ASIAN GAMES trong cuộc chơi chính trị

PHƯƠNG VY| 17/09/2014 03:36

Trong khi phương Tây đang dọa tẩy chay World Cup 2018 tại Nga thì Asian Games (Á vận hội - Asiad) 2014 ở Hàn Quốc là ví dụ điển hình nhất cho thấy chính trị đang thách thức thể thao đến mức nào.

ASIAN GAMES trong cuộc chơi chính trị

Trong khi phương Tây đang dọa tẩy chay World Cup 2018 tại Nga thì Asian Games (Á vận hội - Asiad) 2014 ở Hàn Quốc là ví dụ điển hình nhất cho thấy chính trị đang thách thức thể thao đến mức nào.

Đọc E-paper

Quốc kỳ Triều Tiên, Nhật Bản bên ngoài sân vận động Incheon trước ngày khai mạc Asian Games 2014

Nóng chuyện biển đảo

Bóng đá chính là môn thể thao vào cuộc trước tiên ở Asiad 2014, từ trước ngày khai mạc (19/9). Mà nói tới bóng đá nam thì người ta nghĩ ngay tới cuộc đối đầu Hàn Quốc - Nhật Bản. Họ không chỉ là hai cường quốc hàng đầu châu lục ở môn này, mà còn bởi những vấn đề lịch sử đang được làm nóng lên xung quanh tranh chấp lãnh thổ giữa hai nước. Các nhà tổ chức tất nhiên không hào hứng lắm với chuyện Nhật Bản và Hàn Quốc đụng độ nhau, bởi họ e ngại những phát sinh có thể bùng phát ở trong và ngoài sân đấu.

Tại Olympic London 2012, họ cũng xếp hai đội này vào hai nhánh riêng biệt để chỉ có thể chạm trán nhau ở trận cuối cùng, nhưng vẫn không thể tránh được. Hàn Quốc và Nhật Bản lần lượt thua Brazil và Mexico ở bán kết, nên đã đụng độ nhau ở trận tranh giải ba, và rắc rối bắt đầu bộc phát.

Sau khi giúp Hàn Quốc đánh bại Nhật Bản với tỷ số 2-0 để đoạt tấm huy chương đồng Olympic 2012, tiền vệ Park Jong Woo đã giơ cao tấm biểu ngữ "Dokdo là của chúng tôi", một hành động được xem là không đáng có trong một kỳ đại hội thể thao.

Đảo Dokdo mà Nhật Bản gọi là Takeshima chính là điểm nóng xảy ra tranh chấp chủ quyền giữa hai nước trong nhiều năm qua. Chính hành động sốc nổi ấy của Park đã khiến anh bị cấm thi đấu 2 trận và bị tước tấm huy chương đồng vì vi phạm quy tắc cấm các hành động, tuyên bố hoặc biểu ngữ liên quan đến vấn đề chính trị.

Án phạt dành cho Park không làm nguội những cái đầu nóng, mà thậm chí còn khiến không khí căng thẳng hơn. Tại giải vô địch Đông Á năm ngoái, người hâm mộ của Hàn Quốc và Nhật Bản tiếp tục trương những biểu ngữ bài xích lẫn nhau. Tại kỳ Á vận hội lần này, Nhật Bản và Hàn Quốc một lần nữa nằm ở hai nhánh đấu khác nhau, và họ chỉ có thể đụng độ ở trận chung kết hoặc tranh giải ba, diễn ra vào ngày 2/10 tới.

Trận đấu ấy, nếu diễn ra, sẽ lại là một cơn đau đầu thưc sự về tình trạng an ninh cho các nhà tổ chức. Khi niềm tự hào dân tộc và cảm xúc trộn lẫn với nhau, trận đấu ấy có thể sẽ rất hay, nhưng có thể cũng tiềm ẩn những nguy cơ lớn về xung đột.

Những người "anh em"

Nhưng trước khi xảy ra một cuộc đối đầu với người láng giềng Nhật Bản thì các quan chức Hàn Quốc còn đau đầu hơn với những rắc rối có thể nảy sinh từ "người anh em" Triều Tiên. Những tưởng một sự kiện thể thao sẽ là cầu nối hòa giải "Liên Triều". Những vụ bắn pháo của cả hai bên ở biên giới trên biển Hoàng Hải thời gian qua đã khiến mối quan hệ giữa hai miền trở nên căng thẳng, nhất là khi Seoul từ chối để các vận động viên Bình Nhưỡng mang quốc kỳ khổ lớn vào sân vận động ở lễ khai mạc, cũng như từ chối cấp visa cho đoàn hoạt náo viên của miền Bắc.

Hàn Quốc coi các hoạt náo viên như những "chiến sĩ văn công làm nhiệm vụ tuyên truyền giữa lòng địch". Trong lần tham dự Đại hội Thể thao Sinh viên Thế giới ở Deagu năm 2003, các hoạt náo viên Triều Tiên đã trương ảnh lãnh tụ Kim Jong-Il, khiến các quan chức chủ nhà hết sức khó xử. Năm 2008, Triều Tiên từng không cho phép cử quốc thiều Hàn Quốc trước trận đấu của hai đội ở vòng loại World Cup 2010, dự kiến diễn ra ở Bình Nhưỡng, do đó trận đấu phải dời sang sân trung lập Thượng Hải.

Ở Olympic 2012, các cầu thủ nữ Triều Tiên cũng đã rời sân sau khi Ban tổ chức "đưa nhầm" hình quốc kỳ Hàn Quốc lên màn hình ở sân vận động. Thế nên, lo ngại về những sự cố tương tự đang lơ lửng khi mà một nhóm các cổ động viên Hàn Quốc đang dọa sẽ đốt cờ Triều Tiên ở gần sân vận động Incheon, buộc Ban tổ chức phải cho thu dọn quốc kỳ của tất cả các đoàn tham dự Á vận hội trên đường phố.

Một mối lo nữa ở Asian Games là sự có mặt của các vận động viên Palestine, trong bối cảnh cuộc xung đột ở Gaza thời gian qua vẫn đang là điểm nóng của thế giới. Các vận động viên Palestine dự định sẽ tận dụng sự kiện thể thao này để hướng sự chú ý của thế giới vào cái mà họ cho là tội ác của quân đội Israel khi tiến hành không kích vào Gaza, khiến hàng ngàn người, trong đó có rất nhiều trẻ em, thiệt mạng.

Trong bối cảnh đó, người ta hoàn toàn có lý do để mà lo ngại khi những bi kịch như vụ thảm sát các vận động viên Israel ở Olympic Munich 1972 vẫn chưa nguôi ngoai trong tâm trí nhiều người.

Lẽ nào ước vọng hòa bình ở cả những đại hội thể thao cũng khó khăn đến thế?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
ASIAN GAMES trong cuộc chơi chính trị
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO