Nam rất cao, nhưng hiệu quả kinh tế cho người sản xuất rất thấp.

Hai là, thách thức biến đổi khí hậu khi Việt Nam là một trong 5 nước chịu tổn thương lớn nhất. Thực tế ba năm vừa qua cho thấy, riêng 2017 thiệt hại do thiên tai gây ra tới 1,5% GDP và nửa đầu năm 2018 thiệt hại ước tính là hơn 30.000 tỷ đồng. Những con số này cho thấy tổn thương đối với nền kinh tế nói chung, trong đó riêng khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn sẽ bị tổn thương đầu tiên và nặng nề nhất.

Ba là, thách thức hội nhập. Nông sản Việt Nam tự hào xuất khẩu đến 180 nước, nhưng áp lực cũng rất lớn, nhất là khi Việt Nam thực hiện cam kết của các hiệp định thương mại tự do, thị trường sẽ bị đe dọa nếu không tổ chức được giải pháp sản xuất tốt nhất, an toàn nhất.

Cơ cấu lại nền nông nghiệp, Nhà nước đang khuyến nghị theo hướng tập trung, hàng hóa, chuỗi giá trị, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và hội nhập sâu rộng. Nước ta cũng đã hoàn thiện bộ luật, các văn bản pháp luật về hội nhập, dù vẫn còn những nút thắt, tồn tại về quản lý.

Trong ba năm gần đây, Quốc hội đã thông qua ba bộ luật liên quan đến ngành nông nghiệp. Trong hai năm gần đây, Chính phủ đã ban hành gần 10 nghị định, như Nghị định 57 ưu tiên các DN đầu tư vào nông nghiệp, Nghị định 58 về bảo hiểm, Nghị định 98 về liên kết chuỗi... cùng một loạt thông tư. Đó chính là sự hoàn thiện thiết chế, luật pháp để làm công cụ cho ngành nông nghiệp phát triển, hội nhập.

Không gian phát triển của nông nghiệp nước ta đang bị đe dọa bởi biến đổi khí hậu. Nhưng về tổng thể đủ dư địa để ngành nông nghiệp phát triển bền vững ba mặt là thủy sản, lúa gạo và trái cây, cũng như phát triển thế mạnh về cây công nghiệp, cây dược liệu, cây ăn quả và cây rau đặc thù của Việt Nam mà thế giới rất cần.

DN cũng có thể lựa chọn, tập trung đầu tư vào thế mạnh nông sản đặc sản của Việt Nam. Chính phủ đã ban hành Quyết định 490 về phát triển các nông sản, đặc sản Việt Nam, phấn đấu đến năm 2020 Việt Nam có 2.400 nông sản đặc sản. Việt Nam đã tham gia chuỗi nông sản toàn cầu và đứng thứ 16.

Dù vậy, động lực của sản xuất là thị trường, DN nông nghiệp cần lưu ý hai khu vực. Thứ nhất, thị trường nội địa với gần 100 triệu dân Việt Nam, tốc độ nền kinh tế tăng trưởng 6 - 7%/năm, bình quân GDP đầu người là 2.400 USD, tỷ lệ cơ cấu tiêu dùng chiếm 15% GDP. Thứ hai, giá trị nông sản toàn cầu vào khoảng 2.000 tỷ USD/năm, với sự tăng trưởng 4 - 5%/năm.

(*) Tác giả là Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Doanh nghiệp nông nghiệp đối diện ba thử thách
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO